Liên quan đến vấn đề này, Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Khi đăng ký khai sinh, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp và xuất trình các giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, bao gồm:
Tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con (trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài).
Một trong các giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân như hộ chiếu, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng,...
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy có thể thấy, trường hợp con sinh ra mà cha mẹ chỉ sống chung mà không (chưa) đăng ký kết hôn thì cha hoặc mẹ vẫn phải có trách nhiệm khai sinh cho con. Người đăng ký khai sinh phải có giấy chứng sinh để nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Theo đó, chỉ xác định được tên mẹ trong giấy khai sinh của con, còn cha thì để trống.
Để ghi cả cha và mẹ trong giấy khai sinh của con khi sống chung nhưng không (chưa) kết hôn thì căn cứ điều 15 nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:
- Trường hợp chưa xác định được cha, khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh để trống.
- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 điều 4 của nghị định này.
Cụ thể, khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Căn cứ điều 14 thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như sau:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại điều 5 thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Như vậy có thể thấy, trường hợp không có kết quả xét nghiệm, giám định ADN thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ này và có ít nhất hai người làm chứng là đáp ứng đúng, đủ quy định để được cấp giấy khai sinh, không bắt buộc phải xét nghiệm ADN.
Minh Hoa (t/h)