Nơi những sinh linh bị bỏ rơi “sống lại”
Tìm về chùa Mạc Thượng (xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam) nơi nuôi nấng, cưu mang 8 sinh linh bé nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi nơi từ khi mới chào đời, chúng tôi được nghe những câu chuyện vô cùng xúc động về tình người, về lòng từ bi chốn cửa chùa thanh tịnh.
Nhớ lại những năm tháng bắt đầu nhận nuôi các bé, sư thầy Thích Đàm Quyết – trụ trì chùa Mạc Thượng nghẹn ngào: “khi tôi nhặt được các con, đứa thì bị cho vào túi treo lên cổng, đứa thì bị cho vào thùng xốp…,mỗi đứa một hoàn cảnh, âu đó cũng là cơ duyên gắn kết các bé với nhà chùa”.
“ Bé gái đầu tiên được nhận nuôi vào ngày 25/9/2009, đó là một đêm mưa tầm tã, nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa nhưng khi đi ra chỉ thấy một cái làn đi trợ được che khăn kím mít. Nghĩ là đồ lễ của ai đó mang ra cúng, nhưng khi lật lên thì hoảng hồn phát hiện bé gái mới sinh người ướt đẫm, tím tái, đang thoi thóp. Tôi vội vàng đưa bé đến bệnh viện và sau đó làm thủ tục với chính quyền nhận nuôi bé. Cháu được đặt tên là Phạm Ngô Quyết Trí, họ Phạm là do thầy đặt còn họ Ngô là do mẹ cháu bé viết thư để lại”.
Hiện ngôi chùa nhỏ là mái ấm của 8 bé mồ côi
Chưa đầy một tuần sau, nhà chùa lại nhận thêm bé trai thứ hai, lần này có hai vợ chồng đi xe ô tô mang theo đứa con đỏ hỏn tới gửi nhà chùa, họ nói với sư thầy vì đi xem bói được phán phải đưa con lên chùa nương nhờ cửa phật. Từ đó tới nay cặp vợ chồng nọ không thấy trở về nhận lại cháu. Sư thầy lại cưu mang và đặt tên bé là Phạm Quyết Trung.
Bé thứ 3 tới chùa trong hoàn cảnh vô cùng éo le, bé nằm lọt thỏm trong chiếc thùng xốp cáu bẩn, toàn thân tím tái, nặng chưa đầy 1,4 kg. Lúc nhận nuôi, sư thầy và các phật tử vô cùng lo lắng vì bé quá nhỏ không thể tự bú sữa, hằng ngày thầy phải mớm cho bé từng giọt sữa và chăm bẵm theo chế độ đặc biệt. Nhờ ơn trời phật, tới nay bé đã hơn 2 tuổi và phát triển khỏe mạnh. Thầy nói: “ Để tạ ơn trên đã thương lấy cháu, tôi đặt tên bé là Phạm Nhân Sinh mong bé khỏe mạnh và biết ơn trời phật”.
Sau đó, lần lượt các bé Nhân Từ, Minh Tâm, Minh Anh, Thương Anh, Phúc Lâm được sư thầy nhận nuôi, tất cả đều trong hoàn cảnh bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Có bé khi tới nhà chùa còn chưa được cắt rốn, phải nhờ y tá xã tới giúp đỡ. Bé gần đây nhất được sư thầy nhận nuôi vào ngày 2/10, cho tới nay bé mới chỉ được 20 ngày tuổi.
Tấm lòng từ bi hỷ sả
Lúc mới nhận nuôi các bé, sư thầy Thích Đàm Quyết bị các phật tử và người dân nơi đây phản đối rất nhiều, họ lo lắng các em có thể bị bệnh HIV. Nhưng vì lòng từ bi, sư thầy cố gắng thuyết phục dân làng cho nhà chùa nhận nuôi các cháu, dù có khó khăn, vất vả cách mấy thầy cũng cố gắng xoay sở.
Tuy vất vả và cực nhọc nhưng thầy vẫn cố gắng lo cho các em từ chiếc tã lót, những bộ quần áo rồi cho các em ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài giờ tụng kinh niệm Phật, thầy còn giữ thêm vai trò làm cha, làm mẹ. Đôi lúc cũng vất vả khi lũ trẻ bị bệnh hay đau ốm. Những lúc như vậy, thầy đều lo lắng, thuốc thang cho từng bé.
Thầy Thích Đàm Quyết chía sẻ: “Khi nhận nuôi các bé, do công việc và hoàn cảnh kinh tế ở chùa khiến tôi tưởng chừng không thể cáng đáng nổi. Nhưng vì quá thương các bé, không đành lòng để các bé đi tôi đã xoay sở đủ mọi cách chăm lo cho các cháu”.
Cũng vì khó khăn, sư thầy phải bán đi chiếc xe máy là phương tiện để thầy đi làm Phật sự rồi mua cho mình một chiếc xe đạp, tất cả số tiền để dành dụm nuôi nấng cho các bé. Có những lần nhà chùa hết không còn một hạt gạo, sư thầy phải vận động nhân dân các tín đồ phật tử ủng hộ kinh phí. Phật pháp từ bi, dù thiếu thốn nhưng dưới sự chăm sóc tận tình của sư thầy các bé lớn lên rất kháu khỉnh, khỏe mạnh và rất ngoan.
Dù hoàn cảnh sống còn khó khăn, nhưng các sư thầy và phật tử luôn cố gắng để các em có cuộc sống tốt
Cảm động trước tấm lòng thương yêu vô bờ bến của sư thầy, nhiều phật tử đã tự nguyện chung tay góp sức nuôi các bé. Là người cùng với thầy chăm sóc những em nhỏ, bà Nguyễn Thị Vân năm nay đã 66 tuổi vẫn luôn phải bế ẵm từng em một. Do hoàn cảnh cô đơn không nơi nương tựa, sư thầy Đàm Quyết đã đón bà vào chăm sóc lũ trẻ giúp thầy.
Khi các em khỏe mạnh thì không sao nhưng cứ khi trái gió trở trời là các em lại ốm. Mỗi lúc như vậy, thầy Đàm Quyết và bà Vân lại lo lắng và không thể chợp mắt. Tuy tuổi đã cao nhưng bà Vân vẫn luôn giúp thầy chăm sóc từng em nhỏ. Bà Vân luôn biết ơn thầy vì thầy đã cưu mang chính bản thân bà. “có lúc thấy thầy mệt, tôi cũng có khuyên thầy nên đi nghỉ chút nhưng thầy sợ các cháu không ai trông nom nên thầy vẫn cố gượng dậy để chăm các cháu cùng tôi”- bà Vân xúc động kể lại.
Từ khi các bé được sư thầy cưu mang nơi đây, ngôi chùa dường như cũng bớt cô quạnh. Thầy đã làm theo giáo lý từ bi hỉ xả của nhà Phật để cứu giúp nhưng sinh linh bé bỏng bị vứt bỏ. Mỗi năm thầy đều làm cho các bé một ngày sinh nhật. Tuy không có bánh kem hay những món quà đắt tiền nhưng thầy cũng cố gắng lo cho các em một buổi sinh nhật thật ấm áp để các em không còn cảm thấy bơ vơ lạc lõng.
Sư thầy Thích Đàm Quyết, nghẹn ngào tâm sự:“Nhiều người thương tình đến xin các bé về nuôi, nhưng các bé đến với chùa đã là một chứ duyên, nhà chùa sẽ cố gắng nuôi các bé trưởng thành. Hàng đêm tôi vẫn cầu nguyện một ngày nào đó bậc làm cha, làm mẹ của các bé suy nghĩ lại tìm đến đón các bé về cho các bé được hưởng tình cảm của một gia đình trọn vẹn”.
Các em rồi cũng sẽ lớn khôn và sẽ được đi học nhưng do kinh phí của nhà chùa hạn hẹp nên thầy chưa biết xoay sở như thế nào. Mỗi lúc như vậy thầy chỉ còn biết ngồi tụng kinh lạy Phật để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho tương lai của các em.
Thời gian sắp tới do công việc ở chùa bận rộn khiến sư thầy đau đáu nỗi lo thuê người trông nom các bé mỗi khi mình đi vắng. “Nhưng dù khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ tìm cách để khắc phục. Tôi rất mong các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền tổ quốc chung tay giúp đỡ nhà chùa để nhà chùa có thêm điều kiện chăm lo cho các bé”, sư thầy Thích Đàm Quyết tâm sự.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về theo địa chỉ: Sư thầy Thích Đàm Quyết, trụ trì Chùa Mạc Thượng, địa chỉ: xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, SĐT: 0975303176. |
Sơn Tùng