Tai nạn bất ngờ
Khi học ở trường phổ thông, chưa bao giờ cái tên Stephen Hawking xuất hiện ở những vị trí đầu bảng. Ông học "làng nhàng" và có thành tích học tập chỉ xếp ở "top dưới". Ông tâm sự: "Tôi luôn làm bài tập về nhà một cách cẩu thả và chữ viết của tôi là nỗi thất vọng của các thầy cô giáo. Nhưng không hiểu sao, bạn bè lại gắn cho tôi biệt hiệu Einstein, có lẽ họ thấy có điều gì đặc biệt ở tôi".
Mặc dù học hành rất "tài tử" nhưng Stephen Hawking lại có bộ óc thông minh hơn người, vì thế tuy học ít nhưng sự nghiệp học tập vẫn "thuận buồm xuôi gió". Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được nhận vào học tại khoa vật lý tại đại học Oxford.
Theo lời "tự thú tội" của "ông hoàng vật lý", thời sinh viên ông lười học đến mức khó tin, mỗi ngày ông chỉ dành ra một giờ để học bài. Vậy mà ông vẫn tốt nghiệp bằng xuất sắc của đại học Oxford danh giá. Ông phân trần: "Tôi không tự hào về sự lười học của bản thân mà chỉ mô tả cách học của bản thân mình khi đó". Dường như mọi thành công đến với ông một cách quá dễ dàng, cho đến một ngày...
Ông còn nhớ đó là một ngày đông giá rét, cả gia đình ông cùng đi trượt tuyết trên hồ nước đóng băng. Cả nhà đang cười đùa vui vẻ bỗng nhiên Stephen Hawking khụy ngã và không thể đứng dậy được. Stephen nằm đó cho đến khi có người đến nâng ông dậy. Ông có cảm giác không thể điều khiển được tay chân của mình nữa. Ông được đưa đến bệnh viện và ở đây, các bác sĩ khẳng định ông mắc chứng bệnh nan y có tên là ALS. Năm đó Stephen Hawking 21 tuổi.
ALS là một căn bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc chữa. Nó khiến cho các tế bào thần kinh vận động bị tê liệt. Khi đã mắc bệnh, người ta sẽ buộc phải gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn, Stephen Hawking cũng vậy. Căn bệnh này thường được biết đến với tên gọi bệnh xơ cứng teo cơ, hay một tên gọi khác nữa là bệnh Lou Gehrig.
Người ta còn gọi đây là bệnh "hóa đá" vì ALS phát triển theo cách khiến cho người bệnh cảm thấy cơ thể họ dần bị đông cứng lại. Bệnh này dần lấy đi của bệnh nhân khả năng đi lại, nuốt thức ăn và thậm chí gây khó khăn trong quá trình hít thở. ALS là một trong ba bệnh vô phương cứu chữa cùng với ung thư và AIDS.
Căn bệnh khủng khiếp đã gieo một bầu không khí căng thẳng trên gia đình Hawking, biến một thanh niên dồi dào sức trẻ thành một con người lầm lì ít nói. Cả gia đình lo lắng cho ông, cha mẹ ông chạy đi khắp nơi để mong gặp thầy gặp thuốc, anh chị em túc trực bên ông để chăm sóc. Bộ óc thông minh của Stephen Hawking đã không thể giúp ông "lật ngược thế cờ" như những lần trước nữa. Giờ chỉ còn một mình ông đối diện với căn bệnh quái ác.
Khi nhận được thông tin từ bác sĩ cho biết mình chỉ sống thêm được vài ba năm nữa, Stephen Hawking đưa mắt nhìn lên bầu trời. Và như có điều gì đó thôi thúc, ông lóe lên trong đầu suy nghĩ: "Mình còn rất nhiều việc chưa làm và đây là cơ hội cuối cùng". Chàng sinh viên trẻ bỗng nhận thấy giá trị cuộc sống và quyết sống có ích.
Tuy căn bệnh cầm tù con người ông trong sự bất động và câm lặng nhưng nó không thể quật ngã được ý chí kiên cường trong ông. Ông nhớ lại những mơ ước của một tuổi thơ ham muốn khám phá vũ trụ để hiểu hơn về con người, về sự sống, để tự trả lời cho những câu hỏi trẻ con tưởng chừng như đơn giản. Stephen Hawking lao vào nghiên cứu "như con thiêu thân". Và hành trình của "ông hoàng vật lý" bắt đầu.
Từ bệnh nhân bại liệt đến "ông hoàng vật lý"
Cứ như thế, năng suất làm việc của Stephen Hawking tăng vọt và nhiều thành tựu mang tính đột phá ra đời. Ông đã phát triển giả thuyết cho rằng các hố đen xuất hiện sau Vụ nổ lớn (Big Bang) và khẳng định có một loại bức xạ thoát ra từ những ngôi sao chết.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho chúng là "bức xạ Hawking". Công trình nghiên cứu về hố đen trong vũ trụ đã đưa ông lên hàng "ông hoàng" của vật lý lý thuyết. Cũng như những nhà vật lý khác, ông dấn thân trên con đường tìm hiểu bản chất của vũ trụ và nỗ lực theo đuổi "dự án" tìm ra một lý thuyết thống nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa thuyết tương đối của Albert Einstein và thuyết lượng tử. Người ta nhận ra rằng, trong cuộc chiến cam go với bệnh tật, ông có một sức mạnh phi thường để tiếp tục sống và suy luận.
Ông được mệnh danh là một người phi thường. Trong cuốn sách "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ", Stephen Hawking đã mượn lời của Hamlet, ví mình như vị hoàng tử bất bình vì sự tầm thường của thế giới quanh mình, ông viết: "Dù có bị giam hãm trong vỏ hạt dẻ, ta vẫn tự coi mình là chúa tể của không gian vô tận".
Đúng như lời ông nói, Stephen Hawking kiên cường sống mặc dù bệnh tật hết lần này đến lần khác hành hạ ông. Trong một lần bị cảm lạnh, Stephen liên tục bị ho và các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi nặng. Khi phát hiện, tình hình đã không thể cứu chữa được và ông phải thở ô xy. Để giữ lại mạng sống cho Stephen Hawking, các bác sĩ buộc phải giải phẫu cắt khí quản. Một lần nữa, Stephen lại chiến thắng thần chết nhưng đổi lại, ông mất đi giọng nói của mình.
Gia đình và bạn bè làm mọi cách để giúp Stephen giao tiếp với mọi người. Và một thiết bị đặc biệt dành riêng cho ông ra đời. Đó là máy tổng hợp tiếng nói. Chiếc máy có một màn hình với bảng chữ cái, Hawking chọn chữ mình cần dùng bằng cách nhìn chằm chằm màn hình, và cứ như thế, lần lượt ghép thành từ, máy tiếp nhận thông tin và phát thành âm thanh. Stephen Hawking nhẫn nại giao tiếp như thế, nửa tiếng chỉ nói được một câu. Với một sự kiên nhẫn dường như vô hạn, ông không những nói chuyện mà còn viết sách bằng chiếc máy đó.
Người ngoài không thể tưởng tượng được khó khăn của Hawking và ông phải có nghị lực, dũng khí lớn đến chừng nào để khắc phục những khó khăn ấy. Lúc nào ông cũng cần phải có người ở bên cạnh giúp đỡ, từ những sinh hoạt nhỏ nhất như ngồi dậy, ăn cơm hay lật trang khi đọc sách.
Stephen Hawking trở thành một biểu tượng, tuy cơ thể bất động ngồi trên chiếc xe đẩy công nghệ cao, đầu ngoẹo về một bên nhưng đôi mắt luôn tinh anh sắc lẹm. Người ta không hiểu sức mạnh nào đã giúp cho Hawking sống qua chừng ấy năm, không ngừng nghiên cứu, để rồi trở thành nhà bác học vĩ đại của thế giới. Công trình nghiên cứu bức xạ của lỗ đen được giới khoa học hết sức khen ngợi và đánh giá cao.
Ông đã được trao 12 bằng danh dự, rất nhiều giải thưởng, huân chương, là thành viên của Hội đồng Hoàng gia Anh và Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ông đã giữ chức "giáo sư Lucasian", chức danh dành cho giáo sư toán học của đại học Cambridge, vị trí trước đây dành cho Newton.
Hawking nhớ lại: "Trước khi mắc bệnh, tôi là một người chậm chạp và hay chán đời". Bước vào tuổi thanh xuân, cái tin mình bị bệnh đã khiến ông "chẳng còn thiết gì nữa". Nhưng giờ đây ông lại tin rằng mình đang "hạnh phúc hơn bất kỳ lúc nào trong thời gian 20 năm không bệnh tật". Hawking thường xuyên nhận được câu hỏi: "Ông cảm thấy thế nào về căn bệnh của mình?".
Câu trả lời của nhà bác học là: "Không thấy gì nhiều. Tôi cố gắng sống càng bình thường càng tốt, không nghĩ về hoàn cảnh của mình, không nuối tiếc những việc mà bệnh tật đã khiến tôi không thể làm được".
Hawking khẳng định: "Rõ ràng có nhiều người còn khổ hơn tôi... Mỗi khi sắp sửa có ý than thân trách phận, tôi lại nghĩ đến điều đó".
Thanh Xuân