Chứng khoán chao đảo vì tin đồn: Liều thuốc giải nào hữu hiệu?

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 2, 11/04/2022 17:22

Tài sản của Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn hao hụt hơn 1.540 tỷ đồng khi GEX bị bán tháo do văn bản lan truyền trên mạng về việc thanh tra phát hành trái phiếu.

Nhiều nhóm cổ phiếu bất ngờ bị bán tháo trong tuần qua ngay cả khi tình hình kinh doanh vẫn ổn định sau loạt tin đồn liên quan đến nghi án thao túng giá, thanh tra trái phiếu...

Cổ phiếu nằm sàn vì tin đồn

Tuần qua, mặc dù doanh nghiệp liên quan đến đại gia Nguyễn Văn Tuấn công bố nhiều thông tin tích cực nhưng cổ phiếu liên quan đến ông Tuấn lại lao dốc mạnh do những tin đồn bất lợi lan truyền trên mạng xã hội, các hội nhóm chứng khoán.

Cụ thể, sáng ngày 8/4, Công ty Cổ phần Dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi, mã chứng khoán: CAV) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 theo hình thức trực tuyến. HĐQT của Cadivi đã thống nhất bầu ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Ông Tuấn còn nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác như Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera (mã chứng khoán: VGC), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh S.A.S-CTAMAD (đơn vị chủ đầu tư của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội).

Ngược lại với kế hoạch kinh doanh khả quan, cổ phiếu GEX của Gelex có 4 phiên liền giảm giá, riêng phiên 8/4 giảm sàn. 4 phiên giảm vừa qua đã khiến thị giá mã này mất 6.800 đồng/cổ phiếu, giảm 16,65% so với đầu tuần. Cổ phiếu VIX của Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX cũng giảm sàn phiên 8/4 và giảm 4 phiên với tổng mức giảm 4.000 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 16,39%.

Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán chao đảo vì tin đồn: Liều thuốc giải nào hữu hiệu?

Nhiều cổ phiếu nằm sàn, trắng bên mua sau thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. (Ảnh: SSI)

Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện sở hữu 58 triệu cổ phiếu VIX (chiếm tỉ lệ 10,56% cổ phần doanh nghiệp) và 192,3 triệu cổ phiếu GEX (chiếm tỉ lệ 22,58%). Với mức giảm của cổ phiếu trong 4 phiên qua, tài sản của ông Tuấn bị thiệt hại xấp xỉ 1.540 tỷ đồng.

Ngoài ra, cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - CTCP có 2 phiên giảm sàn trên 4 phiên giảm, tổng mức giảm trong 4 phiên vừa qua là 12.500 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 18,83%.

Ngoài nhóm cổ phiếu "họ Gelex", nhiều cổ phiếu nhóm ngành khác cũng bị bán mạnh. Một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc thanh tra phát hành trái phiếu cũng khiến nhiều cổ đông hoang mang. Cụ thể, các hội nhóm chứng khoán lan truyền văn bản từ năm 2021 về kế hoạch thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán… Phiên cuối tuần trước (8/4), nhiều cổ phiếu nằm trong diện tin đồn bị bán tháo, BCG của Bamboo Capital, KBC của Kinh Bắc, HTN của Hưng Thịnh Incons, HSG của Hoa Sen cũng giảm sàn… 

Tập đoàn Hoa Sen thậm chí nhận được nhiều email của cổ đông tìm hiểu rõ việc liệu doanh nghiệp nằm trong diện thanh tra trái phiếu không. Hoa Sen sau đó phản hồi rằng văn bản lan truyền và văn bản không chính thống. Ngoài ra, doanh nghiệp này thậm chí không phát hành trái phiếu. 

Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán chao đảo vì tin đồn: Liều thuốc giải nào hữu hiệu? (Hình 2).

Tập đoàn Hoa Sen khẳng định các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tuân thu quy định pháp luật trước văn bản không rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng xã hội.

Từ trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền nhiều tin đồn liên quan đến việc tân Chủ tịch Đặng Tất Thắng của Tập đoàn FLC đăng ký mua 100 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 1/4. Tin đồn dù không được kiểm chứng do không có văn bản nào có đống dấu của cơ quan chức năng song cũng giúp FLC khớp lệnh đột biến hơn 100 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, Tập đoàn FLC nhanh chóng ra văn bản làm rõ đây chỉ là thông tin thất thiệt. Hiện, FLC và các cổ phiếu cùng hệ sinh thái đều đang giảm về dưới mốc tham chiếu. 

Các vụ án liên quan Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC hay Tân Hoàng Minh… rầm rộ thị trường gần đây chính là chất xúc tác cho các tin đồn về việc cơ quan chức năng sẽ khởi tố thêm các cá nhân có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Kết thúc phiên cuối tuần trước (1/4), chứng khoán dừng tại mốc 1.516 điểm, tăng tới 24 điểm trong phiên. Song, đến hết tuần, chứng khoán đã mất mốc 1.500 điểm và dừng tại mốc 1.482 điểm. Trong đó, 2 phiên cuối tuần mỗi phiên đều giảm 20 điểm - mức giảm mạnh nhất một tháng trở lại đây. 

Những thông tin này cũng khiến thanh khoản thị trường giảm điểm. Cụ thể, trong tuần diễn biến tiêu cực vừa rồi, tổng giá trị giao dịch bình quân thị trường đạt khoảng 30.837 tỷ đồng/phiên, giảm gần 7% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân trên HoSE là 28.765 tỷ đồng/phiên, cũng thấp hơn 5%. Điều này đi ngược với số tài khoản mở mới mà Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VDS) mới đây đã công bố. Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua, đã có 270.011 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Con số này cao hơn 43.600 tài khoản so với kỷ lục cũ hồi tháng 12/2021 với 226.390 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới.

Tính chung cả 3 tháng đầu năm nay, các cá nhân trong nước đã mở mới 675.081 tài khoản giao dịch chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Dù tài khoản cá nhân tăng mạnh song thanh khoản lại đang sụt giảm. 

Vì sao tin đồn có "đất sống"?

Theo phân tích của ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT, người từng là Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tin đồn có "đất sống" phần lớn bởi thị trường có môi trường tốt cho chúng tồn tại.

Thứ nhất về luật, đó chính là quy định về công bố thông tin tại thông tư 96/2020/TC-BTC. Thông tư này quy định rất rõ nhưng dường như chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng.

Thứ hai, khía cạnh trọng yếu và trách nhiệm hơn thuộc về bộ phận Quan hệ nhà đầu tư của đơn vị niêm yết. Bộ phận này nhiều năm qua vẫn chưa được các công ty nhìn nhận trọng yếu và thái độ ứng xử còn hời hợt. Đây là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh, làm tốt sẽ ghi điểm và tối ưu hoá được nhiều giá trị từ phía ban lãnh đạo, cũng như nhà đầu tư.

"Chỉ cần một hành động công bố thông tin trên các cổng thông tin của doanh nghiệp như fanpage, website thì mọi chuyện đâu sẽ vào đó", ông giải thích.

Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, các tin đồn gần đây không những là thiệt hại riêng của những doanh nghiệp này mà còn chỉ ra những mặt cần cải thiện về luật, về quản trị doanh nghiệp, về công tác truyền thông của doanh nghiệp.

Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán chao đảo vì tin đồn: Liều thuốc giải nào hữu hiệu? (Hình 3).

Chứng khoán mất mốc 1.500 điểm sau 2 phiên giảm mạnh do thị trường xuất hiện nhiều tin đồn liên quan tới việc thanh tra hoạt động trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: FireAnt) 

Còn theo ông Nguyễn Khoa Bảo, Trưởng phòng tư vấn Chứng khoán VPS, khi có tin đồn thất thiệt trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải là đơn vị đầu tiên đưa ra thông tin chính xác bằng cách cải chính, phản bác hoặc cung cấp thông tin. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn và tránh ảnh hưởng đến tâm lý.

“Nếu muốn kiểm soát được tin đồn trên sàn chứng khoán, trước hết các doanh nghiệp cần thực hiện nhiệm vụ minh bạch thông tin của mình”, ông nói.

Đặc biệt, nhà đầu tư phải tỉnh táo trước những thông tin này. Nếu một thông tin chưa được xác nhận, chưa có đơn vị báo chí, truyền thông uy tín nào đăng tải… thì chưa chắc đã là sự thật. Nếu hoang mang và bán tháo thì người thiệt hại chính là nhà đầu tư.

Khi doanh nghiệp vướng phải một tin đồn không đúng sự thật và có chẳng may bị bán tháo, họ sẽ sớm vực lại và cổ phiếu sẽ tăng lại nhanh chóng sau khi thông tin được đính chính. "Việc bán tháo sẽ khiến nhà đầu tư bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tương lai. Còn nếu lỡ bán rồi phải quay lại mua đuổi cổ phiếu chỉ khiến tốn thêm chi phí giao dịch và chi phí cơ hội", ông Bảo nhận định.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an - người phát ngôn Bộ Công an hôm 8/4 cho biết, thời gian gần đây, dư luận quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Xử lý nghiêm người tung tin thất thiệt về thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án trên, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, được cho là vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản), thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội; xuất hiện những bình luận, chia sẻ cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp này, tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam, gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.