Sáng ngày 24/9, sau vụ việc anh Lương Văn Hải (40 tuổi, quê Thái Bình), nhân viên chăm sóc động vật tại trang nuôi hổ của ông Ngô Duy Tân, nguyên giám đốc Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương, khu phố Nội Hóa, phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương bị hổ vồ chết.
Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã quay lại hiện trường nơi ông Tân nuôi nhốt hổ để tiếp tục tìm hiểu thông tin về nguyên nhân tử vong, cũng như khu vực trang trại nuôi thú dữ của cơ sở trên.
Chúng tôi đã cố gắng tìm khu vực nuôi nhốt hổ của cơ sở trên nhưng không thành, những người làm tại đây rất kín miệng, họ đều không nói gì về nơi nuôi và chăm sóc những con hổ.
Điều đáng chú ý, trong cơ sở trên còn nuôi nhốt khoảng 7 cá thể gấu. Những con gấu trên đều rất to lớn, trọng lượng khoảng trên 200kg, chiều cao đứng thẳng khoảng hơn 1m. Những chuồng gấu trên được nuôi sát bên cạnh nơi ở của một số công nhân làm việc tại đây.
Theo ông Khuất Ngọc Thơ, cán bộ hưu trí sống gần công ty Thái Bình Dương: “Việc có gấu thoát ra ngoài đã từng có, khi đó ông Ngô Duy Tân còn chưa nuôi nhiều hổ”.
Chia sẻ về việc, nuôi thú dữ cạnh khu dân cư ông Thơ nói: “Chúng tôi sợ chứ, những loài vật này là “chúa sơn lâm” mà. Nếu không may, chúng chạy thoát ra ngoài được thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, Công an tới có bắn thì nó cũng đã cắn chết người rồi.
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đưa, vào khoảng 16 giờ chiều 23/6, anh Hải đang chăm sóc một con hổ vằn thì bất ngờ bị hổ tấn công khiến anh tử vong.
Theo ông Lương Thiện Dân (anh họ của nạn nhân làm việc cho ông Ngô Duy Tân), anh Hải làm công việc chăm sóc hổ tại đây được 20 năm. Con hổ trên nặng hơn 100kg, thường ngày những con hổ rất thân thiện và anh Hải cũng rất cẩn thận, nhưng không biết sao hôm đó, hổ nóng giận vồ chết nạn nhân.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng sau đó đã có mặt tại hiện trường. Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện Công an tỉnh đã giao cho phòng chức năng tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, vào tháng 3/2007, dư luận cả nước xôn xao về việc ông Ngô Duy Tân - Giám đốc Công ty Bia Pacific, huyện Dĩ An (bây giờ là thị xã Dĩ An, nuôi 23 con hổ) ông Huỳnh Phi Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Nghĩa, (9 con) và ông Huỳnh Văn Phùng, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh (9 con). Sự việc khiến nhiều ngành chức năng tranh cãi về việc nuôi nhốt thú dữ có đúng quy trình, các cơ sở chăn nuôi trên có đủ điều kiện, hay nguồn gốc những con hổ trên ở đâu. Trong khi thời điểm trên đại diện 6 Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Động vật hoang dã khẳng định việc nuôi nhốt hổ trong song sắt sẽ không thể bảo tồn và sống giống thiên nhiên. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo kiến nghị trình Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xin ý kiến về việc cho các cơ sở được tiếp tục thí điểm nuôi hổ và một số động vật hoang dã. Bộ sẽ là nơi hướng dẫn các tổ chức cá nhân đang nuôi hổ và một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm lập phương án và hồ sơ đăng ký trại nuôi theo đúng quy định, đảm bảo điều kiện về an toàn đối với người nuôi và nhân dân trong vùng, chăm sóc, duy trì, phát triển động vật lâu dài phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế. Thủ tướng sau khi xem xét đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Phùng Sơn