Thưa PGS, ý kiến của ông về kết luận nội dung tố cáo của Bộ GD & ĐT đối với luận án TS của ông Hoàng Xuân Quế?
PGS.TS Lê Văn Hưng: Qua theo dõi trên báo chí và bạn bè, học trò điện thoại cho tôi, tôi đã biết được kết luận này. Tôi thực sự bất ngờ và không thể tin được dù đó đang là sự thật.
Tôi, với tư cách là nhà khoa học, là giáo viên hướng dẫn 1 và PGS.TS Nguyễn Hữu Tài (nguyên trưởng khoa Ngân hàng – Tài chính), hướng dẫn 2 của NCS Hoàng Xuân Quế, chúng tôi kịch liệt phản đối kết luận này của Bộ GD & ĐT. Chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản với bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc này.
PGS.TS Lê Văn Hưng: Tại sao ý kiến của Nhà khoa học đầu ngành, lại là người liên quan trực tiếp và rất quan trọng đến hai luận án (Hoàng Xuân Quế và Mai Thanh Quế) lại bị bỏ qua?
Ngày 14/09/2013, tôi và PGS.TS Nguyễn Hữu Tài cũng đã có văn bản xác nhận và đề nghị bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này. Chúng tôi khẳng định: “Trong quá trình hướng dẫn NCS Hoàng Xuân Quế, chúng tôi đã thực hiện đúng các quy định của Bộ GD&ĐT về nội dung khoa học của luận án và tiến độ thực hiện. NCS Hoàng Xuân Quế đã tiếp thu và sữa chữa nghiêm túc những vấn đề đã được tập thể hướng dẫn khoa học yêu cầu bổ sung và chỉnh sửa. Những tài liệu này, đặc biệt là bản thảo gần cuối có bút tích sửa chữa của giáo viên hướng dẫn và bản thảo lần cuối cùng có ý kiến đồng ý của giáo viên hướng dẫn cho NCS đóng quyển để bảo vệ vẫn còn được lưu giữ. Vì vậy, cho rằng bản luận án chính thức của anh Hoàng Xuân Quế được bảo vệ tại hội đồng đánh giá luận án cấp nhà nước có sự sao chép y nguyên một phần luận án của Mai Thanh Quế là không có cơ sở….
Mặt khác, luận án đã được thực hiện qua nhiều bước, từ sinh hoạt khoa học, bảo vệ 3 chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, gửi xin ý kiến nhận xét của phản biện kín, bảo vệ cấp Nhà nước. Trước khi bảo vệ cấp Nhà nước, bản tóm tắt luận án còn được gửi đi xin ý kiến nhận xét của hàng chục nhà khoa học và hàng chục cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Thông tin về buổi bảo vệ được đăng báo Nhân Dân trước ngày bảo vệ 2 tuần, sau khi bảo vệ còn có thêm 3 tháng để tiếp nhận các thông tin khiếu kiện về luận án. Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước của NCS Hoàng Xuân Quế, bao gồm những nhà khoa học đầu ngành, đánh giá kết quả xuất sắc là điều không thể phủ nhận…Vậy cơ sở nào để Bộ GD & ĐT phủ nhận kết quả nghiên cứu của NCS Hoàng Xuân Quế và cũng là công sức của tập thể giáo viên hướng dẫn?
Tôi xin nhắc lại, chúng tôi kịch liệt phản đối kết luận này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV: Ông có thể nói thêm về bản thảo luận án của NCS Hoàng Xuân Quế mà PGS còn giữ được?
PGS Lê Văn Hưng: Thầy trò chúng tôi phải làm việc với nhau rất nhiều lần và những gì tôi yêu cầu NCS sửa chữa, anh Quế đều thực hiện nghiêm túc. Có những vấn đề thầy trò chúng tôi cũng phải tranh luận để thống nhất cách tiếp cận. Tại bản thảo ngày 02/08/2003 tôi có ghi trên bìa phụ: “đề nghị NCS xem lại một số chỗ và hoàn thiện luận án” bản thảo cuối cùng mà tôi đồng ý cho NCS đóng quyển để bảo vệ là vào ngày 18/09/2003, tôi có ghi: “đồng ý cho bảo vệ”. Cả hai quyển này, tháng 6 vừa rồi tôi đã giao lại cho NCS sau khi đã ký xác nhận để đảm bảo tính trung thực để NCS nộp cho Bộ làm minh chứng. Tại sao Bộ GD & ĐT lại bỏ qua minh chứng của chúng tôi cung cấp cũng như văn bản xác nhận và đề nghị chính thức của tập thể giáo viên hướng dẫn chúng tôi? Nếu cần thiết, Bộ có thể gửi đi giám định về tuổi giấy, tuổi mực và tính đồng nhất của giấy cũng như chữ ký cơ mà.
PV: Thưa ông, quyển luận án lưu tại Thư viện quốc gia và các thư viện khác có đủ cơ sở pháp lý để đánh giá lại luận án hay không?
PGS Lê Văn Hưng: Tôi cho rằng hoàn toàn không thể với tất cả mọi NCS chứ không riêng gì NCS Hoàng Xuân Quế. Luận án của NCS được hội đồng chấm và công bố công khai ngay tại hội đồng. Luận án được NCS nộp sau khi đã bảo vệ và phải chỉnh sửa lại nếu hội đồng yêu cầu. Vì thế hoàn toàn có thể xẩy ra sự nhầm lẫn, mặc dù không ai muốn điều đó xẩy ra.Mặt khác, thư viện là nơi phục vụ công cộng nên không thể coi là nơi lưu giữ hồ sơ gốc của NCS. Đặc biệt, trên tập tài liệu photocopy này lại không hề có chữ ký cam đoan hay bất kỳ bút tích nào của NCS Hoàng Xuân Quế. Vậy cơ sở nào để khẳng định đó là của ai? Tôi rất tâm đắc với ý kiến đăng trên báo Người đưa tin của TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng NHNN(là ủy viên hội đồng chấm luận án TS cấp nhà nước của NCS Hoàng Xuân Quế): “giả sử khi tổ xác minh mở quyển luận án mang tên Hoàng Xuân Quế tại thư viện, bên trong là một tập tài liệu phản động, liệu tổ xác minh có báo cơ quan công an khởi tố anh Quế không?”.
Người ta hay nói rằng “án tại hồ sơ”. Vậy “hồ sơ” ở đây là gì, nếu không phải là tất cả các tài liệu của hội đồng bảo vệ, các bản nhận xét và đánh giá của các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu về luận án? Và đặc biệt là ý kiến đánh giá của các nhà khoa học trong hội đồng, họ là người được Bộ GD & ĐT giao trách nhiệm chấm luận án và phải chịu trách nhiệm trước Bộ về những nhận xét, đánh giá của mình về luận án; Là ý kiến của 2 nhà phản biện độc lập, nếu họ không đồng ý chắc chắn luận án không thể được đưa ra bảo vệ được. Tôi cũng đã xem ý kiến của TS Dương Thu Hương, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban KT & NS Quốc hội, nguyên phó thống đốc NHNN Việt Nam, nguyên vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam, là người hướng dẫn chính của NCS Mai Thanh Quế đồng thời là phản biện độc lập của NCS Hoàng Xuân Quế. Tôi nhiệt liệt ủng hộ ý kiến của TS Hương.
Xin nói thêm rằng, TS Dương Thu Hương là chuyên gia sâu và nổi tiếng về lĩnh vực Ngân hàng, có rất nhiều đóng góp cho hệ thống ngân hàng nói riêng và quốc gia nói chung. Trước đó TS Dương Thu Hương cũng đã có văn bản chính thức xác nhận và đề nghị gửi bộ trưởng Bộ GD & ĐT về luận án của NCS Hoàng Xuân Quế.
Chúng tôi không thể hiểu, tại sao ý kiến khẳng định của Nhà khoa học đầu ngành, lại là người liên quan trực tiếp và rất quan trọng đến hai luận án (Hoàng Xuân Quế và Mai Thanh Quế) lại bị bỏ qua?
PV: Xin cảm ơn PGS
Ông có bao giờ nghĩ rằng GS.TS Nguyễn Văn Nam lại là người viết đơn tố cáo PGS.TS Hoàng Xuân Quế không? PGS.TS Lê Văn Hưng: Tôi cũng có nghe nói vậy nhưng tôi không tin đó là sự thật. Bởi lẽ, trong giới sư phạm, người ta kỵ nhất là kiện tụng, đặc biệt là kiện tụng vì động cơ cá nhân. Nếu sự việc “đạo văn” là có thật, thì người có ý kiến phải là TS Mai Thanh Quế chứ không phải người khác. Còn GS Nguyễn Văn Nam là vị giáo sư đáng kính, từng là chủ tịch hội đồng Giáo sư ngành kinh tế, nguyên là lãnh đạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân danh tiếng thì càng không thể làm vậy. Đặc biệt, GS Nguyễn Văn Nam lại còn là chủ tịch hội đồng chấm luận án cấp cơ sở và là chủ tịch hội đồng chấm luận án cấp nhà nước của NCS Hoàng Xuân Quế. Được Bộ tín nhiệm giao trọng trách là chủ tịch hội đồng chấm luận án TS cấp nhà nước là vinh dự lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm. Vậy làm sao lại có thể có chuyện luận án đã bảo vệ, 10 năm sau ông chủ tịch hội đồng đi kiện học trò? Tôi không tin là như vậy. |
Nhóm phóng viên