Chực chờ coi bói, nở rộ khấn thuê

Chực chờ coi bói, nở rộ khấn thuê

Thứ 7, 23/02/2013 15:30

Dự cảm năm con rắn 2013 sẽ là một năm nhiều khó khăn nên nhiều người dân đổ xô đi coi bói, giải hạn đầu năm.

Chạy bở hơi tai từ sáng tới chiều qua nhiều điểm coi bói, các phóng viên mới bốc được số thứ tự để nghe các thầy xủ quẻ đầu năm.

Mới hơn 9g, chúng tôi vừa đẩy cánh cổng bước vào nhà của “cô Liên” - một thầy coi bói ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn - đã nghe một phụ nữ tự giới thiệu là cháu ruột của “cô Liên” nói: “Vô giờ này tới chiều tối mới được coi, nhắm chờ được thì chờ”.

Coi bói bằng... nước

Một phụ nữ mặc đồ bộ màu trắng, tên Thủy, thương tình bỏ nhỏ: “Em tới trễ vậy, có chờ tới tối cũng chưa coi được đâu. Hổng lẽ khách tới mà đuổi về thì kỳ nên người ta mới nói vậy thôi. Muốn coi thì mai đi sớm, tầm 4, 5 giờ sáng. Hôm tết có anh tuốt bên Bình Phước đi từ một giờ rưỡi sáng qua tới đây mới chắc ăn đó”.

Xã hội - Chực chờ coi bói, nở rộ khấn thuê

Khách thập phương ùn ùn kéo tới nhà cô Liên coi bói vì cô không bói bài, cũng không lấy lá số tử vi, không coi nhân tướng. Cô coi bói bằng... nước. Thân chủ tới, cô múc một chén nước, chấm ngón tay vô rồi vẽ lên bàn những hình vuông, hình tròn... rồi cứ nhìn vô mấy cái hình mà phán. Khách chờ lố nhố bên ngoài, còn cô Liên thì ngồi tuốt trong buồng kín, cách hai lớp cửa. Mỗi đợt khách được gọi vô gồm năm người và cô sẽ coi lần lượt từng người một. Ai được kêu vô vòng trong mới chắc ăn được coi bói. Ngồi ở nhà cô Liên hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy có rất nhiều người ghé xe vào rồi đành trở ra. Có người đã ngồi chờ được nửa buổi nhưng vẫn đành bỏ về.

Cô Thủy khoe: “Bà này coi cũng được lắm. Mười phần chắc trúng được 5-6 phần. Mình đi coi, cái nào đúng thì nghe. Như ba năm trước, cô Liên phán má tui năm đó chắc chắn chết. May mà cô phán... sai. Má tui bả còn sống nhăn, khỏe mạnh tới giờ! Bữa nay tui dẫn con gái đi coi. Nó làm công nhân, năm rồi công ty bết quá, tính coi thử năm nay công chuyện làm ăn có gì khá hơn không”.

Trong gian nhà chờ, gần 20 người đứng ngồi đủ kiểu, mòn mỏi chờ tới lượt vào gặp cô Liên. Mệt mỏi gục trên yên xe máy, chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân may, vẫn kiên trì chờ từ 7g sáng tới tận trưa. Chị nói: “Năm ngoái, xém chút nữa là mất việc vì công ty không có đơn hàng. Năm nay tới mười mấy âm lịch công ty mới có hàng làm lại. Mình ra hỏi thầy coi giùm việc làm ở công ty này có bền không, muốn chuyển qua công ty khác có được không”. Chị Ngọc cho biết giá chót cho mỗi lần coi bói ở chỗ cô Liên là 50.000-100.000 đồng tùy thời lượng và nội dung coi, bằng 2-3 ngày lương của chị.

Chị Lý Thị Mai, chủ một cửa tiệm kinh doanh dụng cụ y khoa trên đường Thành Thái, Q.10, cho biết năm rồi chị làm ăn thua lỗ, do nhiều mối lấy hàng ở quê cuối năm đồng loạt không đặt hàng và cũng không thanh toán tiền nợ cũ. Thấy chuyện làm ăn không được suôn sẻ, chị Mai được một người quen mách tìm đến cô Liên để nhờ cô Liên giải hạn.

Vừa nhìn thấy chị Mai, cô Liên cầm mấy cây nhang vái lia lịa rồi cắm lên bàn thờ và phán: “Năm qua gia đình nữ không được may mắn, có nhiều chuyện buồn”. Lặng đi vài giây, cô Liên phán tiếp: “Vì chồng nữ có người phụ nữ khác!”. Nghe tới đây, chị Mai ngắt lời: “Tôi chỉ xem chuyện kinh doanh và xin cô bùa để làm ăn!”. Thấy khách không vui, cô Liên nhướng mày, rồi lập tức... chuyển đề tài.

Cô lấy một ly nước đặt trên bàn, dùng ngón tay nhúng vào ly nước rồi quẹt ngang dọc trên bàn như đang vẽ chữ, miệng cô liên hồi phán: “Cửa hàng của nữ bị đối thủ gần nhà dùng bùa thỉnh từ Miên ếm. Nữ phải làm phước nhiều, phải khiêm tốn với người lớn tuổi mới mong tích đức...”. Sau gần 20 phút nói trên trời dưới đất, cô Liên lấy từ trong bàn ra một tờ giấy màu vàng rồi lấy tay nhúng nước và viết mấy chữ mà cô gọi là làm “thuật” để giải bùa Miên. Cô Liên không ra giá mà chỉ nói “nữ muốn đáp lễ bao nhiêu cũng được”.

Chị Mai liền “đáp lễ” 500.000 đồng cộng với tiền quẻ 200.000 đồng. Thấy lễ khá hậu hĩnh, cô Liên đổi giọng vui vẻ: “Nếu lá bùa này mang về không hiệu quả, nữ gọi điện đến để cô sắp xếp ngày rảnh, cô sẽ đến cửa hàng làm phép trừ tà để nữ làm ăn phát đạt”.

Đua nhau giải hạn

11g, điểm coi bói của cô Hoàng tại đường Lê Văn Sỹ, Q.3 vẫn còn hơn 20 người ngồi la liệt từ dưới chân cầu thang lên đến trước cửa phòng của cô để chờ coi bói. Bên trong, khoảng 10 người cũng đang ngồi chầu chực chờ được cô gọi. Hầu hết người xem đều là phụ nữ trung niên, chủ yếu làm nghề buôn bán, nhân viên văn phòng. Vấn đề được các chị em quan tâm hỏi han nhau rôm rả nhất là làm ăn, mua bán nhà đất, gia đạo năm mới ra sao. Bà Lê Thị Diễm Tâm (51 tuổi, doanh nhân tại Q.3) thành thật chia sẻ: “Năm nay kinh tế khó khăn, tôi lại là sao Kế Đô, xấu quá nên muốn hỏi cô xem có thể bán bớt mấy miếng đất được không”. Gia đình bà Tâm hiện có ba mảnh đất ở Bình Tân, Khu công nghiệp Tân Bình và Vũng Tàu. Tuy nhiên, chi phí thuê người trông coi khá cao, không kham nổi nên bà đang tìm cách bán đi, hi vọng có thêm tiền để kinh doanh.

Bà Nguyễn Lan Hương (45 tuổi, buôn bán tại Q.Tân Bình) cũng tới xem bói để hỏi chuyện cúng giải hạn tiền tài. Năm ngoái, chồng bà đến ngân hàng rút tiền thì chẳng may bị cướp mất 40 triệu đồng, coi như mất hết tiền ăn tết và trả nợ. Ngay lập tức, bà được cô Hoàng tư vấn cách cúng với đủ thứ trái cây, giấy tiền vàng bạc, giờ giấc cúng rất nghiêm ngặt, nhiều đến mức phải dùng điện thoại để ghi âm lời cô căn dặn.

Còn cô Thu ở đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú được nhiều người biết đến với cách xem quẻ dùng bài tây để đoán quá khứ và tương lai; còn để đoán tính nết, vận mệnh, cô Thu sẽ xem chỉ tay, chữ ký của khách. Cô Thu tuyên bố có thể đoán được quá khứ, hiện tại và cả tương lai của thân chủ chính xác trên 90%. Trưa 19-2, trên lầu nhà cô Thu có một số khách ngồi chờ đến lượt xem quẻ.

Một vị khách đàn ông trung niên được cô phán: “Năm nay, vì hợp tuổi, được lòng sếp và được một phụ nữ trên 40 tuổi làm việc cùng cơ quan “ủng hộ” nên sẽ thăng chức”. Sau khi trả tiền rồi quay ra, vị khách ngán ngẩm lắc đầu tiết lộ: “Tui chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, công ty tui toàn là nam, kiếm đâu ra đồng nghiệp nữ để “ủng hộ” chớ!”.

Nở rộ dịch vụ khấn thuê

Đầu năm, nhiều người đi lễ nhưng không biết khấn nên ngay tại những đền, phủ, chùa được cho là linh thiêng, đội ngũ những người khấn thuê rất đông đúc. Đền Trần, dưới bất kể ban thờ nào cũng có sẵn người ngồi khấn, hát văn và đánh đàn. Chỉ cần các phật tử bỏ tiền vào chiếc mâm để sẵn và nói tên thì người khấn thuê sẽ khấn và gieo quẻ bằng hai đồng xu.

Tại đình Ứng Thiên (Hà Nội) nơi được coi là đình linh ứng với việc mua bán bất động sản nên có nhiều nơi để đặt lễ khác nhau. “Không chỉ đặt lễ khác mà mỗi ban thờ có một lễ vật khác, bài khấn khác. Để được biết Mẫu có ưng hay không phải xin đài âm dương, nếu Mẫu cho thành thì mới được”,  người phụ nữ khấn thuê và xin âm dương giúp những người đi lễ nói như vậy. Về việc trả công khấn thuê, người phụ nữ này cho biết: “Tùy tâm thôi, 10.000, 20.000 hoặc 50.000 đồng, nhiều người hào phóng có thể cho nhiều hơn”.

 Theo Tuổi trẻ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.