Đi không nói và không suy nghĩ
Mỗi buổi sáng, sau thời công phu, đại chúng được nhắc nhở là trong suốt ngày, mỗi khi đi thì không nói năng và suy nghĩ mà phải thực tập tiếp xúc với đất Mẹ với tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Lời nhắc nhở như sau, được đọc bằng tiếng Anh và tiếng Việt: “Đất Mẹ đang có mặt dưới chân chúng ta. Xin đại chúng khi đi đem hết thân tâm một trăm phần trăm đầu tư vào mỗi bước chân, để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để được nuôi dưỡng và trị liệu, không nói năng cũng không suy nghĩ.Nếu cần nói một điều gì hay nghe một điều gì thì xin dừng lại để nói và để nghe trước khi đi tiếp. Xin toàn thể đại chúng thực tập và yểm trợ cho sự thực tập này.”
Ăn cơm cũng không suy nghĩ
Vào bữa cơm trưa, trước khi đọc năm lời quán nguyện (Ngũ quán), đại chúng cũng được nhắc nhở là trong khi thọ trai đừng nên suy nghĩ mà chỉ chú tâm tới thức ăn tặng phẩm của đất trời và tới tăng thân đang có mặt cho mình trong buổi ăn. Đây là lời mở đầu cho năm quán: “Ngoài đời, thiên hạ cũng biết tắt máy truyền hình mỗi khi ăn cơm. Xin mọi người trong đại chúng cũng tắt đài phát thanh NST (Non-Stop Thinking, suy nghĩ liên miên không ngừng) trong đầu để có thể có mặt thực sự trong bữa ăn của đại chúng. Chúng ta sẽ ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi, tình huynh đệ và hạnh phúc trong khi ăn.”
Mỗi khi ăn cơm, ta cũng quán chiếu từng miếng cơm ta nhai là để nuôi sống tổ tiên và con cháu trong ta. Ta ăn cho tổ tiên, cho bố mẹ, cho con cháu, cho Bụt và cho Tổ.
Lạy và đi với tổ tiên và con cháu
Về thực tập địa xúc (thiền lạy), đại chúng được nhắc nhở mỗi khi lạy xuống thì không nên chỉ lạy xuống với tư cách một cá nhân mà nên lạy xuống như một dòng họ, có đủ tổ tiên tâm linh và huyết thống cũng như có đủ con cháu tâm linh và huyết thống. Như vậy trong khi lạy mình tiếp xúc được tự tính vô ngã trong thân tâm mình. Khi đi cũng vậy, mình có thể quán chiếu là mình bước đi một lần với tất cả tổ tiên và con cháu tâm linh và huyết thống. Ta có thể đi bằng chân của Bụt, của Tổ, của ông bà cha mẹ và con cháu chúng ta. Ta có thể bước như thế nào để tất cả giòng họ đều được tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để tất cả được nuôi nấng và trị liệu trong từng bước chân. Sáng nào sau khi ngồi thiền, đại chúng cũng có thực tập địa xúc, sử dụng Sám Pháp Địa Xúc và lạy xuống trong tuệ giác vô ngã.
Hình hài là một cọng đồng
Trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ta phải thấy hình hài ta là hình hài tổ tiên và con cháu ta. Phải thấy cái mà ta thường nghĩ rằng ta chính là một cọng đồng của các tế bào cơ thể đang sống chung, có cả hàng trăm tỷ tế bào như thế, không những là tế bào con người mà là tế bào của hàng tỷ sinh vật đơn tế bào đang sống chung trong cơ thể ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa trong đó có những loài rất cần thiết cho sự sống của cơ thể.
Mỗi khi nhìn một người khác đang ngồi trước mặt hoặc đang từ xa đi tới, ta cũng có thể quán chiếu để thấy người ấy không phải là một cá nhân, mà là cả một dòng họ, một đất nước, một dân tộc. Thấy được như thế thì ta mới thực sự thấy được người ấy, mới tiếp xúc được tự tính vô ngã của người ấy, mới thấy được những tài năng của người ấy, những tài năng mà tổ tiên người ấy đã trao truyền cho người ấy mà nhiều khi chính người ấy cũng không nhận diện được. Thấy được như thế ta mới có thể giúp cho người ấy vượt được mọi mặc cảm, trong đó có mặc cảm thua người, hơn người hoặc bằng người. Thực tập nhìn ta và nhìn người như thế, ta có cơ hội chứng đạt được chân lý vô thường và vô ngã. Vô thường và vô ngã không còn là những ý niệm để học hỏi nữa mà đã trở thành tuệ giác đích thực có thể giải phóng cho ta và cho người.
Mùa Đông năm nay nhờ thực tập theo những chỉ dẫn nói trên cho nên năng lượng thực tập của đại chúng khá hùng hậu và có rất nhiều hiện tượng chuyển hóa và trị liệu đã xảy ra trong đại chúng.
Ta có hiểu lầm Bụt không?
Khóa mùa Đông này có đề tài là “Chúng ta có phải là tri kỷ của Bụt không?” Ta biết không những người ngoài đạo Bụt hiểu lầm Bụt mà trong chính hàng đệ tử Bụt cũng có rất nhiều người hiểu lầm Bụt. Có thể nói là đa số đã hiểu lầm Bụt. Không những nhiều thành phần trong sáu phái triết học đương thời hiểu lầm rằng Bụt chủ trương thuyết hư vô hoại diệt mà chính nhiều vị trong hàng đệ tử xuất gia của Người cũng đã hiểu lầm như thế. Ví dụ thầy Yamaka (Diệm Ma Ca) chẳng hạn. Kinh Tương Ưng Bộ (S. III 109) có ghi chuyện thầy Yamaka. Thầy này tin rằng một vị xuất gia thành đạo giải thoát rồi thì khi chết đi không còn gì còn lại nữa, nghĩa là đoạn diệt hoàn toàn. Một số các thầy khuyên thầy Yamaka nên buông bỏ tà kiến ấy nhưng thầy cứng đầu, không chịu, tin rằng kiến giải của thầy là trung thực với kiến giải của đức Thế Tôn. Sau cùng nhờ thầy Xá Lợi Phất khai thị thầy mới chịu buông bỏ tà kiến đoạn diệt ấy.
Tín ngưỡng luân hồi, nghiệp và quả báo có trước khi Bụt ra đời
Trong khóa tu mùa Đông năm nay, đại chúng đã được học rằng các tín ngưỡng luân hồi, nghiệp và quả báo đã có sẵn trong vài bộ Áo Nghĩa Thư (Upanishads) trước khi Bụt ra đời. So với tín ngưỡng Vệ Đà, tín ngưỡng Áo Nghĩa Thư đã là vượt bực lắm rồi, bởi vì trước đó, người ta chỉ tin vào sức cứu độ của thần linh và của sự cúng tế cùng chú thuật. Tin vào nghiệp và báo tức là không còn tin vào thần linh nữa. Tin vào luật nhân quả có tính cách lý trí và khoa học hơn. Bụt đã chấp nhận tín ngưỡng luân hồi, nghiệp và báo nhưng trong giáo lý của Bụt không có một cái ngã (atma), một linh hồn bất diệt đi luân hồi, tạo nghiệp và thọ báo. Tín ngưỡng của đạo Bụt về luân hồi, nghiệp và quả báo như thế rất khác với tín ngưỡng luân hồi, nghiệp và quả báo của truyền thống Bà La Môn. Nếu mình còn tin ở một linh hồn bất tử tạo nghiệp, thọ báo và đi luân hồi, thì niềm tin ấy không thật sự là một niềm tin Phật giáo.
Pháp ấn phải có Niết bàn
Điều thứ hai đại chúng được học là trong ba Pháp ấn của đạo Bụt phải có Pháp ấn Niết bàn. Nhiều vị kinh sư của Thượng tọa bộ đã bị ám ảnh bởi ý niệm về khổ cho nên đã thay thế Pháp ấn Niết bàn bằng Pháp ấn Khổ. Kinh Chiên Đà (Channa), kinh 262 của bộ Tạp A Hàm, còn giữ lại được nguyên vẹn công thức của ba Pháp ấn: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh (anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam). Công thức này được lặp lại tới năm lần trong kinh này. Kinh Channa của tạng Pāli cũng nói tới chuyện thầy Channa đi cầu Pháp, nhưng đã bỏ mất Pháp ấn thứ ba là Niết bàn, tuy nhiên không dám thêm vào pháp ấn Khổ, sợ nói nếu tất cả các pháp đều là Khổ thì như thế là vơ đũa cả nắm, cho các pháp Tứ diệu đế, Bát chánh đạo v.v... của Bụt cũng là Khổ. Đó là lời giải thích về sau của các tổ Thượng tọa bộ.
Tam Pháp ấn là ba dấu ấn rất quan trọng trong Phật pháp. Thiếu Pháp ấn thứ ba là Niết bàn thì giáo lý không thể đích thực là giáo lý của Bụt. Trên bình diện Tích môn ta thấy có sinh có diệt, có có có không, có người tạo nghiệp có người thọ báo, có pháp hữu vi có pháp vô vi, nhưng trên bình diện Bản môn thì ta phải thấy được tự tính của các pháp là không sinh không diệt, không có không không, không tác giả không thọ giả, không hữu vi cũng không vô vi. Đó là lời Bụt dạy trong các kinh Ưu Đà Na và Như Thị Ngữ: có cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành. Thật tướng của các pháp là vô thường và vô ngã nhưng thật tướng của các pháp cũng là Niết bàn, do đó Niết bàn có thể tìm thấy trong sinh tử chứ không phải ngoài sinh tử. Truyền thống Bắc tông còn giữ lại được ba pháp ấn nguyên vẹn, và chính bộ Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ cũng xác nhận ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Chính công phu quán chiếu về Vô thường và Vô ngã đưa tới sự tiếp cận Niết bàn tức là thể tính bất sinh bất diệt của vạn pháp.
Vô thường không làm ra khổ
Tứ diệu đế bắt đầu bằng xác nhận sự có mặt của khổ đau, nhưng không phải Tứ diệu đế chỉ nói về khổ đau. Sự thực (đế) thứ ba là Diệt, có nghĩa là sự vắng mặt của khổ đau (nirodha) cũng có nghĩa là sự có mặt của sự lắng dịu và của hạnh phúc, kể cả hạnh phúc của Niết bàn. Nhưng cái ám ảnh về Khổ đã làm khuất lấp sự thực ấy, cho đến nỗi người ta có khuynh hướng cho tất cả là Khổ, quên mất trong cái tất cả ấy có Bụt, có Pháp, có Tăng, có con đường đi về Niết bàn an lạc. Những cái ấy đâu phải là khổ cho nên nói tất cả là vô thường vô ngã thì đúng mà nói tất cả là Khổ là không đúng. Cái ám ảnh này do thái độ giáo điều cố chấp mà có. Nó đi cả vào trong kinh văn và trong phép hành trì. “Đạo nhân thanh cố khởi” nghĩa là nếu thành đạo được cũng do mình lặp đi lặp lại cái công thức “idam dukkhan ti”, “cái này là khổ, cái này là khổ.” Phải than khổ như thế nhiều lần trong ngày thì mới mong thấy được con đường Bát chánh đạo. Vì vậy khổ là thức ăn nuôi Bát chánh đạo (dukkhāhāro maggangam magg- apariyantan ti).
Vô thường là nguyên do của khổ đau. Sự thực không phải như vậy. Vô thường có thể là nguyên do của giải thoát, của an lạc, của hạnh phúc. Thử hỏi: nếu không có vô thường thì hạt bắp làm sao trở thành được cây bắp cho ta có trái ăn? Nếu không vô thường thì một người có bệnh không bao giờ được chữa lành, một chế độ độc tài không bao giờ được trở nên dân chủ, một phiền não không bao giờ được chuyển hóa để trở thành một bồ đề. Nguyên do của cái khổ không phải là vô thường mà là cái tri giác sai lầm của ta về sự vật: sự vật vô thường mà ta cứ cho chúng là thường cho nên ta khổ. Uẩn, xứ và giới là vô thường và vô ngã, nhưng vì chúng ta cho chúng là thường, vì chúng ta vướng mắc vào chúng cho nên chúng ta khổ. Nói vô thường là nguyên do của khổ đau là vu oan cho Bụt. Vô thường là một cái thấy giúp ta tiếp cận được với vô ngã, với duyên sinh và sau đó với Niết bàn. Vô thường rất mầu nhiệm. Đó là một ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Nó là cứu tinh của ta.
Sắp lại cho gọn
Trong ánh sáng của những điều kể trên, ta có thể trình bày lại đơn giản hơn giáo lý Mười hai chi để có thể tương ứng với Không như sau:
Vô minh
Hành
Thức
Danh sắc
Khổ Lạc Thọ
Ái Ố
Thủ Xả
Hữu Vô
Sinh Diệt
Luân hồi
Ta có thể giải thích chung như sau: Vì vô minh cho nên mới thấy các hành (như là ngã và pháp), và mới thấy thức là chủ thể (tách rời khỏi đối tượng), thấy thân và tâm (danh và sắc) là hai thực tại có thể tách rời nhau mà tồn tại, rồi mới có xảy ra chuyện yêu cái này ghét cái kia (ái ố) rồi mới có tâm muốn lấy cái này bỏ cái kia (thủ xả), mới bị kẹt vào hoặc cái hữu hoặc cái vô (hữu vô) và rốt cuộc bị giam giữ hoài trong các ý niệm có sinh và có tử (sinh diệt), phải luân hồi mãi mà không thực chứng được Niết bàn. Tuy nhiên, hai chi Thức và Danh Sắc không cần thiết lắm, bởi vì Hành đã là năm uẩn rồi, trong khi Thức và Danh Sắc đều đã có mặt trong uẩn với tư cách là các Hành.
Nói tóm lại, có thể có nhiều lối trình bày Duyên Khởi giúp ta tương ưng được với Chính Kiến. Và cách trình bày hay nhất là không theo chiều dọc mà theo chiều tương duyên, trong đó các chi đồng thời duyên nhau, không có chi nào có trước và chi nào có sau, ví dụ:
Tương sinh, tương hữu, tương tác, tương hành
Quán sát vạn vật ta thấy không có pháp nào có trước và sinh ra pháp khác, mà tất cả các pháp đều dựa vào nhau để biểu hiện, để cùng phát sinh. Tuệ giác tùy thuận trí sử dụng ý niệm tương sinh (hay câu sinh, sahajata, inter-arising) để giúp ta vượt thoát cả hai ý niệm sinh và diệt. Anh không thể sinh một mình diệt một mình. Anh phải cùng sinh diệt với tất cả. Vì vậy không thật sự có sinh và có diệt, mà chỉ có sự biểu hiện. Tùy thuận trí cũng sử dụng ý niệm tương tức hay tương hữu (sahabhūta, interbeing) để giúp ta vượt thoát ý niệm hữu và vô. Tùy thuận trí cũng sử dụng ý niệm tương tác (sahakrta, interacting) để giúp ta vượt thoát ý niệm tác giả và thọ giả, ý niệm tác giả và tác nghiệp (actor and action), và cuối cùng sử dụng ý niệm sahasamkrta, (interconditioning) để giúp ta vượt thoát cặp đối lập hữu vi và vô vi. Tìm Niết bàn vô vi ngay trong sinh tử hữu vi. Đó là giáo chỉ của Bụt về Niết bàn trong kinh Như Thị Ngữ. Kinh chép: “Atthi, bhikkhave, ajātam, abhūtam, akatam, a sankhatam” nghĩa là “Này các vị tỳ khưu, có cái không sinh, không hữu, không tác, không hành” để làm nẻo thoát cho những cái có sinh, có hữu, có tác, có hành. Trong kinh Pháp Cú ở Hán tạng, phẩm Nê hoàn, cũng có câu ấy: “Tỳ khưu, hữu thế sinh, hữu hữu, hữu tác hành, hữu vô sinh, vô hữu, vô tác, vô sở hành.” Vì vậy cho nên cái thấy Duyên Khởi đem đến cái thấy Trung Đạo giúp ta vượt thoát mọi cặp đối nghịch, mà căn bản là bốn cặp nói đến trong đoạn kinh vừa trích dẫn: sinh tử, hữu vô, tác giả thọ giả, hữu vi và vô vi. Chỉ có giáo lý Duyên khởi và Trung đạo mới có khả năng đưa tới tuệ giác lớn và quét sạch được vô minh. Vô minh không còn thì hữu vô và sinh tử cũng không còn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh