Chứng tê nhức chân tay và cách phòng bệnh khi thời tiết thay đổi

Chứng tê nhức chân tay và cách phòng bệnh khi thời tiết thay đổi

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 01/04/2017 11:38

Thời tiết thay đổi thất thường khiến nhiều người mắc chứng đau nhức vai gáy, tê bì chân tay làm chất lượng cuộc sống suy giảm. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Tâm (Lĩnh Nam, Hà Nội) cho hay, thời tiết miền Bắc đang nóng chuyển lạnh thất thường khiến tay chân bà mỏi nhừ, tê buốt, không đứng thẳng được. Có hôm đau quá, bà Tâm phải đi châm cứu nhưng cũng không đỡ. "Mỗi khi trái gió trở trời, 2 tay tôi tê buốt hết, bàn tay, cánh tay, có khi mất hết cả cảm giác. Cái bệnh này tôi vẫn gọi là bệnh thời tiết, chữa cũng không khỏi dứt điểm được.", bà Tâm than thở.

Cùng nỗi khổ đó, mỗi khi thay đổi thời tiết, cô Lê Thị The (Đống Đa, Hà Nội) lại thấy chân tay tê bì, nhức mỏi. “Tối nào tôi cũng phải nhờ con gái dùng thuốc xoa bóp mà cũng chẳng thuyên giảm. Nhiều khi chỉ ao ước chân tay không còn nhức mỏi để không phải làm phiền đến con cháu”, cô The nói.

Đau nhức chân tay mỗi khi thời tiết thay đổi là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, nhưng vì đây là bệnh thời tiết nên tình trạng này dai dẳng, hay tái phát và không dễ chữa trị.

Các bệnh - Chứng tê nhức chân tay và cách phòng bệnh khi thời tiết thay đổi

 Chứng đau nhức chân tay khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo lương y Dương Văn Phong (hội Đông y Thanh Trì, Hà Nội), tình trạng tê nhức chân tay, đau mỏi vai gáy, lưng gối chủ yếu là do khí huyết lưu thông kém. Chứng bệnh này chủ yếu là hậu quả của các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm… Chúng gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu.

“Chứng bệnh này thường gặp ở người già do lão hóa, người trẻ ít vận động… Bệnh dễ nặng hơn vào mùa đông bởi thời tiết lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém khiến chân tay càng đau buốt, tê cứng”, lương y Phong cho hay.

Để đẩy lùi chứng bệnh đau nhức, tê bì chân tay dai dẳng, theo lương y Dương Văn Phong, người bệnh nên lưu ý một số điều dưới đây:

Chế độ ăn uống

Người bệnh cần chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng, bổ sung thêm trong bữa ăn hằng ngày các loại thức ăn giàu vitamin nhóm B, canxi, magie như các loại đậu, ngũ cốc, trứng, sữa…

Đặc biệt, người cao tuổi nên chú ý ăn nhiều rau, trái cây tươi, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, dùng các loại dầu chứa acid béo omega 3 như: Dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô-liu...

Tất cả món ăn làm tăng chất mỡ như: Bơ, xúc xích, dăm-bông hoặc bánh kẹo đều gây bất lợi cho tuổi già vì đây là nguyên nhân gây nên các bệnh mỡ máu, đái tháo đường. Rượu, bia, trà, cà phê… là những loại nước có chất kích thích không có lợi cho não bộ.

Chế độ vận động

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người có thói quen ít vận động, gây bất lợi cho sức khỏe nói chung và chức năng hoạt động của chân tay nói riêng. Vì thế, việc vận động thường xuyên, lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng từng người là điều cần thiết. Các môn thể dục như đi bộ, thái cực quyền, yoga,... giúp lưu thông máu tốt, có lợi cho người mắc chứng tê nhức chân tay.

Những khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày trời lạnh hay mưa gió, người bệnh nên hạn chế đi ra ngoài, giữ ấm tay chân, có thể ngâm tay chân với nước ấm pha chút gừng. Đồng thời, bệnh nhân nên bổ sung vào thực đơn các món ăn tốt cho xương khớp như lá lốt, xương sông…

“Trời lạnh, nhiều người có thói quen đi tập thể dục lúc sáng sớm hay tối muộn sẽ không tốt cho sức khỏe. Khi bị ngấm lạnh, những người mắc bệnh xương khớp sẽ rất đau đớn. Người già không nên đứng, ngồi lâu một chỗ, không ngồi xổm, xách nặng…”, lương y Phong khuyến cáo.

Cũng theo lương y, trong y học cổ truyền, nhiều loại thảo dược có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp như: thục địa, độc hoạt, đương quy, xuyên khung, ngưu tất… Tuy nhiên, việc sử dụng thảo dược để chữa bệnh cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ Đông y.

Vị chuyên gia này cho biết, hiện nay rất nhiều người áp dụng các bài thuốc Đông y để chữa xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần cẩn trọng khi áp dụng những bài thuốc chưa có kiểm chứng, đặc biệt của các lang băm, lang vườn. Thực tế, đã có không ít người nhập viện vì chữa bệnh theo tin đồn. Nếu chữa trị không đúng cách thì thảo dược cũng trở thành độc dược.

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.