Chiều 27/4, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại khu vực chân cầu Vàm Cống (thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) tràn ngập rác thải. Nhiều ly nhựa, túi nilon, thức ăn thừa nằm vương vãi khắp nơi.
Tương tự, tại cầu vượt Lấp Vò (thuộc xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), hướng về cầu Cao Lãnh cũng có nhiều rác thải và thức ăn thừa chưa được thu dọn.
Phía dưới chân cầu vượt Lấp Vò này là QL 80, nơi xuất hiện một quán cóc bán nước giải khát. Quán này, chỉ có mấy cái bàn nhựa và được bày bán theo kiểu tạm bợ. Điều đáng nói, do không có chỗ vệ sinh nên khi “thượng đế” dừng chân giải khát đành tiểu tiện ở những nơi gần đó, gây nên cảnh tượng rất mất vệ sinh.
Cách không xa là biển quảng cáo bán cơm, hủ tiếu và cà phê võng được đặt trên QL 80, đoạn dẫn vào cầu Vàm Cống. Việc người dân tự đặt tấm biển quảng cáo đã che khuất tầm nhìn cho các phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Được biết, cầu Vàm Cống được khởi công vào ngày 10/9/2013. Cầu Cao Lãnh được khởi công vào ngày 19/10/2013. Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ).
Việc hình thành cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống giúp người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ không còn phải “lụy” phà Cao Lãnh và phà Vàm Cống, rút ngắn thời gian đi lại. Dự án này có vai trò và ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực ĐBSCL.
Theo lãnh đạo sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, thời gian dự kiến khánh thành cầu Cao Lãnh và Vàm Cống vào cuối tháng 5/2018 tới.