Sáng 4/12, Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp".
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành, viện, trường đặc biệt là đông đảo các doanh nghiệp Nhà nước.
Việc tuyển chọn chưa đủ độ mở
Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá trong thời gian qua doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt - là cán bộ cấp chiến lược tại các DNNN - đóng vai trò then chốt trong hoạt động của DNNN. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại DNNN đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra rằng: “Có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DNNN, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DNNN".
Trước hết, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay, “thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”; “chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp”.
Bên cạnh đó, một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống như chủ trương thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp” hay chủ trương “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các DNNN còn vướng mắc ở quy định “không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp”.
Do đó, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, rất cần các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn nhằm cung cấp thêm luận cứ xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
Đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sức phát triển, khiến các DNNN chưa phát huy được hết tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính đó là công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở". Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chủ trương thu hút nhân tài chậm thực hiện; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu...
“Một bộ phận không nhỏ, cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu cầu lợi ích riêng và gây thất thoát lướn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”, ông Long thẳng thắn đánh giá.
Bàn về giải pháp cho công tác cán bộ tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của cấp ủy, trước hết là hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp tình hình thực tiễn, cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách.
“Khẩn trương nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; nghiên cứu cơ chế thuê tổng giám độc, giám đốc điều hành,.. đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương ứng với với trách nhiệm và hiệu quả công việc”, ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối lợi ích của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và ban điều hành doanh nghiệp. Đồng thời thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực, tham nhũng.
Hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp" nằm trong khuôn khổ chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Đây là đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.