Bước đi mang tính đột phá của bầu Đức
Cách đây 5 năm, khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức của CLB HA.GL tuyển sinh lứa đầu tiên cho học viện bóng đá HA.GL - Arsenal.JMG (JMG là tên viết tắt của cựu danh thủ người Pháp Jean Marc Guillou, người khai sinh ra hệ thống học viện này trên toàn thế giới), nhiều người khi đó bảo rằng ông Đức chơi trội.
Bản thân bầu Đức lúc đó cũng có phát biểu gây sốc khác, khi ông cho rằng những cầu thủ trưởng thành từ học viện của mình sau này sẽ xuất khẩu để đá cho các đội bóng nổi tiếng trên thế giới, chứ chưa chắc họ sẽ ra lò và đá cho các đội bóng trong nước, kể cả CLB HA.GL của chính ông Đức.
Dĩ nhiên, 5 năm về trước, nhiều người xem lời phát biểu của bầu Đức mang tính quảng cáo nhiều hơn là tin vào chuyện của những năm sau đó, khi những cầu thủ mà ông Đức tuyển lựa trưởng thành rồi thành danh. Người ta không tin bầu Đức bởi từ trước đến giờ, ông chủ của HA.GL không thiếu những phát biểu gây sốc kiểu như vậy trong đá nội (kiểu như khi đưa Lee Nguyễn về phố núi, ông Đức nói ngay HA.GL có đến 98% vô địch V.League 2009, nhưng rốt cuộc đội bóng này lại đá rất kém ở mùa giải năm đó). Thế nhưng, khi mà Arsenal chính thức ngỏ lời với HA.GL, nên đưa những cầu thủ xuất thân từ học viện HA.GL - Arsenal.JMG sang London (Anh) để thử việc cùng CLB Arsenal, người ta mới chợt nhận ra rằng bầu Đức không hề nói quá về học viện của ông.
Các cầu thủ trẻ của HA.GL trong thời gian thử việc tại Arsenal
Đúng là ông Đức thường có nhiều ý tưởng lạ, nhưng đúng với chất của một người đàn ông thành công trên thương trường, chính những ý tưởng lạ của ông Đức thường mang lại những bước đột phá cho chính ông và phần nào cho cả bóng đá Việt Nam.
Cách đây nhiều năm, từ hồi mới chập chững bước vào làm bóng đá, bầu Đức là người đã đưa ra ý tưởng đưa ngôi sao số một của bóng đá Đông Nam Á lúc ấy là Kiatisuk về khoác áo đội bóng phố núi. Ngày ấy, không ai tin bầu Đức làm được điều này, cũng không ít người cho rằng bỏ ra 13.000 USD/tháng để trả cho một cầu thủ trong vùng Đông Nam Á như Kiatisuk là quá đắt, đồng thời thương vụ trên khó mang lại hiệu quả về mặt chuyên môn. Thế nhưng, ông Đoàn Nguyên Đức cuối cùng vẫn làm được cái điều mà ông muốn làm. Ngoài ra, việc đưa Kiatisuk về phố núi không những mang lại thành công lớn về mặt chuyên môn, mà còn mang lại thành công đáng kể về mặt thương hiệu cho gỗ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Với ý tưởng tương tự như vậy, học viện HA.GL - Arsenal.JMG ra đời, để rồi giờ này là giai đoạn mà bầu Đức bắt đầu mơ đến chuyện "hái quả". Có khá nhiều ý tưởng thành lập học viện bóng đá, liên kết với các CLB danh tiếng ở châu Âu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng cho đến giờ, chỉ có học viện của bầu Đức là đào tạo nghiêm túc nhất và bước đầu thu được kết quả.
Sau khi nhận được tin 4 cầu thủ của mình là Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng được sang thử việc tại CLB Arsenal, ông bầu Đoàn Nguyên Đức vẫn tỏ ra khá bình thản: "Khi lập ra học viện này, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cầu thủ cho lứa U.18 của Arsenal. Thành ra, khi hay tin 4 cầu thủ của mình được sang thử việc tại Arsenal, tôi cảm thấy đây là điều hết sức bình thường. Chưa có gì phải mừng cả vì họ vẫn còn chặng đường dài phía trước".
Có thể đấy là điều bình thường với ông Đức trong bối cảnh mà ông hiện có khá nhiều lo toan trong công việc kinh doanh vốn đã rất bề bộn của mình. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, thì chuyện 4 cầu thủ của HA.GL sang Arsenal thử việc vẫn là một cột mốc đáng chú ý, bởi không dễ có chuyện một CLB hàng đầu nước Anh lại quan tâm đến những cầu thủ xuất thân từ một nền bóng đá thuộc vùng trũng của làng túc cầu thế giới.
Hình mẫu thời bóng đá Việt khủng hoảng
Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam nhiều năm trở lại đây phát triển không đúng chất chuyên nghiệp, rất nhiều CLB dù được gắn mác nhà nghề lại không có tuyến kế cận, thì chuyện một đội bóng như HA.GL có cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo, được chú ý là vấn đề cho thấy vẫn còn có người làm bóng đá quan tâm đến khâu đào tạo bóng đá trẻ.
Bóng đá trẻ là cái gốc của mọi nền bóng đá. Làng túc cầu Việt Nam mấy năm nay sa sút, còn các đội tuyển cấp độ Quốc gia thường xuyên thất bại trên đấu trường quốc tế cũng xuất phát từ chuyện chúng ta không làm tốt khâu đào tạo, trong khi đội tuyển không còn con người tốt đủ để làm nên chuyện tại các giải tầm khu vực.
Các CLB trong nước chạy theo thành tích, sử dụng cầu thủ ngoại tràn lan khiến cho khâu đào tạo càng bị bỏ lỏng. Khâu quản lý kém của VFF càng khiến cho các CLB ít quan tâm đến việc đào tạo trẻ. Giờ đây, người ta kiếm một đội bóng đá ở V-League dễ hơn mở một học viện bóng đá rất nhiều. Chỉ cần mua lại suất, gom cầu thủ là có thể đá ở V-League, thậm chí cạnh tranh thứ hạng cao ở giải đấu này. Sau đó vài năm, sau khi đã đánh bóng xong thương hiệu, sau khi đã trở nên nổi tiếng, người ta có thể bỏ ngay đội bóng đá, bất chấp hậu quả mà họ có thể để lại. Trong khi đó, để hình thành nên một học viện bóng đá tốt, người đầu tư phải tốn nhiều năm trời cho công tác trồng người, nhưng chưa chắc thu lại kết quả khi lứa cầu thủ ấy trưởng thành. Việc 4 cầu thủ Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng được gọi sang Arsenal thử việc theo yêu cầu của chính HLV lừng danh Arsene Wenger có thể là bất ngờ ngay với cả những người đang quản lý học viện HA.GL - Arsenal.JMG, nhưng đó là bất ngờ dễ chịu cho công việc trồng người của họ.
Bóng đá Việt Nam cũng cần một sự nhân rộng các mô hình như thế, sau khi đã có thành công bước đầu từ học viện bóng đá trẻ của HA.GL. Chỉ khi làm tốt công tác đào tạo trẻ, bóng đá trong nước mới mong có một thế hệ cầu thủ tốt hơn so với thế hệ cầu thủ vừa thất bại thảm hại tại AFF Cup 2012. Chỉ có điều, để làm tốt công tác đào tạo thì chúng ta cần có đội ngũ quản lý ở thượng tầng trong bóng đá giỏi, có những chiến lược rõ ràng. Chúng ta cần cả sự kiên nhẫn và cần cả tiền trong khi đây lại là yếu tố mà những người làm bóng đá thiếu nhiều nhất.
Ngay đến HA.GL sau lứa đầu tiên của học viện được tuyển sinh cách đây 5 năm, giờ cũng chưa tuyển sinh thêm lứa thứ 2. Vấn đề ở đây có thể là tiền dành cho công tác đào tạo, cũng có thể là bầu Đức đang cần chờ xem hiệu quả của lứa đầu tiên đến đâu, trước khi tính đến chuyện tuyển sinh thêm những lứa khác.
Nói gì thì nói, những ai có liên quan đến bóng đá Việt Nam, hoặc có quan tâm đến làng túc cầu nước nhà đều đang trông chờ vào tương lai của lứa cầu thủ đã có vinh dự được đến thử việc tại CLB Arsenal. Nếu không thành công trong lần thử thách đầu tiên của mình, thì những Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng chắc chắn vẫn còn nguyên cơ hội của họ. Nếu một ngày nào đó, họ thật sự được khoác lên mình chiếc áo đấu chính thức của Arsenal, thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra một hiệu ứng cực lớn, khuyến khích các cầu thủ nhí đến với bóng đá, khuyến khích chính các lò đào tạo chăm lo hơn nữa cho việc trồng người.
Sau HA.GL - Arsenal.JMG, đến lượt PVF? Ngoài học viện bóng đá trẻ HA.GL - Arsenal.JMG, nếu để đi tìm một lò đào tạo trẻ quy củ khác đang có những bước đi vững vàng, đó chỉ có thể là học viện bóng đá PVF, đang đóng quân tại trung tâm TDTT Thành Long (TP.HCM). Các tuyến trẻ của học viện này mấy năm gần nhất luôn gặt hái thành công nhất định tại các giải bóng đá trẻ cấp Quốc gia nhiều lứa tuổi. Từ học viện PVF, bóng đá Việt Nam đang hình thành nên một loạt HLV chuyên đào tạo cầu thủ trẻ như Trần Minh Chiến, Nguyễn Hữu Đang, Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Một học viện khác là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam tọa lạc tại Mỹ Đình, ngay gần trụ sở VFF, nhưng đến nay vẫn hoạt động kém hiệu quả và cũng chưa thấy triển vọng gì tốt cho tương lai, dù khi mới ra đời, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều, lại còn làm tốn không ít tiền tài trợ từ FIFA. |
Viễn Kiều