Hi vọng cho người trưởng thành?
Mới đây, các bác sĩ thông báo lần đầu tiên một bé gái đã được chữa khỏi HIV - một bước tiến đáng kinh ngạc có thể làm thay đổi phương pháp điều trị HIV cho trẻ sơ sinh và làm giảm đáng kể số trẻ phải sống chung với loại virus gây bệnh AIDS này.
Bé gái được sinh ra ở vùng nông thôn Mississippi đã được điều trị tích cực bằng các loại thuốc kháng virus HIV sau khi chào đời khoảng 30 giờ. Nếu như các nghiên cứu tiếp theo cho thấy phương pháp này có tác dụng với những đứa trẻ khác thì chắc chắn nó sẽ được phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 330.000 trẻ sơ sinh nhiễm HIV vào năm 2011 - thời điểm cập nhật dữ liệu mới nhất và hơn 3 triệu trẻ em trên toàn thế giới hiện đang chung sống với HIV.
Bé gái sơ sinh ở Mississippi là trường hợp thứ hai trên thế giới được công nhận chữa khỏi HIV. Tin vui này có thể mang tới nhiều hi vọng cho các nghiên cứu về phương pháp điều trị HIV - điều mà chỉ cách đây vài năm nó được cho là không thể, bất chấp việc các chuyên gia cho rằng những phát hiện đáng mừng ở bé gái này có thể không liên quan tới phương pháp điều trị ở người lớn.
Người đầu tiên được cho đã chữa khỏi HIV là Timothy Brown - được biết đến với biệt danh "Bệnh nhân Berlin". Người đàn ông trung niên mắc bệnh bạch cầu này đã được cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có gens kháng HIV. "Đối với nhi khoa, đây là Timothy Brown của chúng tôi" - Tiến sĩ Doborah Persaud, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins kiêm tác giả chính của báo cáo này chia sẻ. "Đó là bằng chứng cho thấy HIV có thể được điều trị nếu chúng ta có thể nhân rộng trường hợp này". Tiến sĩ Persaud và các nhà nghiên cứu khác đã tiết lộ kết quả điều trị đột phá này trong một hội nghị về AIDS tại Atlanta. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được công bố trên bất cứ tạp chí y học nào.
Một số chuyên gia cho rằng, họ cần thêm nhiều bằng chứng để tin rằng em bé đã từng bị nhiễm HIV thực sự. Nếu không, đây chỉ là kết quả của công tác phòng chống, rằng bé gái ở Mississippi khỏi bệnh là do các bác sĩ đã áp dụng phương pháp phòng chống nào đó ngay từ khi bé ở trong bụng mẹ. "Sự không chắc chắn ở đây là những bằng chứng cho thấy đứa trẻ đã thực sự bị nhiễm HIV" - Tiến sĩ Daniel R.Kuritzkes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Phụ sản ở Boston cho hay. Có tới 5 xét nghiệm dương tính trong tháng đầu tiên đứa trẻ được sinh ra - 4 xét nghiệm RNA và một DNA. Và khi việc điều trị bắt đầu thì mức độ virus trong máu của đứa trẻ đã giảm xuống. Tiến sĩ Persaud cho rằng cũng có một chút nghi ngờ nho nhỏ về việc đứa trẻ đã trải qua cái mà bà gọi là "điều trị chức năng". Hiện tại, bé gái đã 2 tuổi rưỡi và ngừng dùng thuốc được một năm mà không thấy dấu hiệu của virus hoạt động.
Tiến sĩ Deborah Persaud của Trung tâm trẻ em Johns Hopkins - tác giả chính của nghiên cứu. Ảnh: AP
Mẹ bé gái này đã tới một bệnh viện địa phương vào mùa thu năm 2010 và sinh non. Cô không đi khám thai trong suốt thời gian mang bầu và không hề biết mình bị nhiễm HIV. Khi một xét nghiệm cho thấy bà mẹ có thể đã nhiễm bệnh, bệnh viện chuyển đứa bé tới trung tâm y tế của ĐH Mississippi - lúc này đứa trẻ mới được sinh ra khoảng 30 giờ. Tiến sĩ Hannah B. Gay, trợ lý giáo sư nhi khoa đã lấy máu của đứa trẻ 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ để kiểm tra sự tồn tại RNA và DNA của virus này. Các xét nghiệm cho thấy mức độ virus là khoảng 20.000 mỗi mililit, khá thấp so với một đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, các xét nghiệm dương tính được phát hiện chỉ sau 30 giờ sinh ra cho thấy sự lây nhiễm đã diễn ra từ trong tử cung - Tiến sĩ Gay nhận xét.
Thông thường một đứa trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm bệnh sẽ được cho uống 1 hoặc 2 loại thuốc để phòng ngừa. Tuy nhiên, tiến sĩ Gay nói rằng dựa trên những kinh nghiệm của bà, gần như ngay lập tức bà đã sử dụng một phác đồ gồm 3 loại thuốc để điều trị, chứ không phải đề phòng ngừa, thậm chí bà còn không đợi kết quả xét nghiệm nhiễm trùng.
Tần suất của virus nhanh chóng giảm xuống và không được phát hiện khi em bé một tháng tuổi. Kết quả này vẫn y nguyên khi đứa bé được 18 tháng, bà mẹ không đưa con tới bệnh viện và cũng ngừng dùng thuốc. Khi hai mẹ con trở lại bệnh viện trong 5 tháng sau, tiến sĩ Gay dự đoán sẽ tìm thấy rất nhiều virus ở đứa trẻ, tuy nhiên các xét nghiệm cho thấy kết quả âm tính. Nghi ngờ có sai sót trong phòng thí nghiệm, bà đã làm thêm xét nghiệm. "Thực sự ngạc nhiên, tất cả đều là âm tính" - Tiến sĩ Gay nói.
Sau đó, bà đã liên hệ với tiến sĩ Katherine Luzuriaga - một nhà miễn dịch học tại ĐH Massachusetts. Họ cùng một số nhà khoa học khác đã phát hiện một lượng nhỏ vật liệu di truyền của virus này nhưng không có virus nào bị lây lan, thậm chí là chúng nằm im trong cái được gọi là "hồ chứa" trong cơ thể em bé.
Phát hiện sớm có nhiều hi vọng?
Trước đây đã từng có một số trường hợp trẻ sơ sinh thoát khỏi loại virus chết người này thậm chí không cần tới điều trị. Một trường hợp từng được nhắc đến trên Tạp chí Y học New England vào năm 1995. Những thông tin này từng được đón nhận một cách hoài nghi, đặc biệt là kể từ khi các phương pháp xét nghiệm không còn phức tạp như trước kia. Tuy nhiên, những thông tin đó và thông tin mới đây về trường hợp của bé gái có thể cho thấy có cái gì đó khác biệt trong hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh - Tiến sĩ Joseph McCune tới từ ĐH California nhận định.
Có giả thuyết cho rằng các loại thuốc đã giết chết virus trước khi nó thiết lập một "hồ chứa ẩn" trong cơ thể trẻ. Một lý do mà hiện tại HIV không thể chữa khỏi là vì virus này có khả năng ẩn mình trong trạng thái không hoạt động, ngoài tầm với của các loại thuốc hiện có. Và khi việc điều trị bằng thuốc được dừng lại thì các virus lại hoạt động ở nơi ẩn nấp.
"Nếu bạn được điều trị trước khi virus có cơ hội thiết lập một "hồ chứa lớn" và trước khi nó phá hủy hệ thống miễn dịch thì bạn có thể ngừng điều trị mà cơ thể vẫn không còn loại virus này" - Tiến sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia cho hay. Tuy nhiên, những người trưởng thành thường không biết mình bị nhiễm khi nào - ông nói.
Ở Mỹ, lây truyền từ mẹ sang con là rất hiếm. Một số chuyên gia cho biết chỉ có khoảng 200 trường hợp một năm hoặc ít hơn, bởi vì các bà mẹ bị nhiễm thường được điều trị trong quá trình mang thai. Nếu người mẹ được điều trị trong thời gian này, trẻ sẽ có 6 tuần điều trị phòng ngừa với thuốc AZT. Trong những trường hợp người mẹ không được điều trị trong quá trình mang thai giống như trường hợp ở Mississippi thì các tiêu chuẩn lại thay đổi, nhưng thông thường 2 loại thuốc vẫn được sử dụng.
Tuy vậy, phụ nữ ở nhiều quốc gia đang phát triển thường không được điều trị trong quá trình mang thai. Ở Nam Phi và các nước châu Phi khác, trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ mẹ thường không được xét nghiệm cho tới khi đủ 6 tuần tuổi - Tiến sĩ Yvonne Bryson, giám đốc bệnh truyền nhiễm trẻ em ở ĐH California cho hay. Tiến sĩ Bryson - người không tham gia vào trường hợp ở Mississippi cho rằng bà chắc chắn đứa trẻ đã từng bị nhiễm và bà gọi phát hiện này là "một trong những điều tuyệt vời nhất mà lâu rồi tôi mới được nghe".
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch cho những nghiên cứu mới để xem việc xét nghiệm sớm và điều trị tích cực có hiệu quả với những đứa trẻ sơ sinh khác hay không. Trong khi phương pháp cấy ghép tủy xương đã chữa khỏi cho ông Brown là một phương pháp khó và đe dọa nhiều đến tính mạng thì việc điều trị cho bé gái ở Mississippi không gặp phải những trở ngại đó và có thể trở thành một tiêu chuẩn mới cho việc chăm sóc bệnh nhân HIV.
Với phương pháp này - nếu được nhân rộng - trẻ em ở các quốc gia nghèo khó có thể sẽ được điều trị miễn phí trong vòng 1-2 năm, ông Rowena Johnston, giám đốc nghiên cứu của amfAR - tổ chức tài trợ cho nghiên cứu này - nhận định.
Xuân Thảo (Theo New York Times)