Roy Hodgson, HLV của tuyển Anh hiện tại, được đào tạo theo triết lý cũ của Allen Wade, giám đốc kỹ thuật của FA trong thập niên 60-70 thế kỷ trước. Wade thích phong cách thực dụng và đặc biệt thiếu tin tưởng vào kỹ thuật lẫn cá tính của các cầu thủ.
Máy móc và rụt rè
Đội tuyển Anh bây giờ cũng giống với thời của Sven-Goran Eriksson, một tín đồ của triết lý kiểu Anh truyền thống: Xây dựng lối chơi dựa trên tư duy phòng thủ, nhưng là phòng ngự kiểu rụt rè và... sợ thua, hơn là cố giành chiến thắng. HLV Jose Mourinho, người làm việc ở nước Anh trong nhiều năm, là một bậc thầy về phòng ngự, nhưng là phòng ngự để phản công và gây sát thương cho đối phương.
Điều đó giải thích tại sao dù chỉ để thua một trong 22 trận đã qua, ông Hodgson vẫn chưa tạo ra ấn tượng về một sự thay đổi thật sự. Họ đã đến World Cup, và thực tế là người ta có thể chơi phòng ngự như Hy Lạp vẫn có thể vô địch EURO (2004), nhưng đó có phải là thứ bóng đá mà người Anh mong muốn cho tương lai?
Đội tuyển Anh của Roy Hodgson liệu có khá hơn các đời HLV trước đây?
Lỗi tất nhiên không chỉ nằm ở ông Hodgson, một nạn nhân của nỗi sợ hãi đã chi phối bóng đá Anh trong nhiều thập kỷ. Phong cách truyền thống của bóng đá Anh khiến các cầu thủ mất lòng tin với kỹ năng xử lý bóng của họ, mất luôn cả sự sáng tạo và dũng khí.
Một con đường tích cực hơn
Thực chất là bóng đá Anh bây giờ không có những hòn đá tảng ở hàng phòng ngự, nhưng có rất nhiều hậu vệ sở hữu khả năng hỗ trợ và tấn công rất tích cực. Những cầu thủ như Kyle Walker, Glen Johnson, Ashley Cole và Leighton Baines đơn giản là những người tấn công ở cánh, hơn là chuyên về phòng ngự. Các trung vệ như Cahill, Jagielka, hay Lescott cũng giỏi tấn công và ghi bàn, thậm chí giữ bóng rất tốt.
Đội tuyển Anh hoàn toàn có thể vận hành theo sơ đồ 3-5-2, hoặc 3-3-1-3. Michael Carrick, người giữ nhịp cho Man United trong 5 năm qua, có thể được cho phép cầm nhiều bóng hơn. Anh là một kỹ thuật gia hàng đầu của Premier League. Với Wayne Rooney đá lùi và Daniel Sturridge quấy rối bên cánh, hàng công của đội tuyển Anh cũng không tồi chút nào.
Nhưng như đã nói, điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong tâm trí. Đã đến lúc người Anh cởi bỏ sự máy móc, và phải mạo hiểm hơn. Không phải sự mạo hiểm "phổi bò" như thứ bóng đá đầy tốc độ và cống hiến đã trở thành truyền thống ở Premier League, mà là thay đổi những thói quen, dám tưởng tượng, sáng tạo, và không sợ sai lầm với một quyết định cá nhân.
14 Kỳ World Cup vào năm sau tại Brazil sẽ là lần thứ 14 đội tuyển Anh dự VCK World Cup, với lần vô địch duy nhất vào năm 1966. 54.2 Đó là tỉ lệ phần trăm chiến thắng dưới thời HLV Roy Hodgson. Sau 24 trận dưới thời của ông, đội tuyển Anh thắng 13, hòa 8 và thua 3. 38 Wayne Rooney hiện là chân sút thứ tư trong lịch sử đội tuyển Anh với 38 bàn thắng, kém người dẫn đầu Bobby Charlton 11 bàn. |
Theo Phạm An (Thể thao Văn hóa)