Ngày 24/10, chủ tịch huyện Thanh Chương đã kí quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với thầy Trần Văn Bình - giáo viên đánh học sinh vì không làm được bài tập toán. Sự việc gây xôn xao dư luận những ngày gần đây và làm dấy lên lo ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của mối quan hệ thầy - trò trong xã hội.
Thầy giáo Trần Văn Bình đã nhận hình thức kỷ luật của địa phương, tuy nhiên, hình phạt khắt khe nhất đối với thầy có lẽ chính là lời phán xét từ giới truyền thông và người dùng mạng xã hội.
Nhưng liệu chúng ta đã thực sự công bằng với những người mang trên mình sứ mệnh “tải đạo” to lớn?
Dưới thời phong kiến, đạo thầy trò là một trong những biểu hiện cao quý nhất của đạo đức. Thế mới có “Không thầy đố mày làm nên”, có “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, rồi “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy…”. Người thầy có quyền sử dụng các hình thức răn đe, các hình phạt như đánh mắng hay phạt quỳ… Giờ đây, mối quan hệ thầy trò đã “bình đẳng” hơn, khi hai bên có thể trao đổi kiến thức dưới hình thức đối thoại học thuật. Lúc này, thầy giáo không còn là trung tâm và những điều thầy truyền đạt ắt có sai, có đúng.
Như vậy, chúng ta đã giải phóng cho học sinh khỏi những lễ giáo, những luật lệ hà khắc, nhưng lại bó buộc người thầy vào những quy chuẩn mới. Giáo viên ngày nay không còn được tôn sùng như “thánh”, không được đánh phạt học sinh và thậm chí còn bị “ăn đòn” của học sinh nữa.
Khi co hẹp một tấm chăn, chúng ta phải cơi nới chiều còn lại của nó nếu không muốn mình bị cảm lạnh. Trong xã hội hiện đại, chúng ta muốn giáo viên phải tuân thủ theo những luật lệ cổ xưa dù không hoàn toàn trao quyền lợi cho họ giống như các ngành nghề khác.
Chúng ta sẵn sàng “nhíu mày” trước một thầy giáo ngồi lên bàn giảng bài hay một cô giáo trang điểm hơi đậm đi dạy học, chúng ta cấm giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà bất chấp nhu cầu của cả hai bên, chúng ta trả lương cho họ quá thấp trong khi luôn yêu cầu họ phải lao lực truyền đạt. Chúng ta bảo vệ một học sinh hư bị thầy đánh và vỗ tay reo hò khi một học sinh nhảy lên bục giảng “phản đòn” thầy trong lớp.
Rốt cuộc, những người làm thầy không có gì ngoài một ngày “tri ân”. Nhưng ngày tri ân có còn đúng với ý nghĩa “tri ân” của nó hay không? Hay đó lại là một sợi dây trói vô hình ghim chặt người thầy vào những quy chuẩn khắt khe?
Chúng ta ca ngợi công lao khai sáng của người thầy để họ nai lưng làm việc với đồng lương còm cõi, chúng ta đề cao lòng vị tha của người thầy để ép họ phải yêu quý những học trò “đánh thầy”…?
Trong khi chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thị trường mà bất cứ thứ gì cũng cần có tiền mới mua được thì những người thầy lại bị chỉ trích vì hành động “bán thêm sức lao động” của mình.
Thiết nghĩ, nếu muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, muốn thầy ngưng đánh mắng trò, muốn giáo viên ngưng việc dạy thêm thì tốt nhất hãy thương mại hóa giáo dục!
Phạm Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả