Chứng khoán sẽ còn lao dốc?
Chốt phiên giao dịch chiều ngày 29/10, VN-Index giảm 12 điểm (tương đương 1,33%), xuống 888,8 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm 6,63 điểm (0,75%) còn 874,4 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm lần lượt 0,61% và 0,37%.
Phiên giảm điểm ngay đầu tuần đánh dấu phiên thứ 8 liên tiếp thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Mất hơn 80 điểm (tương đương gần 9%) chỉ trong gần 2 tuần, VN-Index đã chạm mốc thấp nhất hơn 3 tháng khi về dưới 890 điểm.
Thay vì các dự báo phục hồi, nhiều công ty chứng khoán có phần bi quan hơn khi cho rằng diễn biến hiện tại của thị trường đang cho thấy nhiều rủi ro. Nhiều dự báo trong ngắn hạn, thậm chí cho rằng VN-Index có thể giảm về mức thấp hơn nữa.
Nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ thời điểm đầu năm 2018, ông đã có dự đoán TTCK sẽ lao dốc và xoay quanh ngưỡng 900 điểm, mặc dù TTCK đầu năm đang trên đà khởi sắc.
Theo vị chuyên gia, sở dĩ ông dự đoán như vậy bởi TTCK Việt Nam vốn không ổn định, nó phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế.
Ông nói: “Nguồn vốn nước ngoài ra - vào thị trường nước ta rất nhanh qua những biến động quốc tế, đặc biệt như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động rất lớn đến TTCK.
Thực tế những nhà đầu tư ngoại vào chứng khoán Việt Nam có lượng tiền rất lớn, trong khi họ đầu tư chính ở thị trường truyền thống và khi có lãi họ sử dụng lãi suất đó đầu tư sang thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Khi TTQT có biến động họ sẽ bán tháo cổ phiếu ở TT Việt Nam để bù lại thị trường truyền thống. Vì vậy mặc dù nền kinh tế vĩ mô trong nước rất khả quan, từ xuất nhập khẩu đến kiểm soát lạm phát của nước ta rất tốt nhưng yếu tố quốc tế này khiến chứng khoán Việt Nam lao dốc.
Nhận định về ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam sẽ còn lao dốc, ông Hiếu cho rằng:“ Thị trường từ giờ đến cuối năm sẽ xoay quanh ngưỡng 900 điểm, bởi nhà đầu tư nội rất tin tưởng vào thực lực cũng như chiến lược vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại cũng đã nhìn ra điều đó. Vì họ có chiến lược toàn cầu nên việc rút vốn, chuyển vốn sẽ tác động đến TTCK Việt Nam. Từ những nhận định trên, tôi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ không xuống thêm nữa”, ông Hiếu phân tích.
Nhà đầu tư nên dồn tiền vào đâu?
Bức tranh kinh tế trong thời gian cuối năm đang thiếu màu sắc tăng trưởng. Khi TTCK có hướng lao dốc, vàng và ngoại hối bấp bênh hay bất động sản (BĐS) cũng ảm đạm trong giai đoạn gần cuối năm. Vậy những nhà đầu tư nên chọn kênh đầu tư nào để đồng vốn của mình trú ẩn an toàn thời gian tới.
Nhận định về những hướng đầu tư giai đoạn cuối năm 2018, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Theo xu hướng vào cuối năm, giá vàng, đô la sẽ có xu hướng đi lên, còn chứng khoán rất khó đoán định. Kênh tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất hiện nay ở mức 7% không quá mặn mà nhưng vẫn là kênh đầu tư an toàn và chấp nhận được.
Với thị trường BĐS thì dành cho những người có nguồn vốn lớn, tuy nhiên thị phần căn hộ cao cấp đã chững lại khi cung đã vượt cầu, nếu đầu tư vào thị trường BĐS thì nên tập trung vào những dự án căn hộ hạng trung và sử dụng được ngay”.
Đồng ý với những nhận định trên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá ngoại hối cuối năm cũng được dự đoán sẽ tăng, tuy nhiên không đáng kể. Việc đầu tư vào TTCK cuối năm nay sẽ rất khó dự đoán, nên những nhà đầu tư vào thị trường này cần có chiến lược và sự cẩn trọng cao. Để hướng tới sự an toàn thì ngân hàng vẫn là kênh phù hợp nhất.