Theo ghi nhận, nhiều khu vực trên địa bàn Tp.Đà Nẵng có mưa lớn khiến ngập cục bộ. Riêng quận Sơn Trà, các đường bị ngập như các đường Tôn Quang Phiệt, Nại Thịnh 3, Lê Tấn Trung, Lê Văn Lương…
Trong khi đó, ngay trung tâm Tp.Đà Nẵng, các đường như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Núi Thành... cũng bị ngập nặng. Đặc biệt, tình trạng mưa lớn, ngập cục bộ diễn ra nặng vào chiều tối.
Anh Nguyễn Văn Trình, quận Hải Châu, vừa dắt xe chiếc xe máy vừa chia sẻ: "Đi làm về, tôi ngang qua giao lộ Núi Thành - Tiểu La thì gặp ngập. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ nước ngập thấp nên cứ điều khiển xe chạy tiếp. Không ngờ, nước sâu khiến xe chết máy".
Cũng tại khu vực này, nhiều ô tô chết máy. Chị Trần Thị Tâm nói: "Tôi bất lực, phải ngồi phía trong xe vì tắt máy. Tôi đã gọi điện cầu cứu, chờ chồng đến hỗ trợ".
Bên cạnh đó, ở đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ... tình trạng ngập cũng không khả quan hơn.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ: "Đã lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến cảnh ngay trung tâm Tp.Đà Nẵng bị ngập. Do tình trạng ngập vào giờ tang tầm nên tình trạng xe máy, ô tô tắt máy càng nhiều hơn".
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, tại Tp.Đà Nẵng thời điểm này có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Hiện tượng mưa lớn có khả năng kéo dài đến ngày 16 với tổng lượng mưa tích luỹ phổ biến 200 đến 400 mm mỗi đợt, có nơi trên 500 mm mỗi đợt.
Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng.
Ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Hoà Phú cho biết, hệ thống loa truyền thanh xã thường xuyên phát thông tin về cảnh báo mưa lớn, nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để nhân dân chủ ứng phó và tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không đi qua các đoạn đường bị ngập, đánh bắt cá trên sông và vùng trũng thấp, đi qua qua ngầm, cầu tràn và các khu vực có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn.
Ban chỉ huy quân sự xã, Công an xã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai. Các thôn trên địa bàn xã Hòa Phú đã rà soát và sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai của thôn theo phương châm “4 tại chỗ”...
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến sáng 14/10, mực hồ Hòa Trung đã dâng cao hơn mực nước dâng bình thường 0,1m, hiện đã tự chảy qua tràn về hạ lưu; mực nước hồ Đồng Nghệ cũng dâng cao, vượt ngưỡng tràn xả sâu 0,54m.
Hiện còn 1 tàu cá với 11 ngư dân thành phố đang hoạt động trên biển (khu vực giữa Biển Đông - Trường Sa), chủ tàu đã nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình; còn lại 1.229 tàu cá đang neo đậu tại bến.
Để ứng phó với mưa lớn trên đất liền và áp thấp nhiệt đới trên biển, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố đã thường xuyên tuyên truyền về diễn biến, tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ đến người dân nhằm chủ động phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo 3 đài thông tin liên lạc biển ở các đồn biên phòng thường xuyên thông báo, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên các khu vực biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị địa phương đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời triển khai các phương án, các kế hoạch ứng phó...