Theo Vtv.vn, khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) mỗi ngày tiếp nhận gần 200 bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó số ca mắc tay chân miệng trong vòng 3 tuần trở lại đây đã tăng gấp 5 lần ngày thường. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh cho biết: Có rất nhiều tác nhân gây bệnh tay chân miệng, trong đó năm nay tỷ lệ virus EV71 gây bệnh rất cao nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.
Theo báo Dân trí, số liệu từ trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho thấy, địa bàn thành phố ghi nhận từ ngày 14 – 20/9, có 286 ca mắc tay chân miệng, tăng 47% so với 4 tuần trước đó (194 ca).
Trả lời báo Tin tức, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, hiện trong khoa đang có 179 ca bệnh, trong đó có 25 - 30 ca nặng phải theo dõi. “Bệnh tay chân miệng đã được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng. Bệnh nhi tay chân miệng mới chỉ tăng đột biến khoảng 3 tuần nay. Đỉnh điểm là ngày 24/9, khoa Nhiễm-Thần kinh điều trị cho 222 bé mắc. Lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu”.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin thêm, trong tháng 8, số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Cụ thể, số trẻ bị tay chân miệng trong tháng 8 là 4.511 trẻ, tăng hơn 100% so với tháng trước đó.
Tổng số ca bị bệnh tay chân miệng ghi nhận được tại TP.HCM từ đầu năm đến nay là 3.195 ca. Mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận, điều trị nội trú cho khoảng 80 bé mắc tay chân miệng, trong đó khoảng hơn 20 ca là nặng, độ 2B, độ 3.
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur TP. HCM lưu ý, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành theo mùa ở các nước nhiệt đới, thường rơi vào tháng 5 đến tháng 11, đối với năm 2018 so với cùng kỳ thì giảm 31% nhưng trong tháng 8-9 tăng rất nhanh, khoảng 50% so với cùng kỳ tháng của năm 2017 và các năm trước đó.
Trả lời báo Vietnamnet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm–Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận xét trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng cao là do nhiễm chủng virus type Enterovirus 71 (virus EV71). Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
Nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng là lớn, để cảnh báo phòng bệnh, báo Dân trí cũng dẫn lời khuyến cáo của vị Trưởng khoa này: “Virus EV71 chưa có vắc xin chích ngừa, thay vào đó, người lớn phải chủ động bảo vệ con mình bằng cách rửa tay bằng xà phòng khi đi làm về".
Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh tuyệt đối không nên đến lớp khi chưa điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các bậc phụ huynh đặc biệt là những người mẹ cần phải học và nắm vững những dấu hiệu biến chứng của tay chân miệng như trẻ sốt cao khó hạ, sốt liên tục hơn 2 ngày; trẻ nôn ói, giật mình, co giật… phải đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ chuyên môn.
Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh, trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo phụ huynh và người trông giữ trẻ: Thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng và nơi sinh hoạt của trẻ; đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống chín, tuyệt đối không cho trẻ ăn chung muỗng, chén,…
Minh Anh (tổng hợp)