Chưa có phương án giải quyết hai bệnh viện nghìn tỷ tại Hà Nam

Chưa có phương án giải quyết hai bệnh viện nghìn tỷ tại Hà Nam

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 3, 12/06/2018 06:40

Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm - bộ Y tế vừa có câu trả lời với PV về giải pháp cho cơ sở 2 của bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai chậm tiến độ nhiều tháng nay, tuy nhiên vẫn chưa thấy phương án cụ thể nào.

Vì sao có tiền vẫn chậm tiến độ?

Cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được khởi công xây dựng vào tháng 12/2014 tại xã Liêm Tuyền, TP.Phủ Lý, Hà Nam với quy mô mỗi bệnh viện 1.000 giường, diện tích sàn mỗi bệnh viện gần 120.000m2, tổng mức đầu tư cả 2 dự án hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 "siêu dự án" này đã chậm tiến độ và ngừng thi công nhiều tháng nay

Theo đại diện ban Quản lý dự án y tế trọng điểm (bộ Y tế), đây là 2 dự án trọng điểm của bộ Y tế, quy mô dự án rất lớn, công nghệ hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Do đó, bộ Y tế đã chỉ đạo Ban sử dụng nhà thầu tư vấn nước ngoài (công ty VK – Brussels) lập dự án, thiết kế ý tưởng, thiết kế cơ sở (TKCS) và triển khai thiết kế kỹ thuật (TKKT) phần kiến trúc công trình.

Còn phần thiết kế kết cấu và cơ điện công trình do các nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện. Bộ cũng chỉ đạo ban Quản lý dự án y tế trọng điểm tổ chức đấu thầu rộng rãi các gói thầu hỗn hợp, bao gồm TKKT, thiết kế bản vẽ thi công, thi công và lắp đặt thiết bị công trình.

Chưa có phương án giải quyết hai bệnh viện nghìn tỷ tại Hà Nam

Ban quản lý dự án lý giải rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ.

Lý do chậm tiến độ, ban Quản lý dự án y tế trọng điểm lý giải, là do trong quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn vì quy mô lớn, phải phối kết hợp và hài hòa về giải pháp thiết kế giữa tư vấn nước ngoài và điều kiện của Việt Nam, chuyển đổi thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế theo quy định của luật Xây dựng 2014.

Các gói thầu thực hiện theo hợp đồng vừa thiết kế, thẩm định và vừa triển khai thi công, trong khi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đơn vị thiết kế trong và ngoài nước, đơn vị thẩm tra, đơn vị thẩm định, cũng như trong áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn châu Âu.

Đại diện ban Quản lý dự án y tế trọng điểm còn cho rằng, trên cơ sở TKKT theo từng hạng mục và giai đoạn được thẩm định, phê duyệt, thì cơ quan thiết kế của tổng thầu mới có thể hoàn chỉnh dự toán để gửi viện Kinh tế xây dựng thẩm tra. Dự toán xây lắp dựa vào nhiều yếu tố phát sinh trong thực tế thi công đã gây nhiều tranh cãi giữa các bên khi thẩm tra, làm mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, theo vị đại diện, hiện hai dự án đã thi công xong phần thô, đang ở giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố phát sinh cũng như thời gian thẩm định kéo dài, cả hai dự án sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch đề ra (tháng 12/2017).

Từng điều chỉnh thiết kế

Theo đại diện ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, một phần chậm tiến độ còn do hai dự án từng phải điều chỉnh một số hạng mục thiết kế do hạ tầng khó khăn và điều chỉnh từ bệnh viện.

Về việc có hay không điều chỉnh dự án một số hạng mục làm tăng, vượt tổng vốn đầu tư, đại diện Ban thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện, cả 2 dự án đều phải điều chỉnh TKCS do 2 bệnh viện yêu cầu bổ sung một số hạng mục như diện tích lưu trú, trực của bác sĩ nội trú, khu xạ trị (Bệnh viện Việt Đức).

Chưa có phương án giải quyết hai bệnh viện nghìn tỷ tại Hà Nam (Hình 2).

Việc ngừng thi công nhiều tháng nay khiến hai công trình bệnh viện cơ sở 2 Việt Đức và Bạch Mai (Phủ Lý, Hà Nam) đang bị hoang hóa.

Riêng hạng mục phần ngầm, phương án thiết kế cơ sở ban đầu là cọc khoan nhồi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát địa chất ở giai đoạn TKKT cho thấy, địa chất khu vực xây dựng công trình rất phức tạp, nền đất yếu, các lớp địa chất thay đổi, phải hạ cọc ở độ sâu trung bình 55 - 60m.

Do đó, đơn vị thiết kế đã đề xuất giải pháp móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn thay cho cọc khoan nhồi để tiết kiệm chi phí và kiểm soát chất lượng tốt hơn. Dự toán phần ngầm của 2 dự án theo kết quả thẩm tra của viện Kinh tế xây dựng tương đương nhau là 353 tỷ đồng, theo khái toán trong tổng mức đầu tư là 331 tỷ đồng, tăng 6,6% so với dự toán đã được phê duyệt (chứ không phải tăng 40 - 50% như ý kiến của bộ Xây dựng). Tuy nhiên, “việc điều chỉnh thiết kế này không làm thay đổi tổng mức đầu tư đã được phê duyệt”, vị đại diện nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của PV, thời gian tới bộ Y tế đã có phương án cụ thể như thế nào để khắc phục tình trạng chậm tiến độ hiện nay? Đại diện ban Quản lý dự án y tế trọng điểm (bộ Y tế) cho biết: “Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng về giải pháp khắc phục chậm tiến độ của 2 dự án, bên cạnh đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo bộ Xây dựng sớm có phương án tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ hai dự án”.

Như vậy, trước mắt bộ Y tế cũng chưa có phương án cụ thể nào để có thể giải quyết vấn đề này.

Theo báo cáo của bộ Y tế, tính tới ngày 10/5, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân được hơn 1.752 tỷ đồng trên tổng số vốn đã cấp là hơn 2.285 tỷ đồng, đạt 76,66%, đang gặp vướng mắc ở quy định về thiết kế phải có dự toán, sau khi có thiết kế và dự toán thì mới được phê duyệt giải ngân qua kho bạc.

Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân được hơn 1.630 tỷ đồng trên tổng số vốn đã cấp hơn 2.134 tỷ đồng, đạt 56%.

Tới nay, tiến độ đầu tư xây dựng đã chậm 18 tháng và bộ Y tế đã trình Thủ tướng cho phép kéo dài dự án tới hết năm 2019 sẽ hoàn thành thanh quyết toán.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.