Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 7, 20/04/2024 09:12

Chuỗi siêu thị tiện ích Lamason 10K kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không tem, nhãn phụ tiếng Việt.

 

Ở Hà Nôi, cái tên Lamason 10K hay Lamson Mart 10K không còn xa lạ với mọi người, hệ thống siêu thị tiện ích này đều thuộc Công ty TNHH Thương Mại và Đầu Tư La.Ma.Son có trụ sở chính tại 207 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội. Đến nay siêu thị tiện ích này đã có 35 cơ sở phủ khắp mọi ngóc ngách của Thủ Đô.

Cửa hàng được quảng cáo bắt mắt bằng tông màu hồng trắng cùng hàng nghìn sản phẩm được bày bán, mỗi ngày những địa điểm trên phục vụ hàng trăm lượt khách ra vào mua sắm.

Tuy nhiên từ nguồn tin của bạn đọc cung cấp, tại hệ thống siêu thị Lamason 10K đang có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa. Phóng viên (PV) đã khảo sát một số địa điểm siêu thị thuộc hệ thống này nhận thấy những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.

Trong vai người mua hàng, phóng viên đã “mục sở thị” tại 4 cơ sở Lamason 10k ở  258 Lạc Long Quân (Tây Hồ - Hà Nội), 207 Phố Tô Hiệu, 40 Nguyễn Khánh Toàn và 4F Trung Yên (Cầu Giấy - Hà Nội). Theo quan sát, các cơ sở này khá rộng rãi, trưng bày rất nhiều các mặt hàng đa dạng từ đồ gia dụng đến đồ chơi trẻ nhỏ, phụ kiện, mỹ phẩm … Bên cạnh các mặt hàng có đầy đủ tem, nhãn mác theo quy định thì tại đây cũng có nhiều sản phẩm không dán tem nhãn phụ tiếng Việt.

Thương hiệu đình đám bày bán với giá hơn trăm ngàn đồng

Cụ thể, nhiều mặt hàng mỹ phẩm bày bán tại cửa hàng có nhiều dấu hiệu bất thường, nổi bật nhất là sản phẩm mặt nạ dưỡng da Banobagi (Vita Genic Jelly mask), Banobagi được biết đến là thương hiệu nổi tiếng đến từ Hàn Quốc,  thế nhưng trên mỗi sản phẩm lại không gắn tem, mác nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định. Thông thường, các sản phẩm chăm sóc da sẽ được chỉ định sử dụng trên nền những loại da khác nhau, nếu không sẽ gây kích ứng cho người dùng.

Tương tự, dung dịch vệ sinh phụ nữ Intima Ziaja cũng là một trong những sản phẩm “quốc dân” được chị em tin dùng, nhưng hầu hết trên các hệ thống Lamason 10K mặt hàng này không hề có thông tin của sản phẩm, gây khó khăn cho khách hàng khi tìm hiểu thông tin. 

Đặc biệt, nhiều sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng được bày bán ở Lamason 10k như: Body Mist Victoria's Secret, thương hiệu thời trang Calvin Klein…. được chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá cả triệu đồng. Việc này, có dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu của trốn thuế.

Hồ sơ điều tra - Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Nhiều thương hiệu nổi tiếng được bày bán tại cửa hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, những sản phẩm nước giặt, xà bông, chất tẩy rửa tại các cơ ở trên đều thể hiện thông tin bằng chữ Thái Lan, không được dán tem phụ bằng tiếng Việt khiến người tiêu dùng hoang mang. Đơn cử như sản phẩm nước rửa chén Lipon, nước giặt Hiclass, xà bông cám gạo Jam...

Bên cạnh mặt hàng có in chữ Thái Lan, Lamason 10K còn có cả hàng có in chữ Nhật Bản, Hàn Quốc và hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc do không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt như: bút điện, ổ khóa, viên giặt, giấy ăn, bình hoa…

Không chỉ vậy, các mặt hàng củ sạc, cáp sạc, tai nghe điện thoại, quạt tích điện cầm tay… bán với giá rẻ chỉ từ vài chục nghìn đồng. Hầu hết các sản phẩm này đều không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Cẩn trọng với các sản phẩm không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt

Ngoài ra, thực tế khảo sát, rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng tại 04 cửa hàng trên không có nhãn tiếng Việt mà chỉ có những chữ nước ngoài (chữ tượng hình) như: Bát; đũa; thìa; dĩa; hộp đựng cơm, canh, gia vị… bằng: Nhựa; kim loại; thủy tinh; gốm sứ, đây là nhóm sản phẩm nằm trong danh sách dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Theo quy định tại nhóm các quy chuẩn 12 của Bộ Y tế cũng được kinh doanh tại đây, tuy nhiên, nhóm sản phẩm này không có thông tin công bố hợp quy và dấu hợp quy theo quy định.

Với những sản phẩm không rõ nguồn gốc trên có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng khi các sản phẩm này lưu thông trên thị trường khi chưa được thử nghiệm khả năng thôi nhiễm các chỉ tiêu như chì, Formaldehyde… Đây là những chất độc hại với sức khỏe người tiêu dùng được quy định trong quy chuẩn 12 của Bộ Y tế.

Hồ sơ điều tra - Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc (Hình 2).

Rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng chỉ hiện thông tin bằng những chữ nước ngoài (chữ tượng hình). (Ảnh chụp màn hình)

Đáng lưu ý, tại quầy đồ chơi trẻ em, trừ một số sản phẩm là đồ chơi nước ngoài có đầy đủ tem nhãn phụ tiếng Việt thì một số đồ chơi như: Ô tô, máy bay, đồ chơi điện thoại, con quay, bắn bong bóng… không có bất kỳ thông tin nào về: thành phần; chỉ tiêu chất lượng nhựa; thương nhân sản xuất hàng hóa, địa chỉ; thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, địa chỉ; thông tin cảnh báo... dấu hợp quy của sản phẩm.

Cũng tại Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Cuối tháng 11 năm ngoái, Đội QLTT số 6 và Đội QLTT số 14, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã đồng loạt tiến hành kiểm tra hàng chục điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamason 10K nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), qua đó đã phát hiện 6/15 cửa hàng thuộc Hệ thống Lamson 10K có dấu hiệu vi phạm. Tại đây, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ nhiều sản phẩm dao cạo râu giả mạo nhãn hiệu và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Gillette - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Hồ sơ điều tra - Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc (Hình 3).

Cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống Lamason 10K, phát hiện 6/15 cửa hàng có dấu hiệu vi phạm.

Việc hệ thống siêu thị LamaSon 10K bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Một mặt LamaSon 10K đang vi phạm quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá, mặt khác thiếu tôn trọng khách hàng khi không cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm để khách hàng tìm hiểu, lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của bản thân và gia đình.

Do vậy đề nghị Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những tồn tại về hàng hoá có dấu hiệu vi phạm quy định tại các điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamason 10K.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.

Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.