Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Ủy ban Dân tộc nhận trách nhiệm

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 07/06/2023 09:35

Sáng 7/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Tại phiên chất vấn chiều 6/6, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) chất vấn: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất là chậm. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm.

“Chúng tôi cũng thấy tiến độ trong 3 năm qua đúng là chậm, trong đó có quy trình pháp luật, rồi các vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ, phải sửa chữa nhưng cơ bản hệ thống văn bản đã ban hành xong trong năm 2022, chỉ còn có 2 văn bản chưa ban hành, hiện cơ bản đã hoàn thành”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.

Đối thoại - Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Ủy ban Dân tộc nhận trách nhiệm

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai.

Chưa hài lòng với một số nguyên nhân dẫn đến triển khai chậm Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số là do thời tiết, dịch Covid-19 cũng như biến động quốc tế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm nguyên nhân, cũng như và trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhận trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong chậm triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư và phân công các Bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn, đến hết năm 2022 đã cơ bản triển khai xong.

“Việc triển khai Chương trình bị chậm về mặt thủ tục với nhiều lý do, trong đó có lý do chủ quan Ủy ban xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Tại phiên họp Quốc hội tháng 10/2022, Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội và từ đó đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt những vấn đề cần tháo gỡ nên đến nay cơ bản đã hoàn thành”, ông Hầu A Lềnh lý giải và cho biết trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc sẽ làm tốt hơn trong vai trò kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối thoại - Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Ủy ban Dân tộc nhận trách nhiệm (Hình 2).

Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời chất vấn.

Trao đổi lại với Bộ trưởng Hầu A Lềnh về phần trả lời, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn báo cáo số 100 ngày 1/4/2023 của Chính phủ cho thấy việc ban hành thông tư hướng dẫn nhiều nội dung còn rất chậm, một số văn bản quy định hướng dẫn nội dung các Chương trình trái quy định của pháp luật, cụ thể là trái quy định của Luật Đầu tư công, chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn.

“Vì vậy, tôi chỉ muốn nói Bộ trưởng cần sâu sát hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết”, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.

Về cơ cấu sử dụng nguồn vốn, bà Lưu Mai cho biết trong Nghị quyết 120 của Quốc hội nêu rất rõ nhiệm vụ đó là tăng chi đầu tư và khi trình Quốc hội các ĐBQH khóa XIV đã nêu rất rõ nguồn lực có hạn thì cần phải đến với người dân thông qua những sản phẩm cụ thể, hạn chế việc chi thường xuyên. Trong đó, hạn chế tối đa việc hội thảo tư vấn.

“Nhưng khi đọc Báo cáo của Chính phủ chúng tôi thấy cơ cấu này chưa hợp lý. Tôi mong Bộ trưởng quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn thì đến được với đồng bào dân tộc, những người hiện nay đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.

Đối thoại - Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Ủy ban Dân tộc nhận trách nhiệm (Hình 3).

Quốc hội dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Trả lời về ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai liên quan đến bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương.

Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn. Đồng thời, xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói, về bố trí vốn, Bộ trưởng nêu rõ là giao hết cho địa phương, đại biểu nhận thấy, xét về góc độ trách nhiệm thì không đúng.

Vì Nghị quyết 120 đã giao bố trí vốn cho Chính phủ và Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì tổng hợp, theo dõi, giám sát. Nhưng đến nay, tại nghị trường, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này đã giao hết cho địa phương, đó là trách nhiệm của địa phương, như vậy chưa ổn.

Về cơ cấu vốn, Nghị quyết 120 nêu rất rõ, vốn đầu tư 50, vốn sự nghiệp 54 và trong quá trình điều hành thì Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc để tăng chi đầu tư. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, nhiệm vụ tăng chi đầu tư đã rất rõ, nhưng khi đọc Báo cáo số 100 của Chính phủ, việc phân bổ cho hội thảo, công tác tư vấn chưa hợp lý. Đại biểu cho rằng, trong lúc nguồn lực có hạn, người dân còn nhiều khó khăn và có nhiều nhu cầu cấp thiết, chúng ta đầu tư cho hội thảo và tư vấn là không hợp lý.

Về việc chưa phù hợp với văn bản hiện hành, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần trao đổi lại với Chính phủ về số liệu, quan điểm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.