Ngôi làng của tôi thuộc xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Với hơn 300 hộ lọt thỏm giữa rừng cao su bát ngát của huyện Dầu Tiếng, nơi đây có cuộc sống khá khó khăn.
Mấy năm trở lại đây, mủ cao su mất giá nên cuộc sống cũng không thoải mái lắm. Nhiều người đã bỏ làng đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Làng quê yên bình ngày nào giờ đã không còn sau ngày 2/9 vừa qua khi rất nhiều người trong làng trúng số. Người ít thì cũng trúng 50 triệu đồng người nhiều thì trúng vài tỷ bạc.
Bây giờ, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán xôn xao người này trúng bao nhiêu, người kia trúng nhiều hay ít, gia đình dòng họ được cho bao nhiêu... Nhiều khi thấy buồn vì bây giờ, đi đâu cũng chỉ nghe tiền và tiền.
Tôi cũng nhận được số tiền nho nhỏ đủ khao bạn bè một bữa nhậu khi cũng có người nhà trúng 2 tờ đặc biệt. Với tôi, ít nhiều không quan trọng mà trên hết là chút lộc của người được hưởng, theo cách nói của của dân gian.
Tuy nhiên, tôi lại chứng kiến nhiều gia đình trở nên mâu thuẫn khi người trúng cho ít cho nhiều rồi chợt cảm thấy chạnh lòng.
Anh N.C., một người hành xóm đã hơn 30 tuổi đang làm công nhân cạo mủ cao su. Cuộc sống cũng không quá khó khăn nhưng với đồng lương hơn 4 triệu đồng/tháng, anh cũng chật vật lo cho gia đình.
Rồi anh trúng 1 tờ đặc biệt. Cuộc sống của anh trở nên đảo lộn để rồi cuối cùng vẫn hai bàn tay trắng.
Vài ngày sau khi trúng số, anh có tâm sự với tôi, thà không trúng số cuộc sống còn nhẹ nhàng hơn dù có chút khó khăn. Bây giờ trúng, mọi người đến chia chác.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, biết nói làm sao cho em rõ. Chỉ biết, giờ anh rất buồn. Sáng nay, anh có đi chùa lễ Phật để cho lòng nhẹ hơn”, anh N.C. chi sẻ với tôi bằng giọng khá buồn.
Cô T., một người hàng xóm khác cũng than thở: "Tôi trúng một tờ an ủi, sau khi trừ thuế thì còn lãnh được 45 triệu đồng. Người trong làng đồn già đoán non bảo tôi trúng đặc biệt rồi người ta kéo đến đòi nợ, giờ không biết trả ai thiếu ai".
Có nhiều gia đình còn dở khóc dở cười khi người cho nhiều kẻ cho ít. "Chuyện cho tiền ai bao nhiêu thì chỉ người cho mới biết, chẳng ai nói thật với ai bao giờ. Vậy là người này thổi tai người kia bảo nó cho người này vài chục triệu, cho người kia có mấy triệu. Người này qua người khác, lời ra tiếng vào rồi chính dòng họ lại nghi ngờ lẫn nhau, ghanh tị nhau", chị T. ngán ngẩm chia sẻ với tôi.
Chuyện làng tôi trúng số chẳng vẻ vang gì để kể ra đây, cũng chẳng tự hào gì khi xảy ra quá nhiều chuyện khiến cái làng yên bình ngày nào trở nên xáo trộn. Nhưng tôi mong rằng sẽ không còn nơi nào giống làng tôi, hãy xem những đồng tiền kia là “lộc trời ban” rồi “của ai nấy hưởng” và tiếp tục cuộc sống bình yên như ngày nào.
Đăng Dương (ngụ xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương)