Chưa tìm thấy chất độc trong mực giả

Chưa tìm thấy chất độc trong mực giả

Thứ 6, 22/03/2013 16:33

Mực xé khô giả rất mềm, màu trắng hồng giống mực thật, ngửi có mùi tanh nhưng xé nhẹ thì sợi mực sẽ đứt. Tuy nhiên, qua giám định, phòng giám định Hóa pháp lý, viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) chưa tìm thấy chất độc trong loại mực này.

Đầu tháng 1/2013, cơ quan chức năng đã phát hiện mực xé khô giả ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) với số lượng 32kg. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại tá Lê Văn Lợi, Trưởng phòng giám định Hóa pháp lý, viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) thì loại mực này vẫn ăn được, rất mềm, nhưng ngửi có mùi tanh khá giống mùi mực. Xé nhẹ sợi mực cũng bị đứt. Quan sát số mực xé khô giả mà ông Lợi cung cấp, chúng tôi thấy màu trắng hồng giống mực thật, thử nếm thấy có vị nhợ nhợ của gia vị, có ngọt nhưng hơi tanh. Bên ngoài phủ một lớp bột mỏng.

Đại tá Lợi cho biết, vài năm trở lại đây, số lượng mực khô giả bị phát hiện nhiều trên cả nước như ở Huế, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Cần Thơ. Theo báo cáo của cơ quan điều tra lên viện Khoa học Hình sự, ngày 31/1/2013, tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ), cơ quan chức năng đã phát hiện ba túi mực xé sợi nhỏ giả, mỗi túi 5kg. Cùng ngày, 1,3 tấn nghi mực khô giả được vận chuyển từ phía Bắc vào Nam tiêu thụ đến Tam Kỳ (Quảng Nam) thì bị công an Tam Kỳ bắt. Trên xe có 17 bao mực khô. Trước đó một ngày, tại Hà Tĩnh, đội quản lý thị trường cũng đã phát hiện 30kg mực xé nhỏ.

Được biết, giá bán buôn của mỗi kg mực khô giả là 210.000 đồng và khi đến tay người tiêu dùng là 350.000 đồng. Ông Lợi cũng cho biết, ở Hà Nội cũng đã phát hiện mực khô xé ăn liền tẩm ướp gia vị bán với giá không quá 180.000 đồng/kg ở chợ Đồng Xuân.

Xã hội - Chưa tìm thấy chất độc trong mực giả

Tháng 2/2013, viện Khoa học Hình sự đã giám định hai túi mực giả phát hiện ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). "Sử dụng phương pháp quang phổ hồng ngoại để giám định thì thấy, thành phần có trong mực khô giả gồm có xenlulô, protein (đạm) và các chất gia vị. Với mẫu thô của mực xé Trung Quốc giả, hàm lượng đạm là 25,2%, còn hàm lượng đạm khi mực giả đã tẩy hết gia vị là 2,15%. Trong khi đó, đối với mực thật, hàm lượng protein thô (mẫu nguyên chất) là 61,7% (khi tẩy sạch gia vị còn 53%). Như vậy, trung bình hàm lượng chất đạm của mực giả chỉ bằng 40% so với mực thật. Ngoài ra mực giả còn có các gia vị tẩm ướp. Qua giám định, không tìm thấy chất độc thường gặp trong mực giả Trung Quốc. Từ trước tới nay cũng chưa có tài liệu phân tích nào cho thấy trong mực có độc", Đại tá Lê văn Lợi cho biết.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về việc mực giả có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện tràn lan trên thị trường, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, viện Vật lý Kỹ thuật (đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, để mực giả có vị giống mực thật và ngon hơn thì phía người sản xuất phải cho nhiều gia vị, ngoài những chất cần dùng như xenlulô, đạm. Vấn đề ở đây là cần biết chính xác gia vị gồm những gì. Việc giám định này cũng rất tốn kém mới có thể có kết quả cuối cùng. Thông thường, các doanh nghiệp buôn bán làm vì lợi nhuận, hàng Trung Quốc bao giờ cũng được bán với mức giá rất rẻ. Kể cả khi phía viện Khoa học Hình sự chưa tìm ra chất độc hại trong mực giả thì người tiêu dùng nên cẩn trọng, tránh mua phải loại mực này.

Theo đại tá Lê Văn Lợi, ngoài mực xé khô giả của Trung Quốc, ông cũng đã trực tiếp tham gia giám định mì chính giả Trung Quốc. Rất nhiều mì chính đóng giả nhãn hiệu nổi tiếng. Loại mì chính này vẫn ăn được nhưng không tốt cho sức khỏe con người.                                       

Bình Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.