Chiều ngày 17/7, tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố bản luận tội, Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng Phòng, Cơ quan ANĐT Bộ Công an là bị cáo đầu tiên được tiến hành bào chữa.
Hưng cũng là một trong ba bị cáo xin HĐXX được tự bào chữa trước, sau đó các luật sư mới tham gia bào chữa.
Ngay trong những lời đầu tiên, Hoàng Văn Hưng đã khẳng định “bị oan, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã buộc tội oan cho bị cáo với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, số tiền rất lớn và mức án đề nghị rất cao”.
Theo bị cáo này, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc buộc tội oan sai cho. Thứ nhất là lời khai của Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội) là không đúng sự thật, hoàn toàn đổ trách nhiệm cho Hưng. Lời khai của Nguyễn Thị Thanh Hằng là do được tạo dựng có định hướng nhằm cố tình bảo vệ cho lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và cố tình đổ tội cho Hoàng Văn Hưng.
Nguyên nhân thứ hai là theo Hoàng Văn Hưng khẳng định đây là nguyên nhân chính là việc các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt Cơ quan ANĐT đã cố tình buộc tội oan cho bị cáo.
“Bản kết luận điều tra không đúng, không khách quan và có cả những “vấn đề nội bộ” nhưng bị cáo không tiện trình bày ở đây. Các cơ quan tố tụng đã đi ngược lại với quan điểm của các cấp có thẩm quyền về chống oan sai, vi phạm nhiều nội dung được quy định tại Bộ Luật tố tụng hình sự”, Hưng khẳng định.
Để chứng minh cho nhận định của mình, Hoàng Văn Hưng đưa ra 5 dẫn chứng liên quan đến hoạt động điều tra và tố tụng.
Thứ nhất, bị cáo này cho rằng việc khởi tố và định tội danh đối với bị cáo xuất phát từ định kiến và sự nóng vội của cơ quan điều tra.
“Cơ quan điều tra đã vội vàng gán cho bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt bị cáo mà không có bất kỳ một chứng cứ gì, chỉ dựa vào lời khai một chiều của Nguyễn Anh Tuấn. Dù từng công tác ở Cơ quan ANĐT, nhưng Cơ quan ANĐT đã không cho bị cáo có bất kỳ cơ hội nào để giải trình, giải thích về những cáo buộc vô căn cứ.
Điều đó cho thấy cơ quan điều tra không chỉ dừng lại ở thiếu thận trọng, nóng vội mà phải gọi là liều lĩnh, xem nhẹ sinh mệnh chính trị của người khác, coi thường pháp luật. Cơ quan điều tra bắt bị cáo với tư tưởng cứ bắt vào, nhốt vào là sẽ khai nhận” Hưng nói và đặt câu hỏi: Không biết rằng đây có phải là phương pháp điều tra mới của cơ quan ANĐT hay không?
Thứ hai, bị cáo này cho biết ngay khi bị bắt đã liên tục kêu oan nhưng cơ quan điều tra không có bất kỳ cuộc hỏi cung nào với bị cáo để xác định có hay không hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra chỉ tiến hành duy nhất 1 buổi hỏi cung nhưng chỉ hỏi về việc nhờ luật sư bào chữa và một số vấn đề không liên quan.
“Chỉ sau đó 3 tháng, bị cáo mới có 1 buổi hỏi cung kéo dài 10 tiếng. Và trong cuộc hỏi cung này và những lần sau đó, câu đầu tiên các điều tra viên nói lúc nào cũng là cơ quan điều tra có căn cứ để khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo. Nhưng khi bị cáo hỏi căn cứ gì thì các điều tra viên không đưa ra.
Mãi sau này khi được đọc kết luận điều tra, bị cáo mới biết đó chỉ là lời khai một chiều của Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng. Bên cạnh đó, kết luận điều tra đã viện dẫn những điều không đúng sự thật, định hướng cho người đọc hiểu theo hướng bất lợi cho bị cáo”, Hưng khẳng định.
Thứ ba, theo Hoàng Văn Hưng khi nhận thấy bị oan sai, Hưng đã yêu cầu cơ quan điều tra cho tổ chức đối chất với bị cáo Tuấn và Hằng nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
“Mãi đến sau này khi gần kết thúc điều tra, bị cáo mới được đối chất với các bị cáo khác và đã làm rõ nhều vấn đề bất hợp lý. Bên canh đó, bị cáo và anh Tuấn cùng bị bắt giam, bị cáo Hằng được tại ngoại thì theo đúng quy trình phải tổ chức cho bị cáo đối chất với Hằng trước, với anh Tuấn sau nhưng cơ quan điều tra lại cho bị cáo đối chất với anh Tuấn trước. Mục đích là để Hằng nắm được lời khai của anh Tuấn và bảo vệ những lời khai đó”, cựu điều tra viên nói.
Bên cạnh đó, Hưng cho rằng căn cứ đối chất chỉ có lời khai, chứ không có bất kỳ chứng cứ gì.
Về trình tự đối chất, Hưng cho rằng cần phải tiến hành đối chất trước rồi mới công bố các lời khai. Nhưng cơ quan điều tra đã cho làm ngược lại, cho công bố lời khai trước rồi mới tiến hành đối chất nhằm mục đích tạo thuận lợi cho Tuấn, Hằng, gây bất lợi cho Hưng.
“Khi đối chất với Hằng, tôi có hỏi nhiều câu thì Hằng ko trả lời. Khi đó cán bộ điều tra lại định hướng Hằng theo hướng anh Tuấn đã khai hoặc theo lời khai Hằng đã khai trước đó. Ngoài ra, Hằng còn được sử dụng tài liệu sẵn để đối chất, dù tôi và luật sư đã có ý kiến”, Hưng nói.
Về kết quả đối chất, Hưng cho biết dù 2 bị cáo trên được tạo thuận lợi nhưng vẫn phải liên tục điều chỉnh lời khai so với những lời khai ban đầu.
Thứ tư, bị cáo này cho rằng trong vụ án này, bản chất có 2 vụ án riêng biệt. Vụ thứ nhất là việc đưa hối lộ của các doanh nghiệp để được cấp phép chuyến bay, hai là vụ án “chạy án”. Hai vụ án này có hành vi hoàn toàn khác nhau nhưng cơ quan điều tra đã cố tình nhập thành một.
“Việc nhập 2 vụ án thành 1 là sai, bị cáo cho rằng không có đủ căn cứ, cơ quan ANĐT nhập vào để sớm kết thúc vụ án. Trong khi vụ “nhận hối lộ” đã đầy đủ căn cứ thì vụ án chạy án vẫn còn nhiều nội dung còn chưa sáng tỏ, do vậy việc nhập như vậy chỉ có tác dụng giảm nhẹ hành vi phạm tội cho bị cáo Hằng.
Nếu nhập như vậy là đúng thì liệu các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung có phải bị xử nhiều lần đến như vậy hay không”, Hưng nói.
Hưng cũng cho rằng khi bị cáo Hằng ra khai báo đã nhiều lần thay đổi lời khai, che giấu tội phạm thì việc được hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú, thành khẩn khai báo là vô lý.
“Trong thời gian điều tra, cơ quan điều tra đã nhiều lần “xử ép” để bị cáo phải nhận tội, thậm chí có nhiều thủ đoạn nhưng hoàn toàn không có bất kỳ một chứng cứ gì. Bị cáo cảm nhận: Các cơ quan tố tụng đã nghĩ rằng đã là án của Ban Chỉ đạo thì kiểu gì cũng truy tố được dù yếu chứng cứ, thậm chí không chứng cứ vẫn truy tố được. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến oan sai”, Hưng khẳng định.
Thứ năm, Hưng cho rằng bản kết luận điều tra rất có vấn đề. “Tôi không cho rằng đây là một kết luận điều tra nhưng tạm gọi là như vậy. Và để nói về bản kết luận điều tra này, tôi chỉ có 4 từ: Cẩu thả, hời hợt, tùy tiện và liều lĩnh”, Hưng nói.
Theo đó, bị cáo cho rằng bản kết luận điều tra có nhiều bất cập trong việc xác định động cơ, hành vi phạm tội, xác định nhân thân, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, kết luận điều tra vừa có dấu hiệu oan sai, vừa có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm do chủ yếu buộc tội bằng nhận định chứ không có chứng cứ.
“Từ tháng 2/2022 đến tháng 10/2022, Hằng thừa nhận đã đưa cho Nguyễn Anh Tuấn tổng số tiền 1,8 triệu USD. Nếu không chứng minh được việc Nguyễn Anh Tuấn đã đưa cho bất kỳ ai thì chính bị cáo Nguyễn Anh Tuấn mới là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong giai đoạn từ 10/2022 – 12/2022, Hằng tiếp tục chuyển 0,8 triệu USD cho Tuấn. Nếu anh Tuấn đưa cho ai đó thì đó là môi giới hối lộ còn nếu anh Tuấn vẫn không chuyển cho ai thì có nghĩa là tiếp tục lừa đảo” Hưng giải thích.
Bên cạnh cơ quan điều tra, bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã vi phạm nhiều nguyên tắc trong hoạt động tố tụng.
Theo đó, Hưng cho rằng dù không có bất kỳ chứng cứ gì, Viện Kiểm sát vẫn phê chuẩn lệnh bắt bị can. Dù bị cáo liên tục kêu oan, kiểm sát viên cũng không có bất kỳ một cuộc hỏi cung riêng nào với Hưng. Khi tham gia các buổi đối chất dù phát hiện nhiều điều bất thường nhưng Kiểm sát viên cũng không hề có ý kiến gì.
“Tôi không có bất kỳ mâu thuẫn, vướng mắc, thù oán gì với các kiểm sát viên nhưng không hiểu tại sao cơ quan Viện Kiểm sát lại làm như vậy với tôi. Nếu tôi là người nhà của các anh thì các anh suy nghĩ như thế nào”, Hưng nói và khẳng định cơ quan công tố đã không làm tròn trách nhiệm và vai trò của mình.
Lời tòa soạn: Trên đây là phần tự bào chữa của bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử và cơ quan tố tụng sẽ đưa ra chứng cứ, quan điểm trước khi kết luận và tuyên án đối với Hoàng Văn Hưng và các bị cáo trong vụ án này.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng.