Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, VN-Index giảm hơn 48 điểm, tương ứng giảm 4,84% xuống 945,89 điểm.
Phiên giảm mạnh này dẫn đến vốn hóa sàn Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) bị bốc hơi 153,5 nghìn tỷ đồng.
Chỉ riêng 10 cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường lớn nhất đã mất 90.400 tỷ đồng. Bao gồm cổ phiếu của Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Masan (MSN), ngân hàng Ngoại thương (VCB), ngân hàng Công Thương (CTG), tổng công ty Khí Việt Nam (GAS)...
Riêng 4 cổ phiếu có vốn hóa giảm trên 10.000 tỷ là GAS (giảm 16,1 nghìn tỷ đồng), VCB (giảm 14,4 nghìn tỷ đồng), VHM (giảm 12 nghìn tỷ đồng) và VIC (giảm 11,5 nghìn tỷ đồng).
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm trên 5% (tức lớn hơn mức giảm VN-Index) là: GAS, MSN, VPB, CTG và BID giảm sàn; VCB, VRE, TCB, PLX giảm trên 6%, FPT giảm 5,7%...
Trên sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 chỉ số HNX Index và Upcom Index giảm lần lượt 5,79% và 3,59%, tương ứng vốn hóa thị trường giảm tổng cộng 10,5 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu chủ chốt của sàn HNX là ACB giảm 7,7% là nguyên nhân chính dẫn đến việc HNX Index giảm sâu hơn hẳn VN-Index.
Như vậy tổng cộng vốn hóa của 2 sàn niêm yết cùng với Upcom đã giảm tổng cộng 164,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 7,2 tỷ USD.
Biến động của thị trường chứng khoán đã khiến nhiều tỷ phú, đại gia Việt bị bốc hơi tài sản. Chủ tịch hãng bay Vietjet- nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mất hơn 500 tỷ đồng, tỷ phú Trần Đình Long của tập đoàn Hòa Phát cũng bay mất 800 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, mất nhẹ 38 tỷ đồng. Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC mất khoảng 6 tỷ đồng...
Theo nhận định của các chuyên gia thì thị trường đang bị ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư nội từ những lo ngại của thị trường chứng khoán với hàng loạt cổ phiếu công ty công nghệ lớn bị bán tháo, chứ nội tại nền kinh tế Việt Nam đang rất tốt.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty Chứng khoán SSI, cho biết trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam vẫn hưởng lợi nhiều nhất. Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên 11-10 do nhà đầu tư có tâm lý rất tiêu cực.
Điều đáng ngại nhất là gần một ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,15% kéo theo việc mất điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, giới phân tích vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành tập đoàn VinaCapital - cũng đánh giá đây là do ảnh hưởng thị trường thế giới, còn nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn tốt, không chi phối thị trường chứng khoán. Các bệ đỡ như GDP tăng trưởng trên 6%, tỉ giá ổn định, nguồn vốn FDI giải ngân mạnh 12-14 tỉ USD, dự trữ ngoại hối trên 60 tỉ USD...
“Hiện nay khối lượng công ty trên sàn rất lớn, riêng sàn TP.HCM đã hơn 365 doanh nghiệp, còn hồi năm 2007 chỉ chưa đầy 100 công ty nên khả năng thị trường xuống mạnh là không cao” – ông Ho nói.
Hoàng Yến