"Năm 2017, đánh dấu kỉ lục về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, trái ngược với những con số ấn tượng của nền kinh tế vĩ mô, năm 2017 lại là năm đầy sóng gió của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn, giá thực phẩm giảm sâu trong thời gian dài đã tác động lớn đến người chăn nuôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành" - mở đầu thư gửi cổ đông được trích đăng trong Báo cáo thường niên của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So đã phác hoạ những nét rõ nhất trong bức tranh toàn cảnh về Dabaco năm qua.
Quý đầu tiên phải báo lỗ sau 21 năm hoạt động, tình hình kinh doanh cả năm chỉ đạt 63% kế hoạch lợi nhuận mà đại hội đồng cổ đông giao phó, mặc dù kế hoạch này đã giảm gần 30% so với mức thực hiện năm 2016.
Tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều sụt giảm so với năm 2016, doanh thu giảm 6,4%, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính giảm 26%, cùng với đó, khoản thu nhập khác đột biến trong năm trước không còn khiến kết quả kinh doanh năm 2017 càng giảm sút, lợi nhuận sau thuế giảm 55,7% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, năm 2017, Dabaco cũng sẽ chỉ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, phần cổ tức này sẽ được thanh toán vào đầu tháng 6 tới, trong khi năm 2016, tỷ lệ này là 15%. Năm 2018, Dabaco duy trì tỷ lệ trả cổ tức ở mức 10%, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu thưởng).
Sự thất vọng của cổ đông được biểu hiện rõ nhất qua biểu đồ thị giá cổ phiếu DBC trên thị trường chứng khoán trong một năm qua. Từ mức giá đỉnh gần 35.000 đồng/CP vào tháng 7/2016, cổ phiếu DBC bắt đầu cuộc khủng hoảng cùng giá lợn trên thị trường và sụt giảm liên tục cho đến nay. Chốt phiên giao dịch ngày 4/5/2018, cổ phiếu DBC được giao dịch ở mức 19.600 đồng/CP - mất gần 50% giá trị sau chưa đầy 2 năm.
Người thiệt hại lớn nhất của "cơn bão giá lợn" cũng như "bão giá" cổ phiếu DBC là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So. Ông So hiện là cổ đông lớn nhất tại Dabaco. Tổng số cổ phần do ông và người nhà (em trai, em gái và ba người con gái) nắm giữ là 19,9 triệu cổ phiếu DBC - tương ứng gần 25% vốn của doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất Bắc Ninh. So với thời điểm tháng 7/2016, tổng tài sản của vị Chủ tịch Dabaco và những người có liên quan đã "bốc hơi" khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Tuy vậy, ông So chỉ là một trong hơn 600 cổ đông của Dabaco chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua.
Tính đến ngày 31/3/2018, Dabaco ghi nhận khoản nợ phải trả tổng cộng 4.542 tỷ đồng, tăng 42% so với thời điểm đầu năm 2017 (3.190 tỷ đồng), gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Chiếm phần lớn trong số này là khoản vay nợ ngắn hạn (2.348 tỷ đồng) và vay nợ dài hạn (1.126 tỷ đồng). Các chủ nợ của Dabaco là hàng loạt ngân hàng chi nhánh Bắc Ninh như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Techcombank, VIB, SHB, SeABank, PGBank...
Để được các ngân hàng cấp tín dụng, Dabaco đã sử dụng các tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 4 mảnh đất tại Bắc Ninh, dự án Đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Nutreco tại KCN Hoàn Sơn, nhà máy Thức ăn thuỷ sản Kinh Bắc, Thức ăn gia súc Dabaco II, nhà máy Ép dầu, khách sạn Le Indochina, trung tâm thương mại Đền Đô (Bắc Ninh), trung tâm thương mại Dabaco Gia Bình...
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, sự chuyển dịch tài sản tại khoản mục Hàng tồn kho và Tài sản dở dang dài hạn cho thấy Dabaco đang "om" tiền vay ở đâu. Hiện Dabaco đang đầu tư tới hơn 20 dự án dở dang, các hạng mục trải dài từ lĩnh vực chăn nuôi, nhà máy thức ăn tới các dự án bất động sản. Trong năm 2018, như trình bày tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, Dabaco sẽ đẩy mạnh các dự án bất động sản như chuyển mục đích sử dụng lô đất tại đường Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) sang đầu tư xây dựng Tòa nhà hỗn hợp, TTTM.
Mới đây, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường H2, TP. Bắc Ninh sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu vì Dabaco là doanh nghiệp duy nhất lọt qua vòng sơ tuyển với Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập và phê duyệt cách đây 8 năm (năm 2010).
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào để đảm bảo nguồn vốn đầu tư các dự án bất động sản đang triển khai trong bối cảnh lĩnh vực hoạt động chính là chăn nuôi đang gặp khó khăn, Chủ tịch Nguyễn Như So cho biết, công ty sẽ tính toán theo từng giai đoạn, tính chất mỗi dự án, có thể hiện thực hoá ngay một số dự án đã đủ điều kiện mở bán hoặc/và hợp tác với các đối tác khác.
Một vấn đề khác được cổ đông Dabaco quan tâm đó là kế hoạch phát hành vốn cho đối tác chiến lược đã đưa ra từ năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Năm 2017, để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn, Dabaco dự định huy động bổ sung vốn lưu động từ phát hành riêng lẻ (210 tỷ đồng mệnh giá) và trái phiếu chuyển đổi (1.000 tỷ đồng), nếu thành công sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Đây từng được đánh giá là kế hoạch khá thách thức bởi mức giá phát hành cao gấp đôi giá cổ phiếu DBC trên thị trường và triển vọng các mảng hoạt động chính gặp nhiều khó khăn, tạo sức ép lên thị giá.
Chủ tịch Dabaco cho biết, cuối năm 2017, công ty đã làm việc, thảo luận với một số đối tác cho mục đích phát hành vốn nhưng chưa thể kết thúc. Đại hội đồng cổ đông Dabaco cũng đã thống nhất uỷ quyền cho HĐQT tiếp tục thực hiện phương án phát hành tăng vốn, tuy nhiên với diễn biến bất lợi của giá cổ phiếu hiện nay, cơ hội tăng vốn của Dabaco rất có thể phải tiếp tục gác lại.