Hôm 25/2, chứng khoán thế giới tăng điểm nhưng giá hợp đồng tương lai của Mỹ lại sụt giảm, trong bối cảnh quân đội Nga tiến về Thủ đô của Ukraine. Các nhà đầu tư tỏ ra nhẹ nhõm khi những lệnh trừng phạt chống lại Nga không nghiêm trọng như trước.
Điểm chuẩn thị trường ở London, Paris, Tokyo và Thượng Hải tăng nhưng tại Hồng Kông ghi nhận giảm. CAC 40 của Pháp tăng 0,6% trong phiên giao dịch sớm lên 6.562,96, trong khi DAX của Đức tăng 0,2% lên 14.083,92. FTSE 100 của Anh đã tăng 1,2%, lên 7.295,52.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 điểm chuẩn của Nhật Bản tăng 2,0% kết thúc ở mức 26.476,50. S&P/ASX 200 của Australia đóng cửa cao hơn 0,1% ở mức 6.997,80. Kospi của Hàn Quốc tăng 1,1% lên 2.676,76. Hang Seng của Hồng Kông mất 0,6% xuống còn 22.767,18, trong khi Shanghai Composite tăng 0,6% lên 3.451,41.
Tuy nhiên hợp đồng tương lai của Mỹ đối với chỉ số S&P 500 chuẩn giảm 1,2% trong khi hợp đồng cho các chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thấp hơn 1%. Bà Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia tại Ngân hàng Swissquote Bank SA, cho biết: “Sáng nay, hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ lại chìm trong sắc đỏ. Không thể đoán trước được chỉ trong năm phút tiếp theo thị trường sẽ diễn biến theo hướng nào. Điều duy nhất chúng ta biết là có sự không chắc chắn, thật không may là điều này sẽ còn xảy ra trong vài phiên tới”.
Trong giao dịch tiền tệ, đồng USD đã giảm xuống còn 115,25 yên Nhật, từ mức 115,48 yên. Đồng euro tăng lên 1,1189 USD, tăng từ mức 1,1204 USD. Đồng Rúp của Nga giảm 1,5%, còn 83,75 Rúp so với USD
Giá dầu thô chuẩn của Mỹ đã tăng 59 cent lên 93,40 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên New York Mercantile Exchange. Dầu thô Brent, cơ sở cho giá dầu quốc tế, đã tăng 1,08 USD lên 96,50 USD/thùng.
Giá năng lượng ở châu Âu đã tăng nhiều hơn so với Mỹ, do các nền kinh tế tại châu lục này có mối quan hệ với Nga và Ukraine chặt chẽ hơn. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 50% lên mức cao nhất trong hai tháng, sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung.
Sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine đã dẫn tới một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính mới, với mục tiêu nhằm cản trở nước Nga trong dài hạn. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu đã không thực hiện một biện pháp “mạnh tay” là loại Nga khỏi hệ thống viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế SWIFT.
Nhật Bản hôm 25/2 cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm đóng băng tài sản của các tập đoàn, ngân hàng và cá nhân Nga. Nước này cho biết sẽ đình chỉ xuất khẩu chất bán dẫn và những hàng hóa quan trọng khác cho các tổ chức liên kết quân sự ở Nga.
Vào đầu tuần, Nhật Bản đã đình chỉ các đợt phát hành mới và phân phối trái phiếu chính phủ Nga tại nước này, nhằm giảm bớt cơ hội cấp vốn cho Nga. Nước Nhật cũng ban bố cấm giao thương với hai khu vực ly khai tại Ukraine. Phần lớn nguồn năng lượng của Nhật Bản phụ thuộc nhập khẩu, tuy nhiên lượng mua từ Nga rất hạn chế.
Nga và Ukraine là những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ngũ cốc, năng lượng và một số mặt hàng khác. Những xung đột giữa hai quốc gia đã đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng lên. Theo đó, giá năng lượng và thực phẩm cao đang làm dấy lên những quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm áp dụng các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” lạm phát. Vào tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm qua.
Phạm Hà Thanh (theo AP, Reuters)