Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng đã báo cáo ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương để Ban cán sự Đảng UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan Trung ương cho phép thành phố được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng.
Thay vào đó, TP.Đà Nẵng sẽ chuyển trả lại toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất theo lãi ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thanh toán thực tế.
Để thực hiện điều này, ông Thơ giao 3 Sở trên phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố và có ý kiến Đảng đoàn HĐND thành phố, Thường trực Thành ủy theo hướng thu hồi đất thuộc dự án khu phức hợp sân Chi Lăng để phục vụ mục đích chung của thành phố. Ông Thơ đưa yêu cầu thời hạn báo cáo đề xuất kèm dự thảo chậm nhất vào ngày 24/8.
Tháng 10/2010, UBND TP.Đà Nẵng đồng ý bán sân vận động Chi Lăng cho công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp tầm cỡ. Theo đó, nếu chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, đối với phần diện tích 55.061m2, thì được giảm 10% tiền sử dụng đất.
Cùng với đó, UBND TP.Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với diện tích 45.861m2.
Với phần diện tích phía Bắc và Nam khu đất 9.200m2, UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 6 tháng, kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất. Đến tháng 1/2011, TP.Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục bán sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh, với giá trị gần 1.400 tỷ đồng.
Như vậy, để lấy lại "chảo lửa" Chi Lăng về cho người dân Đà Nắng, số tiền TP phải trả không dưới 1.400 tỷ đồng, chưa tính phần lãi suất tính theo lãi thị trường từ năm 2011 đến nay.
Cũng trong năm 2011, UBND TP.Đà Nẵng cho phép tách khu sân vận động Chi Lăng thành 14 lô và giao quyền sử dụng đất cho 10 công ty của tập đoàn Thiên Thanh để huy động vốn thực hiện dự án.
Tuy nhiên, tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh bất ngờ bị bắt để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, toàn bộ số sổ đỏ nêu trên đã được các công ty con của tập đoàn này đem cầm cố tại các ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.