Câu chuyện “hot boy trà sữa” giành quán quân Thách thức danh hài theo kiểu trò lố, giám khảo thì văng tục đang làm dậy sóng dư luận. Khán giả phải thất vọng với kiểu chiêu trò quá trớn của cả thí sinh và giám khảo.
Hiện nay, khán giả đang phải xem những chương trình hài cực kỳ dễ dãi. Từ Ơn giời, cậu đây rồi đến Thách thức danh hài hay Danh hài đất Việt và cả những chương trình không hề hài chút nào như Cuộc đua kỳ thú, Giọng ải giọng ai cũng dính vào nạn nói tục. Trong đêm gala Thách thức danh hài, giám khảo Trấn Thành vô tư đem những ngôn ngữ hàng cá hàng chợ như “kệ bà nó”, gọi thí sinh bằng “mày”… nói với thí sinh.
Ban đầu khán giả có thể coi đó như một tai nạn nhưng càng về sau, nói tục trở thành một vấn nạn. Dễ dàng nhận thấy những chương trình giải trí đang “hot” hiện nay vẫn chưa có hướng mới mà chỉ lặp đi lặp lại những chiêu trò cũ như giả gái, uốn éo, làm trò lố và bây giờ là chửi bậy.
Không ít người lo ngại, các thí sinh với thói ứng xử “chợ búa” và sự “dung dưỡng” của nhà sản xuất chương trình trên truyền hình có thể ảnh hưởng tới lối sống, ứng xử, giá trị lệch chuẩn văn hóa của một bộ phận giới trẻ.
Trong thời buổi mà “người người làm hài, nhà nhà diễn hài” thì không khó nhìn thấy những kiểu văng tục, đồng tính, giả trai giả gái, mọi thứ bất bình thường cứ thế văn lên truyền hình.
Chúng ta đang dạy con trẻ những điều hay lẽ phải hàng ngày, vậy mà trên truyền hình, những điều sai trái vẫn hồn nhiên được người ta hưởng ứng thì thật là tai hại. Ở trường học, việc các con gọi bạn bằng “thằng”, bằng “con” đã bị đánh giá là không ngoan rồi, vậy mà trên truyền hình giám khảo sẵn sàng gọi thí sinh bằng… "mày”, rồi văng cả “kệ bà nó”.
Với sức hấp dẫn của tiền bạc và danh tiếng, rất khó có thể cưỡng lại những điều đó khi mà các chương trình truyền hình thực tế mang lại nhưng mấy ai đủ tỉnh táo, kể cả những người chơi, giám khảo nhân ra sự ảo tưởng về bản thân và hậu quả mà họ đã và đang đem lại cho xã hội.
Chương trình truyền hình thực tế hiện nay đang làm cho người dân được hưởng những món ăn tinh thần phong phú nhưng cũng không ít sạn. Đối với “những hạt sạn” to đùng trên sóng truyền hình, hậu quả của nó không ai biết trước được. Cho dù, Trấn Thành cũng như cậu Lê Tấn Lợi kia đã có những lời giải thích và cả nhận sai nhưng chẳng thể đảm bảo rằng nó không xuất hiện trở lại trên truyền hình.
Từ những trò lố, chửi tục vẫn xuất hiện trên truyền hình, có thể thấy khâu kiểm duyệt của những người quản lý về văn hóa đang có dấu hiệu buông lỏng. Những điều này đã ai để ý đến? Những điều xấu xí cứ xuất hiện trên truyền hình theo một cách chủ ý như thế thì chúng ta sẽ được lợi gì?
Xem thêm: >>> Nghệ thuật truyền thống đang bị 'giết' bằng gameshow?
Trần Phương
- Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả