Nỗi đau nơi cổng trời
Là một trong số các xã khó khăn và nghèo nhất của huyện nghèo Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Cán Tỷ hiện có 8 thôn với trên 810 hộ và 4.300 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Từ trung tâm xã đến thôn Lùng Vái, nơi vừa xảy ra vụ ngộ độc thương tâm làm 4 người chết, 7 người nguy kịch phải đưa đi viện cấp cứu do ngộ độc bánh trôi ngô. Chúng tôi phải chạy xe máy khoảng hơn 10km, đường hẹp, chênh vênh, nham nhở đá tai mèo, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Đến chân đồi, chúng tôi phải gửi xe máy nhà dân, cuốc bộ thêm gần tiếng đồng hồ mới đến được thôn Lùng Vái.
Lùng Vái là một trong những thôn xa xôi và khó khăn nhất, vì thiếu đất canh tác, đặc biệt nước sản xuất và sinh hoạt vẫn thiếu trầm trọng. Những ngôi nhà của đồng bào ở đây đều thiết kế thấp, nhỏ, tường trát đất dày (trình tường), nằm rải rác thưa thớt thành từng chòm trên những sườn núi chênh vênh. Gặp một phụ nữ người Mông đang nhổ cỏ bên nương ngô ven đường, chúng tôi hỏi đường đến nhà ông Cháng Chừ Sá. Với giọng nói lơ lớ, chưa sõi tiếng Kinh, cùng cách chỉ đường có một không hai của chị làm chúng tôi quên đi mệt nhọc của quãng đường dài leo núi: "Nhà nó trên cao kìa, đi hết cái đồi này, qua cái đồi kia, một đoạn, một đoạn nữa thì thấy nhà nó".
Nhà ông Sá nằm chênh vênh bên một ngọn đồi, xung quanh toàn đá tai mèo lởm chởm.
Chúng tôi đến khi gia đình ông Sá đang dùng bữa trưa với món ngô xay (mèn mén) và canh rau cải cay lõng bõng. Trong ngôi nhà lụp xụp không có gì đáng giá ngoài đống ngô để vạ vật trên nền đất nham nhở, lồi lõm. Cả nhà toát lên sự âm u, lạnh lẽo, tối tăm. Trên gác cũng âm u, chỉ le lói chút ánh sáng xuyên qua mái nhà rọi xuống. Bế đứa cháu nhỏ trên tay, ông Sá rưng rưng kể: "Nhà bác có 9 người con, 5 gái, 4 trai. Bây giờ 3 đứa đã chết rồi, cả đứa cháu nội cũng chết. Gia đình đang chuẩn bị làm ma khô cho chúng". (Người Mông có đám ma tươi tức là lúc mới chết và đám ma khô, sau 13 ngày kể từ khi chôn cất).
Bé Cháng Mí Mù sẽ được xuất viện sau một vài tuần nữa.
Theo lời kể của ông Sá, gia đình ngâm ngô đã xay thành mảnh từ trước tết đến nay, gia đình đã ăn hết một phần, còn một phần ngâm đến ngày 22/4/2013 mang ra xay thành bột làm bánh ăn dần. Số bột còn lại (khoảng 2kg) vợ ông mang ra phơi nắng. Ngày 26/4, gia đình mang một phần bột ra làm bánh ăn nhưng không có dấu hiệu gì xảy ra. Khoảng 15h ngày 29/4, gia đình lại lấy số bột còn lại cho thêm đường rồi làm bánh ăn. Sau đó người con dâu tên Lù Thị Mua đi cắt cỏ, đến nửa đêm Mua bị nôn nhưng không nói cho ai biết. Tiếp đó, sáng hôm sau, không thấy cô con gái tên Chợ dậy nên mọi người vào gọi thì thấy Chợ đang đau bụng, bụng chướng, nôn ra thức ăn có mùi chua. Khi hỏi những người còn lại cũng thấy có triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn và nôn nhưng vì chủ quan nên ông Sá chưa đưa mọi người đến bệnh viện ngay.
Hậu quả là con gái ông là Cháng Thị Chợ, 9 tuổi, đã tử vong. Sau đó cháu trai Cháng Mí Hầu, 11 tháng tuổi cũng tử vong. Thấy vậy, ông Sá và gia đình mới đưa những người có dấu hiệu đi bệnh viện đa khoa huyện Quản Bạ cấp cứu. Ngày 2/5, 5 bệnh nhân bị ngộ độc nặng tiếp tục được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Và Cháng Sè Chứ (22 tuổi), Cháng Mí Nhừ (11 tuổi) cũng tử vong do ngộ độc quá nặng.
Ám ảnh mãi trong mỗi chúng tôi là hình ảnh người phụ nữ ngồi bên góc bếp, tay vẫn thoăn thoắt cuộn lanh nhưng đôi mắt thì thất thần trong nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi đau này quá lớn, bà không còn có thể khóc được nữa. Ba đứa con bà đứt ruột đẻ ra đã cùng rủ nhau về trời mang theo cả đứa cháu trai xấu số. Nhìn ra phía cửa, ông Sá nghẹn ngào nói: "Mong cho thằng Mù mau qua khỏi để về tiếp tục đi học lấy cái chữ. Nó vẫn ước mơ sau này được về Hà Nội học, giờ đã được đi Hà Nội rồi đấy, nhưng là đi bệnh viện. May mà có sự giúp đỡ của các bác sỹ nếu không chắc nó cũng chết rồi. Chúng tôi nghèo khổ chẳng có tiền, chỉ biết phó mặc cho số phận và nhờ cậy vào sự giúp đỡ của mọi người".
Quản Bạ, Hà Giang.
Đi tìm nguyên nhân của những cái chết thương tâm
Từ ngàn đời nay, người Mông thường sinh sống trên những triền núi cao, khó khăn cho việc giao thương trao đổi hàng hoá, không có điều kiện trồng lúa nước. Vì thế cây ngô là cây lương thực chính của bà con ở 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang và trở thành món ăn không thể thiếu từ bao đời nay của bà con. Trước đây, mỗi khi tết đến, thay vì gói bánh chưng như người Kinh vùng xuôi thì người Mông lại xay bột ngô nước làm bánh trôi ăn trong 3 ngày tết.
Hiện tại, do nhu cầu sử dụng, ngoài món mèn mén (ngô xay đồ lên) là lương thực chính ăn thay cơm, ngày thường, bà con vẫn làm bánh để ăn. Để làm bánh trôi ngô, người ta lấy ngô nếp hạt (đã khô) ngâm vào nước khoảng 2 - 4 tiếng, sau đó xay cho hạt ngô vỡ làm tư, làm năm, rồi tiếp tục ngâm ngập nước cho đến 3, 4 tuần, mỗi tuần thay nước ngâm một lần, đồng thời vò lọc cho hết mày ngô.
Chị Lù Thị Mua (con dâu ông Sá) cho biết: "Trước tết khoảng 1 tháng, các gia đình bắt đầu ngâm ngô làm bánh trôi. Khi ngô đã ngâm vào thùng nước, đánh sạch mày ngô đến tuần thứ 3 hoặc tuần thứ 4, lấy ngô đã ngâm đem xay thành bột ngô nước. Bột ngô nước xay xong được cho vào một túi vải mỏng, đem treo để róc hết nước. Để bột ngô nhanh khô, người ta đặt túi bột ngô vừa xay vào đống tro bếp để tro bếp hút nước được nhanh hơn. Khoảng hai ngày, thấy bột ngô trong túi đông lại thì mang ra đánh tơi rồi cho một lượng nước vừa đủ vào đảo đều sau đó lăn thành từng chiếc bánh hình tròn giống như bánh rán đem chảo rán vàng hoặc bỏ vào nồi đun lên với nước đường phèn thành bánh trôi. Khi ăn bánh rất dẻo, có mầu vàng sánh đậm đặc, mùi vị thơm ngon. Những người phụ nữ Mông thường dậy từ rất sớm để chế biến món ăn này cho kịp đi nương, đi rẫy... Tôi không thể tin được nó có thể giết chết người như vậy".
PGS.TS Phạm Duệ mừng khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch
PGS.TS Phạm Duệ (Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận một vài ca ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên chưa có trường hợp nào nặng như cháu Cháng Mí Mù (13 tuổi). Mù được chuyển xuống viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch, nếu chỉ chậm vài tiếng sẽ dẫn đến tử vong (nếu enzin trên 13.000 đv /lít, PT = 0%).
Hiện tại, nhờ sự tận tình điều trị tích cực của các bác sỹ, Mù đã qua cơn nguy kịch, chờ gan phục hồi, qua mấy ngày lọc máu bệnh có xu hướng tiến triển tốt, gan ổn định dần. Men gan đã giảm từ hơn 8.000 xuống còn 500 (dù vẫn đang cao gấp 12 lần bình thường). Đây là trường hợp vô cùng nặng, chưa từng gặp. Ban giám đốc Trung tâm đã phải vạch ra phác đồ điều trị chưa từng làm, dựa trên cơ sở kinh nghiệm và khoa học. Mỗi ngày phải thay huyết tương 3 lần cho bệnh nhân nhằm lọc độc, bổ sung yếu tố cần thiết. Việc xác định vi nấm là rất khó khăn vì hiện tại ở Việt Nam chưa có cơ sở nào có thể làm được.
Chiều 9/5, PGS.TS Phạm Duệ cho PV biết: "Cháng Mí Mù sống rồi! Cháu đã có cảm giác thèm ăn và đã ăn được. Điều duy nhất bây giờ là cần tiếp tục theo dõi, cảnh giác với những biến chứng xấu trong trường hợp bất khả kháng có thể bất ngờ xảy ra. Nếu cứ tiến triển tốt như hiện tại thì Mù sẽ được xuất viện sau vài tuần nữa. Mọi chi phí điều trị của cháu đều được bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ hoàn toàn". |
Hoàng Sa