Chương Dương - “Ông hoàng sá xị” tiếp tục chìm trong thua lỗ

Chương Dương - “Ông hoàng sá xị” tiếp tục chìm trong thua lỗ

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Thứ 5, 16/11/2017 09:33

Chương Dương cũng như nhiều doanh nghiệp truyền thống khác chậm thích nghi với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, hạn chế vốn đầu tư. Dẫn đến, thị trường thu hẹp, sản lượng tiêu thụ sụt giảm nên liên tục báo lỗ.

Vnexpress thông tin, công ty cổ phần (CTCP) Nước giải khát Chương Dương (mã CK: SCD) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với tình hình tài chính tiếp tục khó khăn. Đà thua lỗ không những không giảm mà còn tiếp tục gia tăng, khiến kế hoạch kinh doanh trong năm 2017 của "ông hoàng sá xị" dần trở nên bất khả thi.

Trong quý III, doanh thu của Chương Dương tiếp tục sụt giảm, chỉ còn gần 78 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do sản lượng tiêu thụ giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh không khởi sắc, trong khi các khoản chi phí tiếp tục gia tăng khiến thương hiệu xá xị hơn 40 năm tuổi báo lỗ gần 7 tỷ đồng.

Tiêu dùng & Dư luận - Chương Dương - “Ông hoàng sá xị” tiếp tục chìm trong thua lỗ

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương.

Trong khi thị trường đồ uống tiếp tục duy trì tốc tăng trưởng cao thì lũy kế 9 tháng đầu năm, Chương Dương báo lỗ hơn 2 tỷ đồng, kết quả trái ngược với cùng kỳ năm 2016 khi doanh nghiệp này vẫn ghi nhận hơn 16 tỷ đồng lợi nhuận. Đây cũng là kết quả kinh doanh thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây.

CTCP Nước giải khát Chương Dương được thành lập từ năm 1952, từng có thời gian dài là một trong những doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất tại khu vực phía Nam.

Thuở mới thành lập, Chương Dương có tên gọi là Usine Belgique, trực thuộc tập đoàn BGI (Brasseries Glacières Indochine) của Pháp nhưng tới năm 1977, BGI đã bàn giao toàn bộ nhà máy, kể từ thời điểm này Usine Belgique chính thức được đổi tên.

Sau giải phóng, sản phẩm sá xị của công ty “vang danh” khắp khu vực phía nam và Chương Dương cũng chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong ngành nước giải khát khi đó.

Mọi chuyện vẫn diễn ra êm đềm với Chương Dương cho đến những năm đầu thập niên 90, Việt Nam mở cửa và các ông lớn trong ngành đồ uống trên thế giới như Coca Cola, Pepsi chính thức xâm nhập vào nước ta. Có thể nói, đây thực sự là bước ngoặt theo chiều hướng tiêu cực với Chương Dương khi doanh nghiệp ngày càng thất thế trên thị trường nước giải khát.

So với các đại gia như Coca Cola, Pepsi, rõ ràng Chương Dương đuối hơn trên toàn bộ phương diện, từ tài chính, công nghệ, hệ thống phân phối cho tới cơ cấu sản phẩm. Kết quả, Chương Dương ngày càng đánh mất thị phần và nhường “đất diễn” cho các đối thủ ngoại.

Tiêu dùng & Dư luận - Chương Dương - “Ông hoàng sá xị” tiếp tục chìm trong thua lỗ (Hình 2).

Sá xị từng là loại nước uống quen thuộc của người tiêu dùng (Ảnh: Vnexpress).

Không những vậy, sự xuất hiện của các doanh nghiệp khác trong ngành đồ uống như URC (Philippines), Masan, Tân Hiệp Phát… khiến khó khăn thêm chồng chất và ngày càng ít người biết đến sự tồn tại của thương hiệu có lịch sử 65 năm.

Theo Vnexpress, khó khăn của Chương Dương, cũng như nhiều doanh nghiệp truyền thống khác là việc chậm thích nghi với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như hạn chế vốn đầu tư. Từng là thương hiệu lớn, một trong những cái tên thống trị thị trường đồ uống song Chương Dương giờ đang vật lộn với khó khăn, với khả năng cạnh tranh ngày càng suy giảm.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, Chương Dương vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Điển hình như năm ngoái, công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do máy móc thiết bị chưa đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo thông báo tại đại hội cổ đông vào cuối tháng 5/2017, công ty đã ngưng dòng sản phẩm này đến khi dự án nhà máy mới ở huyện Củ Chi (TP.HCM) được phê duyệt thì mới tính đến việc phát triển trở lại.

Tổng chi phí đầu tư của dự án này ước tính vào khoảng 400 tỷ đồng, một phần lấy từ nguồn vốn tự có và một phần từ chuyển nhượng bất động sản thuộc quyền sở hữu của công ty. Phần còn lại khoảng 100 tỷ đồng sẽ có kế hoạch huy động bên ngoài. Tuy nhiên, thời điểm triển khai dự án hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngọc Lài (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.