Trong số những lo ngại liên quan đến việc vận hành và sở hữu xe điện, nguy cơ cháy nổ hoàn toàn có thể xảy ra. Một khi xe điện bốc cháy, sự thoát nhiệt không ngừng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các đơn vị cứu hỏa và cứu hộ địa phương.
Hôm 26/5, Cơ quan Cứu hỏa và cứu hộ Malaysia tổ chức thực nghiệm dập tắt một vụ cháy xe điện bằng “chăn chữa cháy” – một sản phẩm mới đang trong quá trình đánh giá bằng thử nghiệm thực tế.
Theo Hiệp hội Phương tiện không phát thải Malaysia (MyZEVA), tổ chức đề xuất sản phẩm này, “chăn chữa cháy” trong cuộc thử nghiệm làm bằng vải sợi thủy tinh chịu nhiệt độ cao được xử lý đặc biệt.
Chiếc chăn có độ dày 0,6 mm, rộng 6 m, dài 8 m và nặng 39kg, chịu được nhiệt độ khoảng 700 độ C và có điểm nóng chảy là 1.600 độ C.
Theo MyZEVA, chăn này có chứng nhận EN13501-1 NFPA 701 (tiêu chuẩn quốc gia Malaysia về chất chịu lửa an toàn cho người dùng), phù hợp để sử dụng trên hầu hết các loại xe trên thị trường.
MyZEVA tuyên bố, điều quan trọng là mọi trạm cứu hỏa và cứu hộ phải được trang bị đủ chăn chữa cháy và khuyến nghị các nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất xe điện cũng như các nhà điều hành điểm sạc đóng góp chăn chữa cháy cho các trạm cứu hỏa địa phương.
Hiệp hội này cũng khuyến nghị mỗi tòa nhà thương mại nên cất giữ ít nhất 2 chiếc chăn chữa cháy xe điện trong mỗi phòng điều khiển chính, phòng khi hỏa hoạn xe điện xảy ra.
Hiện tại, nhãn hiệu chăn chữa cháy vẫn chưa được nêu tên cụ thể, nguồn tin rò rỉ cho hay sản phẩm này có mức giá từ 1.700 - 4.500 Ringgit (8,5 - 22,5 triệu Đồng) mỗi chiếc, tùy kích cỡ và độ dày vật liệu.
Nhưng Malaysia không phải là nơi duy nhất sử dụng “chăn chữa cháy” để xử lý các đám cháy liên quan đến xe điện. Ở Mỹ, hồi tháng 1, lực lượng chữa cháy South Metro Fire Rescue (SMFR) của bang Colorado đã gặp phải một vụ cháy xe điện Jaguar I-Pace khi xe này đang nằm sạc tại một khu dân cư ở thành phố Denver. Công cụ dập lửa mới nhất mà họ sử dụng là “chăn chữa cháy”.
Bình thường, chiếc xe điện bị cháy sẽ được đưa vào trong một chiếc thùng và đổ đất/cát lên để dập đám cháy hoàn toàn. Điều này giúp ngăn chặn lửa bùng phát trở lại, nhưng cụm pin Lithium-ion vẫn tiếp tục cháy âm ỉ dù ngọn lửa từ chiếc xe đã được khống chế, do vị trí của pin khó tiếp cận cũng như các nguyên liệu trong cụm pin vẫn chưa cháy hết.
Do đó lực lượng SMFR đã chọn phương pháp dùng “chăn chữa cháy” chuyên dụng với khối lượng khoảng 28 kg để phủ lên chiếc xe vừa được chữa cháy tạm thời, nhằm ngăn xe tiếp xúc với không khí để dừng cấp ô-xi vào trong cụm pin còn đang âm ỉ cháy phía dưới xe.
Việc chữa cháy đến đây vẫn chưa kết thúc. Sau đó các nhân viên của SMFR phải tiếp tục chở chiếc xe Jaguar với tấm chăn phủ bên ngoài đến một bãi phế liệu, điều này giúp sức nóng bên trong dần dịu đi khi không còn lửa cháy và giữ an toàn cho cụm pin không bốc cháy trở lại.
Dù chi phí cho “chăn chữa cháy” chuyên dụng này lên tới 3.000 - 5.000 USD (76-127 triệu Đồng) nhưng SMFR cho biết đây vẫn là giải pháp hiệu quả hơn nhiều so với chỉ phun nước vào xe để dập lửa, vì việc này chỉ tốn thời gian và khó có thể ngăn triệt để vấn đề, thậm chí nước tràn ra ngoài còn có thể mang nhiều chất độc hại ra môi trường.
Kim Vy (Theo Báo Giao Thông, VnMedia)