Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa có báo cáo giao dịch của người nội bộ. Theo đó, ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn điều lệ công ty) theo hình thức thỏa thuận.
Giao dịch được thực hiện nhằm giảm tỉ lệ sở hữu trong khoảng thời gian 22-24/12. Với thương vụ trên, hiện ông Vinh chỉ còn nắm giữ 390.458 cổ phần, tương ứng 5,115% vốn điều lệ.
Trước đó, theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng. Tạm tính theo mức giá này, số cổ phần ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng có giá trị khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).
Từ đầu năm nay, ông Vinh liên tục có động thái nhận chuyển nhượng cũng như chuyển nhượng cổ phần Công ty, giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Gần nhất ngày 26/11/2021, ông Vinh vừa nhận 4.000 cổ phần, tương đương 0,052% vốn.
Ông Vinh là một trong 3 nhà sáng lập của Golden Gate, bên cạnh ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT, sở hữu 4,43%) và ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng Giám đốc, sở hữu 3,98%).
Phần lớn cổ phần còn lại 82,14% thuộc về sở hữu của các tổ chức. Riêng Golden Gate Partners (công ty chung của 3 nhà sáng lập trên) là cổ đông lớn nhất sở hữu 44,22% và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (Singapore) nắm giữ 37,92% cổ phần Golden Gate.
Ở một diễn biến khác, ngày 29/11, Golden Gate vừa phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate.
Hiện tại, công ty này đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với nhiều nội dung như thông qua việc sửa đổi điều lệ, thay đổi thời điểm thanh toán cổ tức 2020. Bên cạnh đó, Golden Gate cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 1.000 cổ phiếu ESOP với giá bán 0 đồng/CP trong năm 2022 cho bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc tài chính nhằm mục đích thu hút nhân sự tài năng tham gia công ty.
Ảnh hưởng dịch bệnh, Golden Gate lần đầu tăng trưởng âm
Công ty này được thành lập năm 2008 với số vốn 32 tỷ đồng. Sau khi mua Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành, Golden Gate đã triển khai chuỗi nhà hàng đầu tiên của thương hiệu Ashima, bao gồm 3 nhà hàng tại Hà Nội và 3 nhà hàng ở TP.HCM. Đến nay, Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Hệ thống nhà hàng này phát triển thần tốc trước khi chịu áp lực suy giảm do đại dịch Covid-19. Năm 2018, Công ty sở hữu 18 thương hiệu với 300 nhà hàng trên toàn quốc. Ở các thành phố lớn, chuỗi nhà hàng ăn uống của Golden Gate hầu hết đặt tại những vị trí đắc địa, hoặc những trung tâm thương mại tầm cỡ. Doanh thu thuần năm 2018 đạt 3.971 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 269 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, các nhà hàng của Golden Gate thu về 11 tỷ đồng từ lẩu, bia tươi, thịt nướng.
Năm 2019, quy mô công ty tiếp tục được mở rộng lên 350 cửa hàng trên toàn quốc với gần 30 thương hiệu. Doanh thu thuần của Golden Gate là 4.780 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 376 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, công ty báo lãi trước thuế 399 tỷ đồng.
Sau khi hạch toán chi phí thuế, lãi ròng của hệ thống nhà hàng này là 321 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp trong lịch sử.
Đại dịch Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng đến toàn hệ thống này trong năm 2020 khi doanh thu sụt gần 5% về mức 4.559 tỷ đồng, lần đầu tăng trưởng âm. Chi phí hoạt động tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 79% chỉ còn 65 tỷ đồng.