Bất chấp sức ép từ cung ngoại, đà tăng của VNM tiếp tục được nới rộng nhờ dòng tiền tham gia tích cực. Đóng cửa, VNM đã tăng 3,95% với khối lượng khớp lệnh 2,86 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 561 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng 0,46 triệu cổ phiếu VNM. Đây cũng là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường trong phiên này. Tuy nhiên VNM chỉ cộng được 0,54% điểm tăng cho VN-Index.
Trong khi đó, GAS thêm tới 4 bước giá so với cuối phiên sáng, đóng cửa giảm 5,15%. Cổ phiếu này lấy đi khỏi VN-Index tới 2,9 điểm hay gần 0,5%. Mã ROS chỉ giảm thêm 1 bước giá so với phiên sáng và tổng cộng giảm 6,69%, lấy đi 0,27% điểm của VN-Index.
Một trong những nguyên nhân làm cho cổ phiếu GAS giảm sâu là do giá dầu thế giới đang giảm lại do thỏa thuận OPEC đứng trước thất bại.
Ngoài ra còn có VCB giảm 1,41%, VIC giảm 2,35%, MSN giảm 2,03%, BID giảm 3,18%, CTG giảm 0,31%, BVH giảm 2,01%, HPG giảm 0,86%. Đây chính là những nhân tố chính đã tạo gánh nặng đối với VN-Index.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều, VN-Index giảm 7,03 điểm (-1,06%) xuống mức 658,26 điểm với 77 mã tăng, 144 mã giảm và 78 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 117 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 2.536,11 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,6 triệu đơn vị, giá trị 292,29 tỷ đồng.
Tại sàn Hà Nội, KLF đã có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp nhưng không gây được nhiều ảnh hưởng, chỉ số HNX-Index đóng cửa giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống còn 80 điểm với 63 mã tăng, 87 mã giảm và 194 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt gần 31,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 304,41 tỳ đồng. Giao dịch thỏa thuận trong phiên đạt khá cao với khối lượng đạt 17,82 triệu đơn vị, giá trị 302,22 tỷ đồng, trong đó, riêng ACB thỏa thuận 9,48 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, đóng góp hơn 199 tỷ đồng.
Khải Trung