Sai lầm từ chuyện "góp gạo thổi cơm chung"
Năm 2003, anh B.V.H. (ngụ ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM) và vợ anh là chị N.T.N.L. phải lòng nhau. Sau một năm tìm hiểu, hai người quyết định "góp gạo thổi cơm" và chung sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng. Trong khi anh là "trai tơ" đang thời yêu đương mãnh liệt thì vợ anh đã qua một lần "lỡ chuyến sang ngang" và hơn anh 3 tuổi. "Biết chúng tôi thương nhau, cha mẹ hai bên cũng đồng ý cho chúng tôi sống chung. Họ hàng hai bên cũng không giáp mặt để nói chuyện vì vợ tôi đã có chồng và có con trước đó. Chúng tôi không làm đám cưới, cũng không ra chính quyền làm hôn thú vì cô ấy chưa ly dị với chồng cũ", anh H. chia sẻ.
Hai con anh H. mang họ người chồng trước của vợ.
Lúc đầu, cuộc sống gia đình của anh và chị rất êm đẹp. Anh quyết định đưa chị về làm dâu cha mẹ ruột và xin cho chị vào làm cùng công ty để vợ chồng sướng, khổ có nhau. Gia đình bên chồng rất thương con dâu mặc dù chưa từng mang trầu cau cưới hỏi. Bà Nguyễn Thị N. (mẹ anh H.) cho biết: "Tôi cũng nghèo, nên không có cho dâu của cải gì. Biết con thiệt thòi nên tôi cố gắng bù đắp. Đất đai trong nhà không được bao nhiêu nhưng tôi cũng cố gắng cho hai vợ chồng nó cái nền nhà để cất nhà cửa làm ăn với người ta. Từ ngày nó về chung sống với con trai tôi, gia đình bên chồng đối xử rất tử tế với nó. Có chuyện lục đục trong nhà, tôi tìm cách xuống nước nhỏ khuyên con chứ không hề lớn tiếng nặng nhẹ".
Nhưng sự êm ấm trong gia đình đơn sơ của đôi vợ chồng "hờ" chóng vánh trôi đi giữa bao khó khăn bộn bề. Chưa đầy 3 năm, vợ anh bắt đầu bộc lộ những thói hư tật xấu và tỏ ra tính khí của một cô vợ "Tào Thị". Vợ anh thường xuyên có thái độ bất kính với cha mẹ chồng. Và những chuyện "cơm không lành canh không ngọt" giữa hai người xảy ra như cơm bữa thường ngày. "Tôi biết vợ tôi có tính cục cằn, nói năng thô lỗ. Tôi nghĩ, vợ chồng chung sống, khuyên bảo có thể thay đổi được tính tình. Nhưng không ngờ, vợ tôi ngày càng quá đáng. Xúc phạm tôi đã đành, đằng này nó còn hỗn xược với cha mẹ, anh chị trong gia đình", anh H. tâm sự.
Hơn mười năm chung sống, anh và chị có với nhau hai mặt con. Đứa con lớn của anh vừa tròn mười tuổi còn đứa nhỏ nay mới lên ba. Tuy là "máu mủ ruột rà" nhưng hai con không được phép mang họ cha như quy luật vốn có từ xưa đến nay. Trong khi anh họ Bùi thì hai con của anh lại mang họ Đặng (họ người chồng trước của vợ anh). Mỗi lần cãi vã, vợ anh thường "lôi" con mình ra đánh đập như thể dằn mặt chồng. Thậm tệ hơn, vợ anh còn dạy con trẻ buông lời không phải phép với người lớn trong gia đình.
Không những thế, vợ anh còn có tính xấu lấy trộm những thứ vặt vãnh trong nhà để chơi trò "giận cá chém thớt". "Nhà tôi đâu có gì quý giá để nó lấy trộm đem bán ra ngoài. Có lần nó lấy giấy tờ xe của thằng út. Tôi hỏi mà nó cứ chối leo lẻo. Đến khi hết đường chối cãi, nó mới nói ghét thằng H. nên lấy đồ đạc trong nhà cho bõ ghét. Rồi thịt, cá của chị, em dâu mua về để tủ lạnh, nó cũng lén lút cắt xén. Tôi khổ tâm lắm. Những chuyện không đáng mà làm om xòm lên thì cũng tội cho con", bà N. bộc bạch.
Anh H. trần tình về việc anh chưa từng ký giấy kết hôn.
Giấy kết hôn, sổ hộ khẩu "trên trời rơi xuống"
Thái độ và lối sống bất kính của vợ, khiến anh H. sinh chán nản và tỏ ra bất cần đời. Anh bỏ mặc không đụng chạm đến vợ để khỏi gây ra những chuyện bất hảo. Trước sự "án binh bất động" ấy, vợ anh ngày càng lấn lướt. Mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, vợ anh âm thầm giải quyết mà không hỏi ý kiến bất cứ ai. Cách đây 4 năm, vợ anh, "rỉ tai" chồng báo tin hai người đã có giấy đăng ký kết hôn. Lúc đó, anh H. mới "tá hỏa" vì anh chưa từng đặt bút ký tên vào giấy. Kể từ đó, anh cũng không thể lý giải vợ anh "biến hóa" thế nào để có tờ giấy đăng ký kết hôn ấy. "Chẳng lẽ nó từ trên trời rơi xuống?", anh H. bức xúc nói.
Để giải tỏa những thắc mắc trong lòng, anh H. đến cơ quan chức năng tại địa phương để tìm hiểu nguồn cơn sự việc. Anh tận mắt chứng kiến giấy kết hôn của anh và vợ được lưu ở đây. Anh H. cho biết: "Tôi có làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã. Tôi chưa từng ký hay dẫn vợ đến chính quyền làm thủ tục thì làm gì có giấy đăng ký kết hôn. Lúc đó có mời công an ấp ở đây ra, ông ấy nói, giấy kết hôn hồi trước vợ tôi làm ở nhà cho tôi ký sẵn đem xuống cho ổng ký. Ổng không đồng ý nhưng vợ tôi nói với ổng có gọi điện thoại kêu tôi xuống. Ổng thấy tôi đứng ngoài cổng nên mới ký giấy cho vợ tôi".
Sự việc đặt ra trong đầu anh H. một "câu hỏi lớn không lời đáp": Đây là trò "bịp" "dùng vải thưa che mắt thánh" của vợ anh hay đây chỉ là lời lẽ biện minh của những người có trách nhiệm ban hành giấy đăng ký kết hôn này? Vì trên thực tế, anh chưa từng theo vợ xuống đứng trước cổng nhà của ông công an ấp như lời ông này từng phân trần.
Trước khi anh H. nhìn thấy giấy đăng ký kết hôn, vợ anh từng đặt vấn đề này với anh. Tuy nhiên, anh không đồng ý với lý do tính tình cô này quá ngang ngược. "Tôi không đồng ý ký giấy kết hôn, vợ tôi có nói sẽ nhờ người em rể tên K. ký thay. Tôi nghĩ nói chơi. Nhưng mấy hôm sau, thấy thằng K. xuống nhà tôi ở cả ngày. Chắc nó nghe lời vợ tôi giả chữ ký của tôi để làm giấy", anh H. nghi ngờ.
Không những thế, vợ anh còn âm thầm thay chồng tách hộ khẩu của gia đình. Khi vợ anh "bất thình lình" mang sổ hộ khẩu do chính anh H. làm chủ hộ ra "trình làng", gia đình anh rất ngỡ ngàng và vô cùng bức xúc khi thấy con dâu ngày càng lộng quyền. "Khi hai vợ chồng nó còn đứng hộ khẩu chung với gia đình tôi, có lần nó kêu tôi cho nó mượn sổ hộ khẩu để làm giấy cho thằng H.. Tôi nghĩ sổ hộ khẩu thì làm gì được. Nhưng không ngờ nó giở đủ trò hết. Mấy chuyện giấy tờ làm đâu có dễ mà nó chạy chọt được cũng hay ", bà N. bức xúc.
Bản photocopy sổ hộ khẩu vợ anh H. để lại trước lúc ra đi.
Cán bộ tư pháp gợi ý... ly hôn?!
Theo anh H., việc vợ anh tự ý làm giấy đăng ký kết hôn và tách hộ khẩu là để hợp pháp làm bà chủ trong gia đình nhỏ với anh. Nhưng từ ngày sự việc đổ bể ra đến nay, vợ anh nhanh chóng dọn hết đồ đạc trong nhà và "ôm" quyển sổ hộ khẩu đi biệt tích. Anh H. tâm sự: "Đồ đạc trong nhà hai vợ chồng cùng làm dành dụm mua sắm. Tới hồi đi, nó dọn sạch. Sổ hộ khẩu cũng lấy đi luôn chỉ để lại bản photo cho tôi. Cô ta có cái tính rất kỳ khôi. Cái gì cũng muốn giữ. Giấy CMND của tôi nó lấy, tôi khổ sở lắm mới đòi lại được. Cô ta tách hộ khẩu đã bốn năm nay nhưng tôi chỉ thấy được bốn lần. Cô ta giữ trong người như vật bất ly thân vậy, không hề cho tôi đụng đến".
Nhiều lần, anh H. làm đơn gửi lên chính quyền địa phương bày tỏ bức xúc về việc giấy đăng ký giấy kết hôn nhưng không được giải quyết. Cán bộ Tư pháp ở đây gợi ý anh H. làm giấy xin ly hôn gửi lên tòa án để được đáp ứng nguyện vọng. "Tôi cũng muốn đăng ký kết hôn hợp pháp với vợ. Nhưng cô ấy đã ly dị với chồng cũ hay chưa tôi còn chưa rõ. Mỗi lần hỏi thì cô ấy ấp úng bảo rồi, nhưng kêu đưa giấy ly hôn thì lại không đưa. Vả lại, tính tình cô ấy không tốt thì sao tôi làm hôn thú được. Tôi chưa đăng ký kết hôn mà bây giờ kêu tôi làm đơn ly dị, thật vô lý", anh H. bức xúc.
PV không được đặt máy ghi âm khi tác nghiệp!? Khi PV đến trụ sở UBND xã Phước Hiệp để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của quyển sổ hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn "trên trời rơi xuống" trong gia đình anh H.. Nhưng cán bộ ở đây từ chối chia sẻ mọi thông tin liên quan đến vấn đề với lý do "không đồng ý để PV đặt máy ghi âm lúc trao đổi!?". Cùng ngày, chúng tôi tìm đến nhà của ông công an ấp Ba Sa để xác minh câu chuyện anh H. chia sẻ nhưng không gặp được vì vị cán bộ này đã đi vắng. |
Vinh Điền