Tại các vùng quê, nhiều thanh niên vẫn hì hụi sống ngất ngưởng với nghề bắt chuột cống đem bán giả làm đặc sản chuột đồng. Mọi chuyện bắt đầu từ bài viết trên mạng của một người, hoặc là thích đùa cợt, hoặc là rất tử tế, anh (chị) ta muốn cứu bà con mình khỏi thảm họa lây bệnh tật từ việc bị người ta lừa đảo dùng chuột cống chế biến thành món ăn khoái khẩu.
Bán chuột cống kèm rau thơm
Để đến lúc sự việc ầm ĩ thì ai đó đi kiểm tra, thấy “tang vật bị tẩu tán” hết, nên vu cho anh (chị) ta đưa hoang tin làm khổ những lương dân hành nghề bán hủ tiếu. Quả thật, nếu đúng là “những người thích đùa xuất hiện” thì tôi rất thương người bán hủ tiếu một nắng hai sương, lo miếng ăn ngon nghẻ cho thiên hạ, lời lãi chả bao nhiêu giờ lại khổ sở vì tin đồn. Người viết bịa chuyện hay chỉ là họ chưa thu thập đủ bằng chứng thuyết phục hơn?
Chúng ta từng có những ví dụ tày trời kiểu đó: một làng cốm nổi tiếng Hà Nội dùng hóa chất làm xanh màu cốm, đoàn nhà báo thứ nhất đến điều tra tố cáo về nguy cơ độc hại khiến ai nấy hãi hùng. Khi báo chí về phỏng vấn lần thứ 2 để kiểm tra thông tin, người ta sẵn sàng lấy nguyên liệu lá lẩu tạo màu xanh của cốm theo lối truyền thống ra… trình diễn. Rồi lu loa là một bài báo sai làm cả nghề, cả làng truyền thống bao nhiêu đời nay bị tổn hại. Thế là đoàn nhà báo thứ 2 nói: đấy, bài báo trước quy kết oan cho làng cốm.
Nhà báo ác khẩu quá. Đoàn nhà báo “thanh minh cho làng cốm” vừa về, thấy yên chuyện, làng ấy lại dùng hóa chất nhuộm xanh như cũ và đoàn nhà báo thứ… 3 phải phản ánh tiếp. Lý do: dùng hóa chất nhanh gọn, rẻ tiền, công nghiệp hóa. Không có ai giám sát kiểm tra nữa, tội gì kẻ thất đức nó không làm. Liệu chuyện “chuột cống trong nồi hủ tiếu” có theo kiểu “cốm xanh ngọc” nhờ hóa chất không? Tôi không dám chắc chắn điều gì.
Bắt chuột cống ở các bệnh viện lớn bán cho người ta ăn
Có một sự thật là tôi từng điều tra nhiều vụ đi bắt chuột cống về bán, về làm đặc sản trên bàn tiệc ở miền Bắc. Một làng ở tỉnh Bắc Ninh, không ít thanh niên cả đêm lùng sục khắp các cống rãnh, bệnh viện lớn ở Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Hải Dương, Hưng Yên… để bắt chuột cống.
Họ công khai bắt, công khai bán. Và dân chúng “u mê” ăn ào ào. Tôi đã đi theo anh chàng này, một đêm anh ta bắt được vài chục kilogram chuột cống. Bắt ở phố Hà Nội, đặc biệt là các bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức, Xanh Pôn.
Những con chuột bằng bắp chân, nặng có lẽ đến cả ký lô, lông lá, bẩn thỉu, hôi hám, thậm chí chúng thường xuyên ăn các mẫu bệnh phẩm hay chất thải, rác thải ở bệnh viện nào đó. Khi chúng tôi “hóa trang” thành người nghiên cứu để đến các gia đình bắt chuột cống làm đặc sản này, thì họ tiết lộ: một thành viên trong nhà, một ngày bắt được 30 kg chuột cống, họ bỏ túi 3 triệu đồng.
Chuột cống mổ ra, ria chuột đem làm lông mi giả cho quý bà ở tiệm thẩm mỹ,thịt chuột bán ngay ở làng, bán cho các hàng quán ở Từ Sơn (Bắc Ninh), làm các mâm cỗ do người Hà Nội đặt “đặc sản chuột đồng ở làng truyền thống ăn thịt chuột”. Ghi âm, ghi hình mọi chuyện, chúng tôi còn xin số điện thoại của quán đặc sản dùng nguyên liệu “chuột cống” do anh ta bắt được hằng đêm. Khi gọi đặt “cỗ”, người ta ngọt xớt, dẻo quẹo nói là chuột đồng ngon lắm, bán đến ngót triệu đồng/mâm.
Một phó giáo sư ở Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, sau khi nghe chúng tôi trình bày vấn đề, đã kinh sợ trả lời rất thống thiết về sự bất nhân của đám người kia. Trước khi viết những dòng này, chúng tôi lại cập nhật thêm về một làng ở Hưng Yên với nhiều người bắt chuột cống về mổ bán cho người khác ăn. Họ cứ đàng hoàng, thanh thiên bạch nhật đi bắt chuột cống về bán.
Cấm thấy ai hỏi han, kiểm tra, nhắc nhở bao giờ. Sau vụ nồi hủ tiếu dính nghi án nấu nước lèo bằng chuột cống, tiến sĩ Lâm Quốc Hùng - trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) - đã phát biểu trên báo chí: “Chuột cống là động vật chưa được cơ quan chức năng kiểm soát vì không coi đây là thực phẩm, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm".
"Nếu người dân cố tình sử dụng động vật này là vô trách nhiệm với sức khoẻ bản thân. Người cung cấp những sản phẩm này cũng vô trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm, vì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn để chế biến”.
Cơ quan giám sát, quản lý an toàn thực phẩm bao giờ cũng đi sau, phản ứng của họ chưa hiệu quả, hoặc có thể họ không có phản ứng gì. Ai đó bảo, người Việt Nam đang đồng thuận để tự sát tập thể bằng… thực phẩm bẩn.
Sờ vào món gì cũng bẩn, từ lúc ngủ dậy ăn sáng với bún, phở, bún chả - thì dính bún trộn hóa chất, phở ngâm phoóc môn, chả nướng bằng thịt thối “phù phép” bằng chất tẩy rửa; trưa đi ăn thì cũng vậy, rau nhiễm thuốc kích thích tăng trưởng, lợn gà nuôi tăng trọng, rồi nước khoáng đóng chai bẩn, nước ngọt làm bằng hóa chất, sinh tố bằng hoa quả tẩm hóa chất hoặc hoa quả thối, cà phê làm bằng ngô rang cháy trộn với hóa chất có mùi vị cà phê…
Cái gì cũng độc hại, nhiều người co cụm lại tự trồng rau, tự nuôi gà mà ăn, như thời… tự cung tự cấp nửa thế kỷ trước. Có người liều, món gì cũng độc, đến vào siêu thị mua ở gian hàng “thực phẩm an toàn” với giá cắt cổ cũng vẫn dính độc hại cơ mà, thôi thì… cứ ăn đi, vì đằng nào cũng… như nhau.
Nếu không “cải tổ” vấn đề an toàn thực phẩm, thì rõ ràng tất cả chúng ta đã đồng thuận để tự sát tập thể, hoặc cùng hẹn nhau ở bệnh viện ung thư. Sau mỗi gánh hàng rau, gánh hàng hoa, hay nồi hủ tiếu, quán phở nhỏ xíu là số phận của bà con mình, của nhiều người khác nữa.
Xin nhắc lại, họ có thể là bố mẹ người viết bài này, họ một nắng hai sương, có khi nuôi cả các ông cử cậu tú cho non sông này. Nhưng chuyện bắt, bán, chế biến chuột cống làm món ăn, làm đặc sản như các bức ảnh tôi công bố ở trên, thì tôi dám khẳng định: Đó là sự thật 100%. Sự thật đó ở ngoài Bắc, sợ gì mà nó không chạy vào Nam được nhỉ và nếu nó chạy vào rồi thì cũng có gì đáng ngạc nhiên đâu nhỉ?
Chuột cống trong lồng trước khi làm thịt.
Hẹn gặp nhau ở bệnh viện ung thư
Tôi xin kể một câu chuyện khi đi nuôi bệnh nhân ở bệnh viện Ung bướu Trung ương, như sau: 4 người một giường, có người nôn mật xanh mật vàng, rụng trụi tóc vì truyền hóa chất điều trị ung thư, họ phải cầm chai hóa chất treo lên cái cây rồi ngồi dưới gốc cây đau đớn hãi hùng “nghe” hoá chất tuồn vào cơ thể teo tóp của mình.
Nó còn là một phần hậu quả của việc quản lý thực phẩm thiếu nhân văn, được chăng hay chớ. Tại bệnh viện đó, tôi tâm sự với hai người bị ung thư đầu trọc, da xanh như lá rừng. Một anh khoe, anh trồng chè, bao giờ cũng dành riêng một luống chè không phun thuốc trừ sâu để cho gia đình mình uống, số độc hại anh bán cho “chúng nó” xơi.
Một anh trồng rau ở Hà Nội bảo, rau của tớ không phun thuốc sâu thì sâu nó ăn hết, không kích thích nó lớn nhanh thì mình rã họng vì đói, thế là anh phun tất. Riêng rau để nhà anh ăn thì trồng riêng ra một luống rau sạch, ăn sống ngon ơ, sướng lắm. Tôi nghe mà đau lòng, giờ kể ra càng đau lòng, vì 2 anh ấy đều đã chết.
Anh trồng chè dành riêng đồi chè sạch cho mình uống lại mua rau của anh bán rau bẩn về ăn; còn anh trồng rau dành riêng cho mình một luống rau sạch để ăn cho sướng mồm, thì lại nhâm nhi uống chè chứa thuốc trừ sâu của anh chè bẩn.
Càng đọc nhiều, càng đi nhiều nước trên thế giới, tôi càng sợ hãi khi nghĩ đến cái cảnh đồ ăn thức uống, thực phẩm nói chung của chúng ta bị thả lỏng. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán. Chả đâu xa, ngay chuyện chuột cống, tôi viết báo, in ảnh về vụ “cả làng ăn chuột cống”, con đường kinh dị để chuột cống biến thành đặc sản trên bàn tiệc của bà con mình từ lâu, nhưng cơ quan chức năng vẫn cứ mặc kệ.
Người ta không xử lý hay xử lý rồi mà lực bất tòng tâm? Chỉ biết sự việc đâu đóng đấy, các vùng quê, thanh niên vẫn hì hụi sống ngất ngưởng với nghề bắt chuột cống đem bán làm đặc sản.
Theo Lao động