Tôi gặp Ths.BS Phạm Như Hiển, hiện đang công tác tại khoa Ngoại Nhi cấp cứu bụng, bệnh viện Trung ương Huế khi đã chiều muộn, với tiết trời đang chuẩn bị chuyển giao để bước vào những ngày mưa ảm đạm. Dù vậy, cuộc nói chuyện với chàng bác sĩ sinh năm 1995 này vẫn rất thú vị bởi sự gần gũi, thân thiện và cởi mở.
Qua trò chuyện, ấn tượng về Hiển chính là sự chân thành với một kho kiến thức rộng và cách nói chuyện lôi cuốn. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế, Hiển đầu quân cho bệnh viện Trung ương Huế.
Đặc biệt, với lợi thế tiếng Anh trình độ IELTS 8.0, Hiển nhanh chóng trở thành một nhân tố thường xuyên góp mặt trong các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế của bệnh viện này. Hiển cho biết, bản thân may mắn được học tiếng Anh từ nhỏ nên khi theo đuổi học tập chuyên ngành y, đây trở thành một lợi thế để Hiển tiếp thu nhiều kiến thức từ bên ngoài.
Từ thời sinh viên, nhờ kiến thức tiếng Anh, Hiển đã trở thành một thành viên trong Hội sinh viên y khoa Châu Á - Thái Bình Dương. Nơi mà như Hiển chia sẻ, đã giúp học hỏi được rất nhiều kiến thức, xu hướng và cái mới của ngành y hiện đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ với đội ngũ y tế, khi còn là sinh viên, Phạm Như Hiển là một trong những thành viên năng nổ từng tham gia lớp hỗ trợ trình độ tiếng Anh cho đội ngũ điều dưỡng bệnh viện Trung ương Huế.
Lúc ấy, cũng chính Hiển là người hỗ trợ cho Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) trong việc phiên dịch để giúp các chuyên gia nước ngoài tài trợ, chuyển giao kỹ thuật máy siêu âm cho các trung tâm y tế huyện ở tỉnh Quảng Trị.
Khi đã công tác tại bệnh viện Trung ương Huế, Hiển cũng rất thường xuyên nằm trong ban tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các bác sĩ, chuyên gia, sinh viên Y khoa nước ngoài với bệnh viện.
“Tiếng Anh chính là cánh cửa mở ra để tiếp thu, học tập các kiến thức y khoa chuyên sâu từ thế giới. Đó là phương tiện để kết nối, giao lưu với những bác sĩ giỏi của quốc tế, từ đó trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn y học. Vì vậy, với những người hoạt động trong ngành y, chưa bao giờ là muộn để bắt đầu học tiếng Anh”, Phạm Như Hiển quan điểm.
Theo Hiển, việc học tốt tiếng Anh sẽ giúp người trẻ dễ dàng hội nhập và mở ra những thành công lớn trong sự nghiệp. Đặc biệt với sinh viên Y khoa, tiếng Anh càng trở nên cần thiết khi hầu hết các tài liệu, công trình nghiên cứu về Y học đều bằng tiếng Anh.
Không chỉ giỏi tiếng Anh, Phạm Như Hiển còn là một người rất năng nổ hoạt động các phong trào thiện nguyện, công tác xã hội của Bệnh viện Trung ương Huế.
Hiện, ngoài là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hiển đang phụ trách Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của Bệnh viện Trung ương Huế. Đặc biệt, Hiển đã hơn 5 lần tham hiến máu và tiểu cầu, một loại chế phẩm máu có vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng cho điều trị để cứu bệnh nhân.
Phạm Như Hiển chia sẻ, bản thân mình tự đặt ra mục tiêu 3-6 tháng sẽ hiến máu một lần. Hiến máu không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể, lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo, phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian, sức lực nhưng vô cùng cần thiết cho xã hội. Qua hành động nhỏ bé của mình, bản thân Hiển mong muốn lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái đến cộng đồng.
“Bản lĩnh, năng động và nhiệt huyết là những từ có thể nói về đồng chí Hiển. Dù đang bận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nhưng trong mọi hoạt động phong trào, công tác xã hội của bệnh viện, Hiển luôn tham gia nhiệt tình, năng nổ và trở thành một nhân tố rất tích cực của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bệnh viện. Đặc biệt trong các hoạt động tổ chức giao lưu giữa các bác sĩ, chuyên gia, sinh viên Y khoa nước ngoài, với trình độ tiếng Anh tốt, Hiển đã hỗ trợ ban tổ chức của bệnh viện rất nhiều”, Ths.BS Nguyễn Minh Hành, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bệnh viện Trung ương Huế nhận xét.
Một điều ít ai biết, Phạm Như Hiển cũng là một thành viên góp công rất lớn trong việc thành lập Hội cứu trợ PET Huế, một nhóm với hàng nghìn thành viên thường xuyên cứu trợ, giải cứu những chú chó, mèo bị bệnh hoặc bị chủ bỏ rơi.
Anh Trần Văn Sơn, phụ trách Hội cứu trợ này cho biết: “Hiển rất yêu mèo, ngay từ những ngày đầu thành lập hội, Hiển đã là một thành viên đắc lực trong việc hỗ trợ cứu trợ, tư vấn y tế, điều trị những thú cưng bị bỏ rơi, bị bệnh. Hiển rất thông minh, có nhiều sáng kiến hay, việc Hiển giỏi tiếng Anh cũng đã hỗ trợ hội rất nhiều trong tư vấn về pháp lý, thủ tục để giúp các chú chó mèo được cứu trợ xuất ngoại ra nước ngoài”.
“Cùng sự nhiệt thành đó, tôi tin với nghề y, cậu ấy cũng sẽ là một người tâm huyết, tử tế, bởi thường những người yêu động vật đều có một trái tim nhân hậu và ấm áp”, anh Sơn chia sẻ.
Lê Kông