Gần đây, thông tin về viêc một giảng viên trẻ tại TP.HCM, cũng như nhiều cán bộ khác sở hữu hàng trăm hecta đất tại khu vực thực hiện dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang gây xôn xao dư luận.
Ngoài ra, phát biểu tại thảo luận tổ Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng bộ Quốc phòng cũng nêu vấn đề: “Dân TP.HCM đổ xô về Long Thành để mua đất. Cán bộ ký rất nhiều”.
Để tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến những thông tin đất đai của dự án, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng TN-MT huyện Long Thành.
Tiếp xúc với báo chí, ông Phương cho biết, đất nằm trong vùng dự án sân bay Long Thành gồm (5.000ha) được chính quyền quản lý rất chặt, không cho mua bán, chuyển nhượng. Thế nên, việc một cá nhân sở hữu cả trăm hecta đất là điều không thể.
Tuy nhiên, ông Phương cho biết, đối với đất vùng phụ cận sân bay Long Thành, ông Phương sẽ kiểm tra xem có trường hợp nào không và trả lời sau.
Theo ông Phương, tình trạng người ở những nơi khác tìm về Long Thành mua đất là có. "Từ khi Chính phủ có dự án xây dựng sân bay, ai nắm được thông tin cũng tranh thủ, tìm cách hưởng các quyền lợi. Thế nhưng, việc có cán bộ trong số đó hay không, chúng tôi chưa xác định được", ông Phương cho biết.
Về phía người dân sống trong vùng dự án, ông Phương cho hay, người dân rất nóng lòng muốn chính quyền giải tỏa đền bù sớm để họ ổn định cuộc sống.
Tại cuộc trao đổi, ông Phương cũng cho biết, hiện nay, một số công ty tự động lên bản vẽ phân lô, bán nền rất bắt mắt với đầy đủ cơ sở hạ tầng, rồi thông qua các buổi môi giới tổ chức sự kiện chào mời, lừa đảo người dân đặt cọc tiền, mua đất.
Vì vậy, người dân nào có nhu cầu mua đất hoặc muốn tìm hiểu nguồn gốc đất đai trước khi giao dịch, phòng TN-MT sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác để tránh mua lầm.