Cô giáo chửi học sinh là "con lợn".
Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng.
Cô giáo bắt học sinh quỳ.
Cô giáo lên lớp suốt 3 tháng trời không nói.
Cô giáo đánh học sinh tím bầm, doạ học sinh ngậm dép...
Đó chỉ là những câu chuyện dư luận thấy được nhờ những lần "bóc phốt" trên mạng.
"Tao nói cho mày biết nhé, ngoài kia có một hay mười cái trung tâm cũng không biến mày từ một con lợn thành một con người được đâu".
"Đây là sân chơi của tao! Luật của tao!".
Clip ghi lại cuộc đối thoai giữa cô giáo dạy tiếng Anh và một học viên tại trung tâm sau khi học sinh này không đồng ý đóng mức phạt 100 nghìn đồng theo yêu cầu của cô đã được phát tán một cách thần tốc trên mạng xã hội.
Những câu nói trơn tru, "chửi như hát hay" của cô cho thấy đây không chỉ là lần đầu tiên cô giáo sử dụng những ngôn từ chợ búa như thế trong lớp học.
Thử hỏi, nếu học viên không phải là người đã đi làm mà là một cô bé, cậu bé mặt mũi còn ngơ ngác, được cha mẹ gửi gắm vào các lớp học, các trung tâm bổ sung kiến thức thì các em có phản kháng như thế hay không?
Hay các em sẽ lựa chọn cách im lặng, chịu đựng những câu nói tra tấn tinh thần từ ngày này qua ngày khác như lựa chọn của tôi thời còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tại sao em bé lớp 3 phải uống nước giặt giẻ lau bảng đợi bạn mách với ông nội của em thì gia đình mới biết chuyện?
Tại sao các em học sinh lớp 4 bị cô phạt "quỳ gối trên ghế nhiều lần, dùng thước đánh tay, dùng từ ngữ chưa phù hợp với học sinh" - theo lời kể của thầy Hiệu trưởng - mà không hề nói với ba mẹ?
Tại sao em Phạm Song Toàn và tất cả học sinh lớp 11 không phản ứng ngay với cô giáo trong lớp học mà chịu đựng suốt 3 tháng trời những tiết học không lời? Và kết thúc câu chuyện em Phạm Song Toàn dũng cảm "tố" cô giáo của mình cũng là một kết thúc không có hậu, em phải chuyển trường đến một môi trường mới. Các em ở trường cũ sẽ nghĩ gì? Nếu còn muốn được gắn bó với ngôi trường đó, với lớp học đó, với những người bạn đó, thì các em có dám đứng lên như Phạm Song Toàn hay không?
Trên lớp, các em thường xuyên được dạy những bài học đạo đức về mối quan hệ thầy - trò, "tôn sư trọng đạo", "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Về nhà sẽ được ba mẹ răn "cô yêu thì cho roi cho vọt", "con học kém, không ngoan thì cô mới phạt thế". Nhưng các vị phụ huynh, các thầy cô giáo hình như bỏ quên mất những bài học về Nhân quyền - những quyền lợi cơ bản của chính các em học sinh.
"Bục giảng là thánh đường của nhân cách", đứng trên thánh đường ấy, người giáo viên đừng tự cho mình quyền "tôn sư trọng đạo" mà tước đi mất quyền được trình bày ý kiến, được tôn trọng và được tin tưởng của các em.
Và đừng biến "thánh đường" thành "sân chơi của tao và luật của tao".
Hiểu Minh
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả