Người Khùa là dân tộc ít người sống chủ yếu ở miền núi phía Tây Quảng Bình. Theo phong tục, trong đời một người đàn ông dân tộc này phải tổ chức 3 lần cưới với vợ của mình. Dường như với người Khùa, cả cuộc đời là chuỗi ngày dài kiếm tìm tính chính danh cho hai tiếng vợ chồng.
Xưa con trai dân tộc Khùa ở bản Hà Vi (xã Dân Hóa, Minh Hóa) bước sang tuổi đôi mươi bắt đầu rủ nhau đi "bắt" dâu, khởi đầu hành trình 3 lần cưới trong đời của họ.
Theo phong tục, trong lần cưới đầu tiên, người con trai phải cùng cậu hoặc chú ruột đến nhà cô gái đưa lễ vào lúc nửa đêm ngày lành. Nghe 3 tiếng gõ vào cầu thang, mẹ cha cô gái sẽ thức giấc, ra cửa đón lễ cưới của nhà trai gồm một thanh kiếm, một con gà và một ché rượu.
Với người Khùa, thanh kiếm là hiện thân cho sức mạnh đàn ông; con gà thể hiện sự chân chất, thành thật; còn rượu tượng trưng cho tình cảm mặn nồng. Trong lúc mọi người say sưa chuyện trò, uống rượu, chàng trai đến buồng cô gái, dắt người mình yêu về nhà. Hai người ở với nhau 3 ngày. Chàng trai chuẩn bị lễ vật gồm: Cá mát dưới khe, 2 hũ rượu ngon, 3 nén bạc rồi cùng vợ qua nhà bố mẹ vợ để ra mắt chính thức. Nghi thức quan trọng nhất trong ngày cưới là lễ buộc chỉ cổ tay cho đôi trai gái.
Nơi gian ngoài cùng của ngôi nhà sàn, cô dâu chú rể ngồi bên chiếc Ku-tôộc (mâm đan bằng mây tre) hướng về bàn thờ tổ tiên, trên chiếc Ku-tôộc có đặt hai sợi chỉ hồng song song. Ngồi ở vị trí trịnh trọng nhất trước mặt đôi tân hôn là người mai mối và trưởng tộc hai họ. Lúc người mai mối tuyên bố buổi lễ bắt đầu, cô dâu chú rể lập tức cúi úp mặt xuống sàn nhà, tay lật ngửa giơ lên hướng về bàn thờ tiên tổ. Khi lời cầu khấn của 3 vị chủ lễ đã dứt thì đôi uyên ương mới được phép ngước lên và người mai mối tiến lại lấy chỉ buộc vào cổ tay hai người. Thời khắc sợi dây nối kết lời thề nguyền trọn đời hạnh phúc của đôi tân hôn được buộc xong thì tiệc cưới chính thức bắt đầu. Dân bản vui như trảy hội.
Lần cưới thứ hai còn gọi là lễ nhân nghĩa được tổ chức khi họ đã cùng bước vào tuổi trung niên (khoảng ngoài 40 tuổi). Ở đám cưới lần này, không có quy tắc nào bắt buộc đối với cặp vợ chồng mà tùy vào điều kiện, họ có thể mời cả bản đến dự lễ hoặc chỉ mời đại diện các già làng trong bản.
Lễ cưới lần thứ ba mới là quan trọng. Bà con quan niệm, trong vòng đời "sinh, trụ, dị, diệt" thì lễ cưới lần thứ ba khi người ta đã về già là có ý nghĩa nhất, bởi nó là sự minh chứng rõ ràng nhất cho mối tình thủy chung, son sắt, gắn bó cộng khổ, đồng cam của hai vợ chồng.
Lễ cưới lần thứ ba có khá nhiều thủ tục nặng nề nên đa số vợ chồng người Khùa gần 50 tuổi mới tổ chức. Lễ vật cưới phải có trâu, bò, heo, gà, vòng bạc, xiêm y vô cùng tốn kém nên trai Khùa hầu như luôn chung thủy. Ở lần cưới này, có những cặp vợ chồng khi đã làm ông bà rồi mới trở nên vợ chồng thực thụ; rồi có những trường hợp chưa kịp cưới lần thứ ba thì người chồng hoặc người vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Lúc này, con trai trưởng trong gia đình sẽ có trách nhiệm làm lễ cưới cho bố, mẹ dù cả hai hay một trong hai người đã khuất, để đủ số lần theo tục lệ. Người Khùa gọi đây là đám cưới ma.
Đám cưới ma là linh hồn cuộc sống tâm linh của người Khùa. Vì với họ, con chim bay trên trời có đôi có lứa, con người sống trên núi có hình có bóng. Chết rồi cũng có thương có nhớ. Con cháu phải làm đám cưới ma. Không làm không phải con cháu người Khùa.
Ngày nay cuộc sống thay đổi nên người Khùa bỏ phong tục cưới 3 lần, mà gộp lại để tổ chức một lần. Tuy nhiên, từ trong thâm sâu họ vẫn nhớ như in phong tục cưới xin do ông cha để lạin
Có một điều đặc biệt, trong trường hợp người chồng phát hiện vợ của mình ngoại tình thì ngoài việc khuyên giải, làm hòa ra, người chồng còn phải làm thịt một con gà mái tơ để mời người vừa ngoại tình với vợ mình tới trao đổi chuyện đã xảy ra. Tiếp đó, còn làm lễ buộc chỉ cổ tay cho người đàn ông ngoại tình với vợ mình. Việc làm này nhằm nhắc nhở người đàn ông từ sau hãy từ bỏ những mối quan hệ bất chính, đừng đi phá vỡ cảnh yên ấm của gia đình người khác.