Chức vụ, chức danh quản lý nào được đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu?

Chức vụ, chức danh quản lý nào được đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 2, 11/05/2020 08:03

Dự thảo nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu đã đề xuất cụ thể lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nam và lao động nữ từ năm 2021. Theo dự thảo này, cũng sẽ có nhiều nhóm chức vụ, chức danh được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Chính sách - Chức vụ, chức danh quản lý nào được đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu?

Chức vụ, chức danh quản lý nào được đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu? (Ảnh minh họa)

Theo nội dung dự thảo, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc quy định tuổi nghỉ hưu đảm bảo nguyên tắc, người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu trong cùng một năm thì điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là giống nhau.

Quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn cũng được đề xuất thực hiện theo lộ trình tương tự, được quy định chi tiết hơn theo bảng thể hiện theo từng năm đủ tuổi nghỉ hưu (từ năm 2021) sẽ được áp dụng đối với những người lao động cụ thể theo tháng, năm sinh.

Đối với quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức đang được thực hiện theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ. Theo đó, việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đang được áp dụng đối với cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh.

Thứ nhất, Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Thứ 2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thứ 3, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội.

Thứ 4, Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.

Thứ 5, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

Thứ 6, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Thứ 7, Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng.

Thứ 8, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ 9, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP cũng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với những người (cả nam và nữ) được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các đối tượng nêu trên, được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm, nhưng không vượt quá 60 tuổi đối với nữ và 65 tuổi đối với nam.

Theo khoản 4 Điều 169 của Bộ luật lao động quy định người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về cơ bản, dự thảo Nghị định kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP giữ nguyên các đối tượng thuộc diện được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn bao gồm cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh (bỏ Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ do các Ban này đã kết thúc hoạt động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và những người (cả nam và nữ) được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được kế thừa quy định tại Nghị định số 53/2015/NĐ-CP và quy định chi tiết khoản 4 Điều 169 của Bộ luật lao động đảm bảo được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm.

Do vậy, cùng với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường thì tuổi nghỉ hưu cao hơn cũng được tăng lên tương ứng, không vượt quá 67 tuổi đối với nam vào năm 2028 và không vượt quá 65 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện sau:

- Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.

- Cơ quan có nhu cầu sử dụng.

- Cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.