Buổi tọa đàm với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” đã trao đổi một số vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp người dân thay đổi nhận thức về y tế tư nhân, cũng như thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trong khám chữa bệnh (KCB) và bảo hiểm y tế (BHYT).
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch phòng Thương mại và Công thương Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, bên cạnh y tế Nhà nước thì y tế tư nhân đóng góp một phần không hề nhỏ. Do vậy, phát triển bệnh viện tư nhân đang là trách nhiệm của tất cả chúng ta với xã hội. Thực tế cho thấy, lĩnh vực này đang có tiềm năng rất lớn cần phát triển.
Tuy nhiên, có rất nhiều bất cập trong y tế tư nhân được mổ xẻ. Ông Nguyễn Thanh Hồi - Trưởng ban Pháp chế, hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, việc phân tuyến, phân hạng bệnh viện được quy định trong Thông tư của bộ Y tế từ năm 2013, nhưng chúng ta chưa có quy định về xếp hạng cho cơ sở y tế tư nhân. Sau đó, bộ Y tế đã có hướng dẫn nhưng lại không có sự công bằng. Cụ thể, đối với bệnh viện tư nhân, chỉ cần hạng 2 thôi thì lên tuyến tỉnh không được khám chữa bệnh bằng BHYT.
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT bệnh viện Đa khoa Trung ương Hùng Vương (Phú Thọ) cũng đưa ra quan điểm: Trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ, bộ Y tế đã có nhiều cơ chế chính sách cho y tế tư nhân phát triển nhưng chưa đủ mạnh để họ thực sự phát triển.
Ông Học dẫn ra đây các con số để thấy tỷ lệ y tế tư nhân ở Việt Nam rất thấp, chiếm 5,4%; trong khi đó các nước Mỹ La Tinh và Châu Á, y tế tư nhân chiếm 20 – 30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)...
Ở Phú Thọ có duy nhất một bệnh viện tư nhân, Tuyên Quang không có bệnh viện tư nhân nào. Điều này chứng tỏ y tế tư nhân của Việt Nam đang quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội.
Theo luật Khám chữa bệnh năm 2009, hệ thống KCB chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy: Tuyến xã, huyện, thành phố, Trung ương… Bây giờ có nhiều bệnh viện tư nhân nhưng không biết ở hạng nào.
Chính vì thế ông Học đưa ra kiến nghị để các chính sách ban hành sẽ gần gũi hơn đó là việc, khi xây dựng các hạng, tuyến cho phép hiệp hội Y tế tư nhân được tham gia vào ngay từ đầu.
Chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế Nhà nước, đó cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Quang Hiền - Phó Chủ tịch hiệp hội Bệnh viện tư nhân.
Thứ nhất, theo bà Hiền, về đào tạo và chính sách của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh: Những chương trình đào tạo lại, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của Nhà nước, nhưng chỉ cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm.
Thứ hai, về sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, thực tế nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các bệnh viện tư nhân, nhưng cơ chế để bệnh viện tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của Nhà nước.
Thứ ba, chúng ta có chủ trương phối hợp mô hình hợp tác công tư theo Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Tuy nhiên, chủ trương này gây ra nhiều bất cập. Đó là sự mất công bằng trong đầu tư, không rõ ràng giữa công và tư.
Trao đổi về vấn đề y tế tư nhân, bà Phan Thị Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh, cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết: Từ năm 2004 – 2017, số lượng y tế tư nhân tăng gấp 5,2 lần. Số lượng bệnh viện tư nhân chiếm 1,6% số lượng bệnh viện trên toàn quốc.
“Qua các ý kiến cho thấy bệnh viện tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi thấy các bệnh viện tư nhân dù lớn hay nhỏ nhưng cũng được trang bị các thiết bị hiện đại. Trong quá trình lập bệnh viện tư, bệnh viện công hỗ trợ rất nhiều trong việc đào tạo cho các bác sỹ tư.
Những kiến nghị về phân hạng, đào tạo, các cơ sở y tế có thể gửi văn bản trực tiếp lên bộ Y tế và các cấp cao hơn để kiến nghị. Chúng tôi ủng hộ và phối hợp với hiệp hội Y tế tư nhân để tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân một cách tốt hơn”, bà Hải nói.
Ở một góc độ khác, ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, hệ thống tư nhân phát triển khá mạnh. Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và họ đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu.
Chính vì thế theo ông Bằng, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân là khó khăn hơn rất nhiều không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác, trong đó có việc thực hiện BHYT. Thực tế qua quá trình đi kiểm tra, đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót là do chưa nắm chắc về chính sách, về luật Y tế, luật Khám chữa bệnh.
“Các cơ sở y tế tư nhân cần bám sát văn bản để làm và trong quá trình thực hiện nếu vướng thì có thể đề đạt lên hiệp hội Y tế tư nhân và Hiệp hội có thể trao đổi lại cơ quan cao hơn để có những giải đáp phù hợp. Chúng ta không nên vì một vài hiện tượng làm ảnh hưởng cả một nền y tế tư nhân đang phát triển”, ông Bằng nói.
Nguyễn Huệ