Kết thúc phiên xử kín, tòa đã tuyên phạt bị cáo Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm 9 năm tù giam về tội mua dâm người chưa thành niên, thấp hơn 18 tháng so với bản án sơ thẩm lần 1 đã bị tuyên hủy.
Trước việc bị cáo Sầm Đức Xương kháng cáo bản án sơ thẩm, Nguoiduatin.vn đã trao đổi với ông Dương Trí Tuệ, luật sư bào chữa cho ông Sầm Đức Xương.
Các bị cáo trong vụ án
"Tôi không "ép" hay khuyên không kháng cáo"
Vì sao ông nhận định cơ sở pháp lý và chứng cứ buộc tội Sầm Đức Xương là yếu?
Tôi thấy rằng cơ quan điều tra đã lấy chứng cứ một chiều, toàn bộ chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của các cháu Thúy và Hằng. Trong khi đó, không hề có hình ảnh hay video quay lại cảnh ông Xương mua dâm các cháu và cũng không tìm thấy tinh trùng của ông Xương trên người các cháu.
Nếu chỉ dựa vào lời khai của các cháu mà kết tội ông Xương thì tại sao các cháu cũng khai ra những người khác mà không kết tội họ. Như vậy có phải là đã bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra? Theo Điều 72 Bộ luật Hình sự: Lời khai của người làm chứng phải phù hợp với lời khai của bị can, bị cáo, nhưng từ trước giờ ông Xương đã bao giờ nhận tội đâu.
Tôi cũng đã từng nói, lời khai của bị can, bị cáo, người bị hại và người làm chứng, cùng các tài liệu liên quan khác có thể thay đổi được, nhưng chứng cứ có thật không thể thay đổi được, nhưng chứng cứ có thật ở đâu, thì lại chẳng có chứng cứ có thật. Vì vậy tôi mới nói, thiếu chứng cứ có thật để buộc tội ông Xương.
Trước khi phiên tòa diễn ra, bản thân tôi cũng đã tham khảo nhiều ý kiến của nhiều người đang tham gia công tác tố tụng để củng cố niềm tin nội tâm của tôi, người ta cũng nói không đủ chứng cứ để buộc tội ông Xương.
Ông có đưa những lập luận này ra công khai tại phiên tòa?
Tôi đã công khai nói điều này. Mặc dù có thể ông Xương có hành vi mua bán dâm thật đấy và ông ta là thầy giáo thì chúng ta càng không được bao che cho hành vi đó, phải bài trừ hành vi đó.
Nhưng muốn nói gì thì nói, khi xét xử dưới góc độ pháp luật thì phải đưa ra được chứng cứ có thật. Không có chứng cứ có thật thì không thể truy tố con người ta ra trước pháp luật được. ông Xương có thể có tội thật, nhưng phải có đầy đủ chứng cứ có thật. Nếu không có chứng cứ có thật thì việc buộc tội ông Xương là không thỏa đáng.
Vậy vì sao sau phiên tòa, ông lại khuyên ông Xương không nên kháng cáo?
Không phải là tôi khuyên ông Xương không nên kháng cáo, mà tôi nói rằng: "Nếu ông thấy hợp lý thì không nên kháng cáo". ông ấy có chứng cứ gỡ tội cho ông ấy thì ông kháng cáo, còn chẳng có chứng cứ thì đừng có kháng cáo. Chứ tôi không có "ép" hay khuyên ông ấy là không kháng cáo, đó là quyền của ông ấy.
Trong vòng 15 ngày sau khi tòa tuyên án thì ông ấy có quyền làm đơn kháng cáo, kháng cáo hay không là quyền của ông ấy và tôi không cần biết ông ấy có kháng cáo hay không. Tôi cũng chỉ biết sự việc ông Xương kháng cáo khi vợ ông ấy gọi điện thông báo với tôi.
Vậy ông có bình luận chung nhất gì về vụ án?
Có thể cơ quan chức năng truy tố ông Xương đúng tội nhưng chứng cứ buộc tội lại chưa đủ. Như tôi đã nói, có thể ông này có hành vi mua dâm, nhưng chứng cứ có thật để chứng minh là không có.
Không có áp lực trong phiên xử kín
Trong phiên xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Giang vừa rồi chỉ còn một mình ông là luật sư tham gia bào chữa?
Đúng vậy. Luật sư Trần Đình Triển cũng đến tham dự nhưng không phải với vai trò bào chữa cho bị cáo nên không được vào.
Vậy ông có thấy áp lực gì không?
Không có áp lực gì cả. Tôi càng dễ "cãi". Vụ việc này với tôi là bình thường. Có những vụ tôi làm còn "gay cấn" hơn nhiều.
Ông có suy nghĩ như thế nào về hoàn cảnh gia đình ông Xương nếu cứ tiếp tục theo đuổi vụ án?
Tôi cũng có trao đổi với bà Toán (vợ ông Xương) sau khi phiên tòa kết thúc, bà Toán có nói gia đình bà và bản thân bà cũng rất mệt mỏi với việc của ông Xương, ông ấy có kháng cáo hay không là việc của ông ấy, vì điều kiện kinh tế bây giờ rất khó khăn, bà Toán lại phải nuôi 2 đứa con đang ăn học dưới Hà Nội.
Hợp đồng bào chữa giữa ông với tư cách luật sư và gia đình ông Xương có nội dung như thế nào?
Trong hợp đồng ký kết giữa tôi và gia đình bị cáo Xương, tôi chỉ bào chữa cho ông Xương trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, nên chỉ được cấp phép bào chữa giai đoạn sơ thẩm. Nếu ông Xương kháng cáo mà mời tôi nữa thì tôi làm, còn không mời tôi nữa, mà mời người khác là quyền của ông ấy.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đông Phương- Quang Minh