Chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... ở nước ngoài

Chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... ở nước ngoài

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến theo tên vợ: Ông Ba Thọ. Tính ông xuề xòa, nghe đấy rồi cũng để đấy, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn với người. Có lẽ, những đức tính của một người lính cụ Hồ năm nào vẫn còn đậm nét trong ông.

Những cái duyên với đất và người

Tôi may mắn có cơ hội làm quen và tiếp xúc với ông trong đại hội người Campuchia gốc Việt ở Thủ đô Phnôm Pênh. Vẻ chân chất và hiền lành có phần xuề xòa của ông không dễ gây sự chú ý của người khác nhưng khi đã quen rồi thì những câu chuyện cởi mở cứ lan dần từ chuyện này sang chuyện khác. Chuyện làm ăn buôn bán, chuyện bà con xa xứ, chuyện tối lửa tắt đèn với những buồn vui của một người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".

Công việc chính hàng ngày của ông vẫn là lái xe tuk-tuk, chở khách du lịch đi tham quan khắp đô thành. Công việc khác, chỉ là "phụ" thôi nhưng với ông lại là niềm an ủi lớn nhất lúc tuổi già đó là phụ trách một chi hội người Campuchia gốc Việt ở Phnôm Pênh, kiểm soát tình hình đi lại, làm ăn sinh sống, thủ tục pháp lý và khi cần sẵn sàng ra tay giúp đỡ những số phận éo le trong khả năng có thể.

Xã hội - Chuyện 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng'... ở nước ngoài

Ông Ba Thọ, người lái xe tuk-tuk kiêm cán bộ hội người Campuchia gốc Việt ở đô thành Phnom Pênh

Đã từng gặp nhiều nhân vật "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng ấn tượng về những câu chuyện cuộc đời của ông ít nhiều khiến tôi cảm thấy thú vị riêng. Ông từng là một người lính trong đội quân tình nguyện tham gia giải phóng nước bạn Campuchia. Cuộc đời long đong lận đận, ông cũng đã từng trải cả, rốt cục, cái duyên với đất nước chùa tháp vẫn theo vợ chồng ông.

Sinh năm 1958 ở Campuchia, cha mẹ ông đều là người Việt nhưng vì kế mưu sinh mới sang đó làm ăn sinh sống. Sau năm 1970, do tình hình chính trị có nhiều biến động, vua Xihanuc bị lật đổ bởi chế độ Lon-non kéo theo sự hiểu lầm dân tộc, hàng loạt học sinh sinh viên Campuchia xuống đường phản đối người Việt, gia đình ông đành phải kéo nhau về Việt Nam.

Quê mẹ ở Tân Châu, An Giang nhưng trong quá trình chạy loạn, gia đình ông trở về Vũng Tàu rồi bị chính quyền Sài Gòn cũ dồn lên Lâm Đồng lập ấp. Đầu 1972, mẹ ông trở về thăm quê gặp đúng mùa hè đỏ lửa, sự kiện này vẫn còn ghi dấu trong tâm trí cậu bé 14 tuổi Nguyễn Văn Thọ.

Chuyển về Tân Châu, gia đình ông sinh sống bằng nghề lái xe đò chở khách. Đến năm 1977, ông đã trở thành công an xã Tú Tề, huyện Tân Biên (tức Chi Lăng, An Giang bây giờ). Năm 1979, ông xung phong đi bộ đội. Xét theo cơ chế, ông không nằm trong danh sách tòng quân vì đã là cán bộ xã, thậm chí sau 3 tháng luyện quân ở Đồng Tâm còn bị "trả" về địa phương nhưng ông kiên quyết không nghe. Vào tiểu đoàn 6 hỏa lực của sư đoàn 8, Quân khu 9, ông theo quân tình nguyện sang giải phóng nước bạn Campuchia.

Địa bàn đóng quân ở Cam bốt, người Việt Nam thường gọi khu vực này là núi Tượng Lăng, bà con Campuchia ở đây cũng chủ yếu là người Khơme khá hiền lành và thân thiện. Qua thời kì chiến trường đối đầu trực tiếp, nhiệm vụ của bộ đội lúc bấy giờ là chiến đấu chống lại những tàn dư của Khơme Đỏ và giúp đỡ bà con trong việc sản xuất, làm ăn.

Do có vốn tiếng Campuchia khá tốt, ông trở thành thông dịch cho tiểu đoàn. Được một thời gian, do tính "ương" ông trở về Việt Nam công tác, được bổ sung vào đơn vị Vận động tiễn quân của tỉnh An Giang. Nhiệm vụ của đơn vị ông lúc bấy giờ là vận động, tuyển quân từ các đơn vị để ra chiến trường, thay thế cho những quân nhân đã làm tròn nhiệm vụ. Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã gặp người vợ chung thủy cùng chung lưng đấu cật với ông bao năm.

Số là, lúc ấy bà đã là phó phòng kế hoạch sở Thương nghiệp tỉnh, theo chỉ tiêu, ông về "tuyển quân" ở cơ quan bà. Đang thời kì công việc gấp gáp, đòi hỏi nhiều nhân lực, lại bị thiếu người, bà có chút ác cảm với ông. Thế nhưng đến kì hội trại của một số đơn vị địa phương, ấn tượng của bà về ông đã thay đổi hẳn. Do có một số chiến sĩ trẻ sai quân lệnh, bắn đạn lên trời để giương oai, gây khó chịu với bà con, đích thân ông ra tay chỉnh đốn. Lúc ấy ông đã là "sếp" trong đơn vị Vận động tiễn quân nên những cậu lính trẻ này phải chấp nhận kỉ luật nặng theo quân lệnh.

Đến năm 1982, vợ chồng ông đến được với nhau. Ông chuyển về làm công tác thương nghiệp ở địa phương cùng với bà nhưng do đời sống quá khó khăn, hai vợ chồng làm không đủ nuôi ba miệng con, ông bàn với vợ trở về đất Campuchia làm ăn sinh sống. Phải rời xa đất mẹ, ra nước ngoài, cho dù sống quần cư với người Việt nhưng cũng khiến bà phải suy nghĩ. Rồi bà thuận theo chồng, cả gia đình bồng bế nhau đi. Sang tới đô thành Campuchia, vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ rồi vay mượn ít tiền, mở một cửa hàng nho nhỏ tráng bánh cuốn để bán.

Được cái, đất và người Campuchia khá lành, người Việt sang mở cửa hàng, nhất là hàng ăn thì khá được chuộng. Về mặt thủ tục cũng không quá khó khăn gì, vợ chồng cứ mở cửa hàng, xoay từ nghề này sang nghề khác cũng túc tắc kiếm đủ ăn, nuôi các con nên người.

Cũng có thời khó khăn quá, vợ chồng phải chia nhau ra buôn bán lặt vặt rồi đi làm thuê, làm mướn cho người. Mãi tới thời gian gần đây, kinh tế khấm khá hơn, vợ chồng ông mới tậu được xe tuk-tuk để đi chở khách. Các con cũng đã khôn lớn nên cuộc sống cũng bớt đi gánh nặng áo cơm, ông có thời gian nhiều hơn cho công việc của hội người Việt ở đô thành Campuchia.

Xã hội - Chuyện 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng'... ở nước ngoài (Hình 2).

Tổng hội người Campuchia gốc Việt ở đô thành Phnom Pênh là nơi sinh hoạt chung của bà con người Việt.

Người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Sau khi sang Campuchia được một thời gian, nhận thấy cuộc sống của bà con người Việt ở đây tuy có dễ chịu về kinh tế, sinh sống nhưng khi tính tới các thủ tục pháp lý và hành chính khi cần thì không khỏi phiền hà, đi kèm với đó, những nguy cơ khác cũng không ít. Vợ chồng ông vốn đã trở thành thành viên hội người Việt đô thành lúc bấy giờ nên cũng muốn tham gia nhiều hơn vào việc hỗ trợ bà con vì "chung một dòng máu cả, lá lành đùm lá rách lúc tắt lửa tối đèn chẳng phải hơn sao". Với sự hỗ trợ và quán xuyến việc nhà của bà, ông có cơ hội tham gia tích cực vào công tác đoàn thể.

Ông vẫn thường bảo vợ: "Tôi chẳng cần phải lên chùa, tụng kinh làm gì đâu, mỗi ngày mỗi tháng tôi cố gắng giúp bao nhiêu người cũng đã đủ để lại phước cho các con rồi". Quả vậy, việc của hội hoàn toàn là do tình nguyện, không có ai trả lương cho các thành viên làm cán bộ, phụ trách các chi hội nhưng tất cả mọi người đều làm với tất cả nhiệt huyết của mình. Việc giúp đỡ bà con ổn định nơi ăn chốn ở, việc hỗ trợ nghề nghiệp, con em học tập... Kể cả những việc giúp đỡ tìm người nhà bị bắt cóc, bị bán sang Campuchia cũng được ông và những người bạn hết sức cố gắng. Những trường hợp như vậy không hiếm, vừa khó lại vừa nguy hiểm nhưng nghĩ tới giọt nước mắt của người cha người mẹ mất con, người cán bộ hội không đành lòng bỏ qua.

Những lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật, người ta cũng tìm đến hội người Việt đô thành, chính những người này lại tự thân đi vận động các cơ quan đoàn thể giúp đỡ. Cứu đói, chữa bệnh, từ thiện, thậm chí cả những việc liên quan tới pháp luật của bà con người Việt cũng phải tự mình tham gia. Bà con đánh nhau, bị chèn ép, phiền hà giấy tờ gì cũng gọi đến hội, mà gọi đến hội trước tiên là gọi người phụ trách khu vực. Công việc nhiều không kể xiết, phải bỏ công việc chính làm ăn sinh sống để làm việc "phụ" là chuyện bình thường.

Ông kể, năm 2005-2006, có một bà cụ bị đi đường bị ngã, gãy xương chậu, người đi đường mới gọi ông đưa bà cụ đến bệnh viện. Tới nơi, các y bác sĩ tưởng ông là con cháu của bà cụ, "ấn" luôn việc chăm sóc cho ông. Thay mặt hội, ông lại đi xin khắp các cơ quan đoàn thể, các mạnh thường quân để có tiền viện phí chữa trị cho bà cụ. Số tiền 700 - 800 USD, phần đi xin được, phần ông phải bỏ tiền túi ra, đến việc chăm sóc bà cụ thì lại càng khó hơn. Tính bà cụ khó, phải nằm một chỗ càng thêm khó, phải thuê người trông giữ chăm sóc hết gần chục đô một ngày nhưng mà bị làm khó quá, mấy người phải bỏ việc, ông lại phải bỏ hết việc nhà để đến chăm bà cụ.

Sau khi khỏi, có nhã ý đưa bà cụ vào chùa để được chăm sóc nhưng bà cụ nhất quyết chối vì: "Ở bên ngoài tôi lang thang đi ăn xin cũng được mấy ria (tiền Campuchia) đủ để ăn hủ tiếu, thoải mái hơn chứ không bị ép buộc giờ giấc như trong chùa". Bà cụ nói thế đành chịu, về sau, khi ra đường, có khi gặp lại, bà cụ cũng làm lơ như chưa từng biết người đã ra tay cứu giúp mình. Ông Ba Thọ tâm sự, việc như vậy thì nhiều, nhưng mà cũng chẳng trách người ta để làm gì, cốt mình làm đúng lương tâm là được. Mỗi ngày được làm việc, được giúp đỡ mọi người với ông đã là một niềm vui không toan tính.

Đỗ Huệ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.