Tại cuộc họp báo thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh vào 13/8, một số phóng viên đặt vấn đề, nhiều người dân sống tại chung cư có ca nhiễm dịch Covid-19, lo ngại về khả năng bị lây nhiễm dịch bệnh qua hệ thống thông gió của nhà chung cư.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Hồ Chí Minh (HCDC) cho rằng, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư.
“Đây là vấn đề quá mới mẻ. Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng có hay không. Các thắc mắc xuất phát từ suy luận chứ chưa có bằng chứng khoa học nào”, ông Tâm nhận định.
Ông Tâm dựa vào cơ sở khoa học về virus SARS-CoV-2 để đưa ra lý giải. Virus này lây truyền qua không khí, trong giọt bắn rất nhỏ. Nó tồn tại trong không khí một thời gian ngắn sau khi ra ngoài môi trường và khả năng tồn tại không lâu, đặc biệt khi gặp không khí nóng.
Trong khi đó, hệ thống thông gió chung cư là hút gió thẳng từ mỗi nhà đưa lên đường ống chung đưa ra ngoài chứ không đẩy ngược về các căn hộ. Cho nên bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho rằng “suy luận không khí mang virus từ nhà này sang nhà khác là không có cơ sở”.
Qua kiểm tra đánh giá nhiều trường hợp lây nhiễm trong chung cư, nhà cao tầng, đại diện HCDC nhận xét: “Hầu hết nguồn lây là tiếp xúc chung như thang máy chứ chưa có bằng chứng lây virus qua hệ thống không khí. Cần nghiên cứu khoa học đầy đủ, đúng quy định hơn để khẳng định vấn đề này”.
Cũng tại họp báo, GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vấn đề này cần có chuyên gia về dịch tễ học thực hiện nghiên cứu cụ thể chứ không thể nhận định chủ quan.
“Có những giả định nhưng chưa chắc đúng. Còn những nguồn lây khác như tiếp xúc trực tiếp mà không để ý, không phát hiện”, bác sĩ Châu bình luận.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, chủ trương chống dịch là phát huy sức mạnh tập thể với các giải pháp tại chỗ.
Vì thế, các ban quản trị, ban quản lý chung cư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Quan trọng là phải có biện pháp đúng đắn để làm cho tình hình tốt hơn chứ không phải phức tạp hơn. Mỗi người dân là một chiến sĩ, một gia đình là pháo đài chống dịch”, ông Đức chỉ ra.
Trước đó, một số tờ báo dẫn lời bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy về nhận định, “khả năng lây lan virus còn tùy thuộc vào luồng gió” và “chưa thể chứng minh được các căn hộ trong chung cư có thể lây chéo Covid-19 cho nhau do hệ thống thông gió”.
Theo bác sĩ Hùng, những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nhau mới có thể dẫn đến lây lan virus.
Ví dụ 2 phòng trong đó có 1 phòng cách ly F0, nhưng cửa chung thì việc lây lan virus có thể xảy ra vì bầu không khí thông với nhau, virus có thể đi theo không khí, theo các luồng gió kéo theo vẫn có thể lây được.
Do vậy, việc lây lan Covid-19 còn phụ thuộc vào thiết kế của chung cư ra sao. Nhất là môi trường thoáng khí, lượng không khí di chuyển rất nhiều sẽ không đủ tải lượng virus để lây lan.