Quán cơm Ong Mật, cũng chính là lớp học kỹ năng của những đứa trẻ "đặc biệt" ấy đã hoạt động chính thức được gần 5 tháng, nằm sâu bên trong một ngõ nhỏ trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Không gian lớp học chỉ vỏn vẹn trong một gian bếp nhỏ với cách bài trí đơn giản, nhưng khiến những chú ong chăm chỉ yêu thích đến lạ kỳ, thích đến lớp hơn ở nhà.
Mô hình hướng nghiệp này đang được dự định sẽ triển khai trong vòng một năm, để các bạn có thể nằm lòng những nguyên vật liệu nấu nướng, từ đó mới đi tới dạy những học trò này có thể học được những kỹ năng nấu các món cơ bản.
Quán cơm Ong Mật là một dự án phát triển, hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam của trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ, chính là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển lại vừa trở thành học viên vừa trở thành nhân lực.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1976) cũng là một người mẹ có con là trẻ đặc biệt, đã cùng một số phụ huynh lập ra quán cơm Ong Mật. Chị Thủy đang cập nhật thực đơn trong ngày mới.
Hơn ai hết, chị Thủy hiểu rõ tâm tư của những ông bố, bà mẹ có con đặc biệt như mình. Cùng con thu vén hành trang để bước qua từng giai đoạn cuộc sống, chị trăn trở làm sao giúp con hòa nhập với cộng đồng. Và mong muốn con có thể tự lập, hòa nhập được với cuộc sống bình thường ấy, đã chạm đến nỗi lòng của những ông bố, bà mẹ, trở thành động lực để lập ra một gian bếp nhỏ mang tên quán Ong Mật, cũng chính là quán cơm hướng nghiệp cho những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ.
Không gian của quán cơm Ong Mật được thuê từ một phụ huynh cũ trong các dự án của chị Thủy.
Đối với những đứa trẻ tầm hơn chục tuổi khác, công việc trong quán cơm có thể chỉ mất vài ba ngày để học hỏi và làm quen. Tuy nhiên, với những đứa trẻ đặc biệt này, các thầy cô kiêm đầu bếp đã phải kiên nhẫn hơn, hướng dẫn thật tỉ mỉ, từng bước nhỏ.
Trong suốt 2 tháng đầu, các thầy cô đã dạy tất cả các kỹ năng, sau đó, tùy vào sở thích và khả năng của mỗi học trò để giao “chuyên môn”.
Đối với những chú ong, kỹ năng cắt thái dường như đã khá quen thuộc. Tuy nhiên, những ngày đầu, cũng không tránh khỏi việc đứt tay, chảy máu.
Hai chú ong chăm chỉ đang chuẩn bị nguyên liệu cho món nem rán.
Trong gian bếp ngọt ngào ấy, các thầy cô đã ân cần “cầm tay chỉ việc” cho từng học trò của mình, từ những công việc từ nhỏ nhất, như nhặt rau, thái thịt, đóng gói đồ ăn và làm quen với các mệnh giá tiền.
Với những phụ bếp Ong Mật này, việc nhận biết các nguyên liệu đơn giản cũng đã là một bài học khó; những kỹ năng cắt, gọt, thái, rửa… cũng là những bài tập thực hành đầy thử thách. Và việc nhặt đúng các loại rau, thái gọn mấy cân thịt, rán được một đĩa đậu, cũng có thể được xem như một thành tựu kỳ diệu.
Công việc hàng ngày ở quán Ong Mật bắt đầu từ 8h30 và kết thúc phục vụ cơm trưa vào lúc 12h. Do các học trò chỉ mới có thể làm phụ bếp, còn đầu bếp chính vẫn là các thầy cô, nên mỗi ngày, quán chỉ nhận khoảng 50 suất cơm với một thực đơn nhất định.
Món canh đã sẵn sàng phục vụ bữa trưa của những thực khách đầu tiên.
Thực khách thưởng thức suất cơm trưa ngon miệng.
Nhân viên nhí trực tiếp giao đồ ăn cho khách, đây cũng là cơ hội để luyện kỹ năng giao tiếp.
Một nhân viên giao đồ ăn đã “quen mặt” ở quán Ong Mật cho biết: “Khi tôi đến nhận đồ để giao cho khách, những nhân viên nhí đặc biệt là người trực tiếp giao đồ ăn cho tôi. Quán Ong Mật phục vụ cũng nhanh và rất nhiệt tình. Ngay từ lần đầu tiên đến đây tôi đã cảm nhận được một quán cơm đặc biệt, nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé ủng hộ quán”.
Bữa trưa của chính những phụ bếp Ong Mật.
Điều thú vị ở Ong Mật, đó là, mặc dù là lớp học nhưng chẳng nặng nề bóng dáng của giáo án, sách vở, nên các bạn học sinh yêu thích việc nấu ăn và còn thích đến lớp học hơn ở nhà.
Cô bé Hồng Hà có sở thích múc canh, múc chè cho khách và luôn hoàn thành công việc này một cách rất khéo léo.
Trước đây, việc tập tành nấu nướng cho những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển vẫn khiến nhiều người cho là một điều viễn tưởng, nhưng quán cơm Ong Mật đã và đang dần chứng minh điều ngược lại.
Phút nghỉ ngơi, thư giãn của những chú ong.
Sau những phút bận rộn với món ăn, các thầy cô lại hướng dẫn học trò một số kỹ năng khác như giao tiếp, tính toán,... Tất cả sẽ là hành trang riêng cho chặng đường sau này của nhwunxg chú ong.
Chị Thủy cũng như nhiều phụ huynh có con đặc biệt khác, hạnh phúc là được ngắm nhìn con mình cười hạnh phúc và có công việc để yêu thích mỗi ngày.Dẫu chặng đường để đi đến vạch đích của cô trò Ong Mật còn rất xa, nhưng trong những ánh mắt lo sợ mỗi khi gặp người lạ của những học trò đặc biệt ấy vẫn lóe lên ánh sáng của hạnh phúc về một tương lai tươi đẹp, khi có thể tự lập bằng chính khả năng của mình.
Đó là tương lai những chú Ong Mật nhỏ trưởng thành và tự mình xây nên những tổ Ong Mật mới.
Trọng Tùng - Thủy Tiên