Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Vì sao phân hạng đạo đức giáo viên thành 1,2,3?

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Vì sao phân hạng đạo đức giáo viên thành 1,2,3?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 7, 13/03/2021 10:37

Nhiều ý kiến cho rằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên gây phiền nhiễu. PV NĐT Pháp Luật đã trao đổi với GS. Phạm Tất Dong-Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên

PV: Ông đánh giá như thế nào trước thực trạng giáo viên phổ thông đang phải đổ xô đi học các lớp bồi dưỡng để lấy được các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp làm căn cứ tham gia các kỳ thi “nâng hạng”, “giữ hạng” giáo viên hiện nay?

GS.Phạm Tất Dong: Phải khẳng định rằng, để làm bất cứ một công việc gì đều phải có các tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT cần làm rõ mục tiêu chương trình được thiết kế để bồi dưỡng giáo viên hay bồi dưỡng nhà quản lý. Tôi cho rằng, đây là một trong những bất cập trên lộ trình trả lương theo vị trí việc làm. 

Cơ quan quản lý đã áp dụng một công thức cho tất cả mọi người. Luật  Viên chức thì phải thực hiện nhưng khi triển khai phải phù hợp với thực tiễn chứ không thể bắt một giáo viên có thâm niên công tác 10, 20 năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế giờ phải tham gia các lớp bồi dưỡng chỉ để lấy một tờ chứng chỉ cho phù hợp với quy định.

Đối thoại - Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Vì sao phân hạng đạo đức giáo viên thành 1,2,3?

Ông Phạm Tất Dong -Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh internet

Đa số giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp mục đích không phải vì nghiệp vụ, chuyên môn mà là nỗi lo khi bị xếp là giáo viên hạng 2, hạng 3 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khi sắp tới bãi bỏ thâm niên công tác, đồng lương của giáo viên vốn đã thấp thì điều họ lo lắng là dễ hiểu. 

PV: Nói như vậy, yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên chẳng khác nào“giấy phép con” gây phiền nhiễu giáo viên, thưa ông?

GS.Phạm Tất Dong: Tôi đánh giá cao việc bộ GD&ĐT, bộ Nội vụ đạt được sự thống nhất về việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên. Vấn đề ở đây là chương trình đào tạo, bồi dưỡng có đúng thực chất là nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hay chỉ có giá trị trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Điều quan trọng, ai là người thẩm định chương trình bồi dưỡng giáo viên này? Giáo viên vốn đã nghèo nay phải tự bỏ ra khoản tiền 3-4 triệu để đi học lấy một chứng chỉ nghề nghiệp. Căn bệnh trầm kha trong công tác quản lý là ở nhiều ngành là đặt ra những quy định này, quy định khác mà không có tiền thì không làm được. Việc giáo viên vẫn phải bỏ thời gian, tiền bạc để đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo từng hạng 1, 2, 3 là một sự lãng phí lớn.

Liệu bỏ 3-4 triệu đồng và học vài ba buổi để lấy chứng chỉ nghề nghiệp liệu có thể cải thiện năng lực giáo viên đâu, chất lượng hệ thống giáo dục có tăng theo?

Bản chất giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Còn về yêu cầu chức danh nghề nghiệp đối với viên chức nói chung, theo tôi nên rà soát, xem xét sửa đổi lại quy định này phù hợp với viên chức từng ngành, lĩnh vực. Việc sửa đổi luật cần có sự phối hợp của các đơn vị bộ, ngành.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đạo đức nghề nghiệp là quy định chung trong luật rồi nhưng soi chiếu vào chuẩn giáo viên hạng 1, 2, 3 tại sao lại chia đạo đức nhà giáo làm 3 hạng 1, 2, 3? Ông đánh giá như thế nào về việc chia hạng đạo đức giáo viên?

GS.Phạm Tất Dong: Theo Thông tư 03/2021 của bộ GD&ĐT về nội dung "Tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo" thì giáo viên hạng 3 phải “thường xuyên trau dồi”, hạng 2 phải “luôn luôn gương mẫu” và hạng 1 phải là “tấm gương mẫu mực” về đạo đức. Theo tôi, nghề nào cũng cần đạo đức. Nghề giáo càng phải cần có đạo đức nghề giáo. Mà đã là đạo đức thì không nên xếp thành hạng 1, 2, 3. Theo tôi, không thể tách riêng ra từng hạng, vì hạng nào thì cũng là đối tượng giáo viên và phải thực hiện chung các nguyên tắc về chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp.

Tôi đặt ngược lại câu hỏi, tiêu chí nào để xếp hạng đạo đức giáo viên. Thước đo đạo đức nằm ở đâu, thể hiện ở sự đóng góp chứ không phải bằng lời nói. Theo tôi, đánh giá về mặt đạo đức giáo viên thì phải nhìn nhận từ những hành động cụ thể. Muốn “đo” đạo đức của giáo viên thì phải căn cứ vào sự đóng góp, tận tụy của giáo viên đó. Việc đánh giá giáo viên đó có tốt hay không thì bản quy chiếu chính là học sinh, họ dạy học sinh đó có tốt không, chấp hành mọi nội quy, chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề hay không? Đóng góp của từng giáo viên tùy theo sức của họ chứ không thể nói giáo viên hạng 1, 2 đạo đức hơn người hạng 3.

Một chính sách vừa ban hành có nhiều ý kiến khác nhau thì cơ quan ban hành cần xem xét lại để có chỉnh sửa hợp lý. Tuy việc này có liên quan đến bộ Nội vụ nhưng bộ GĐ&ĐT là cơ quan ban hành Thông tư thì phải chủ động chủ trì rà soát, xem xét để đưa hướng tháo gỡ hợp lý.

PV: Xin cảm ơn GS!      

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề chức danh nghề nghiệp được luật Viên chức quy định chung, không quy định chi tiết cho từng ngành, nghề. Do vậy, các bộ, ngành trong quá trình thực hiện luật định, phải căn cứ luật, căn cứ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ đối với bộ, ngành mình. Từ đó có ban hành những quy định cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn; ngành, nghề nào cần và không cần chứng chỉ nào; tránh quy định chung chung khiến phát sinh tình trạng có những chứng chỉ nghề nghiệp đặt ra không thực sự cần thiết, chỉ mang tính hình thức. Nguyên tắc là phải có sự cắt giảm tối đa, phù hợp, tránh gây khó, làm phiền hà đến người lao động mà vẫn có thể đảm bảo việc quản lý hiệu quả nhất.                                                            

 

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội:

 Sẽ kiến nghị bộ GD&ĐT xem xét lại

Sau khi bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư nói trên, tôi nhận được rất nhiều phản ánh với những luồng ý kiến khác nhau của chính những người làm trong ngành giáo dục về chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên.

Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại, tổng hợp các nhóm ý kiến để gửi kiến nghị đến bộ GD&ĐT trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV sắp tới để Bộ nghiên cứu, xem xét. Trong đó, chúng tôi kiến nghị bộ GD&ĐT cần phải phân tích chính sách để điều chỉnh hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nữa.

Các nhóm ý kiến được gửi cho tôi chủ yếu nêu những bất cập trong phân hạng giáo viên THCS được quy định ở Thông tư 03. Đơn cử như việc quy định giáo viên THCS hạng 1 phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên; hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn giảng dạy; hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên. Thông tư số 03 của bộ GD&ĐT lại quy định giáo viên THCS hạng 1 chưa đạt các tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào giáo viên hạng 2, sau khi đạt các tiêu chuẩn được bổ nhiệm giáo viên hạng 1 không phải qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, kết quả kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THCS (chưa có bằng thạc sĩ) từ hạng 2 lên hạng 1 do Bộ tổ chức vào năm 2018 thật vô nghĩa. Bởi nếu theo quy định mới nhất, giáo viên hạng 1 hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ "rớt hạng". Đây là một quy định gây tốn kém và lãng phí rất lớn, đồng thời phủ nhận luôn công sức tổ chức kỳ thi nâng hạng của chính bộ GD&ĐT.

Sau khi bộ GD&ĐT ban hành nhóm thông tư này, tôi nhận được rất nhiều phản ánh của giáo viên, những người làm việc trong ngành giáo dục đối với chuyện chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với những luồng ý kiến khác nhau. Số người đồng tình thì ít, mà số người không đồng tình thì rất nhiều. Đây cũng chính là nhóm giáo viên chịu tác động trực tiếp từ các quy định bất cập nêu trên. 

 

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ:

Bộ GD&ĐT cần có chính kiến 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng vụ Công chức Viên chức, bộ Nội vụ cho rằng, bộ GD&ĐT phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và lý do của việc bỏ hay giữ là gì và phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động.

Luật Viên chức cũng như trong các Nghị định (từ Nghị định 29 trước đây cho đến Nghị định 115 mới sửa đổi năm 2020) đều quy định đối với mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức phải có tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp và trách nhiệm của bộ Nội vụ, cũng như các bộ chuyên ngành trong việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình. Đối với đội ngũ giáo viên thì việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn đối với từng cấp phổ thông thuộc trách nhiệm của bộ GD&ĐT. Điều này được quy định trong Luật và cũng được quy định rất rõ trong Nghị định 29 trước đây và Nghị định 115 mới ban hành năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tiêu chuẩn thì phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phản ánh trình độ, năng lực, kinh nghiệm của viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Còn chứng chỉ bồi dưỡng có thể là một loại chứng chỉ bổ sung phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

Nhưng vấn đề của các loại chứng chỉ bây giờ tôi hiểu đang có sự lẫn lộn, quá nhiều và nội dung trùng lắp, vì vậy mới gây những bức xúc trong đội ngũ giáo viên gần đây. Vì vậy, điều cần thiết bây giờ không phải là bỏ hay không bỏ một loại chứng chỉ nào đó mà cần phải rà soát lại hết tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại chứng chỉ và đặc biệt là nội dung, chương trình của các loại chứng chỉ xem có xuất phát từ đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Để làm được việc này thì cái gốc là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp. Trong từng chức danh nghề nghiệp thì đâu là tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp, từ đó mới xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo quy định.                     

Hương Lan 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.