Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh về một đất nước Việt Nam thân thiện, hiếu khách lại "xuống sắc" và câu chuyện văn hóa du lịch lại được đặt ra nóng hổi như thế.
Từ chuyện khách "một đi không trở lại"...
Tình trạng khách du lịch nước ngoài liên tục bị "chặt chém" trong thời gian vừa qua giống như giọt nước tràn ly. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện mới toanh mà cũ xì đến mức trầm kha, tồn đọng hàng chục năm nay, có điều ngày càng diễn ra một cách dồn dập và trắng trợn. Lạ chăng là chưa bao giờ thấy những vị lãnh đạo thuộc ngành du lịch đến xin lỗi từng vị khách nước ngoài gặp "nạn". Chuyện cứ như đùa, nhưng là một sự thật đương thời tréo ngoe và tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí.
Từ việc đi xích-lô thỏa thuận 70.000 đồng nhưng phải trả tới 1,3 triệu đồng, 98.000 đồng cho quãng đường 7km "lạm phát" thêm một con số 0 thành 980.000 đồng cho tới việc ba du khách người Pháp bị tài xế ta-xi và chủ khách sạn cấu kết lừa đảo, đe dọa thì hình như một số bộ phận "con sâu làm rầu nồi canh" đang xem các du khách nước ngoài là "miếng mồi" béo bở để "đục khoét".
Tuy nhiên, họ không biết rằng khi bắt đầu lộ trình du lịch của mình, những vị khách ngoại quốc kia đã tìm hiểu khá đầy đủ đặc điểm, cũng như phong tục văn hóa của Việt Nam. Hơn nữa, hình như họ quên mất Ðiều 35 của Luật Du lịch quy định, khách du lịch có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch. Khi khách du lịch hiểu được quyền của mình thì đây không còn là vấn đề văn hóa nữa mà đã trở thành vấn đề hình sự, buộc các đơn vị chức năng phải vào cuộc. Ngoài những lùm xùm, rắc rối và những ấn tượng xấu thì việc họ có quay trở lại lần nữa hay không thì chỉ biết hỏi... giời.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 2,5 triệu lượt, trong đó chỉ có chừng 1,5 triệu đến để tham quan, du lịch, số còn lại đến để làm ăn và các mục đích khác, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn vào số liệu trên, không biết những ai phải vò đầu suy nghĩ? Có thể tình trạng này sẽ còn tiếp diễn bởi suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền du lịch khác trên thế giới.
Ðó cũng là lúc chúng ta tự hỏi Việt Nam đã có thứ văn hóa gọi là văn hóa du lịch hay chưa? Bấy lâu nay chúng ta vẫn nói mãi về những chữ "thân thiện", "bền vững", "tiên tiến" và "đậm đà bản sắc dân tộc" nhưng hình như vô tình đã quên mất việc bắc một cái cầu tôn trọng khách để Việt Nam là một điểm hẹn lý tưởng của khát khao gặp gỡ văn hóa từ tất cả các quốc gia trên thế giới.
...đến văn hóa của chủ nhà
Khi bài học về văn hóa du lịch chưa thật sự vỡ lòng thì với những người quản lý, việc ban hành những chế tài xử phạt cũng như luật để bảo vệ khách du lịch cần nghiêm khắc và có tính "răn đe" hơn nữa. Những xử phạt hành chính đưa ra gần đây đối với những kẻ phạm tội hình như còn quá nhẹ và chưa mang tính cảnh cáo. Ðơn cử, việc ba du khách người Pháp bị ta-xi và khách sạn cấu kết lừa đảo, đe dọa mà khách sạn nọ chỉ bị phạt 10 triệu đồng. Thậm chí tên khách sạn còn được giấu kín, không công khai cho nhiều người được biết để cảnh giác về cách làm ăn không đứng đắn, thiếu chuyên nghiệp của khách sạn này.
Nạn chèo kéo quanh khu vực phố cổ Hà Nội đã tồn tại từ nhiều năm nay.
Hiện nay, cơ quan quản lý về du lịch thì nhiều nhưng chồng chéo, không rõ ràng, lực lượng công vụ đông nhưng người chịu trách nhiệm thì quá ít. Và khi xảy ra chuyện thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm, dễ dẫn đến tình trạng một số kẻ lợi dụng để lộng hành.
Các du khách trong những trường hợp kể trên bị "chặt chém" nhưng đã kịp thời báo lên các cơ quan chức năng để giải quyết. Có thể họ sẽ còn trở lại Việt Nam vì cảnh sắc Việt Nam đẹp, ngành du lịch ra tay kịp thời khi họ bị oan ức. Nhưng con số này quá ít ỏi và không phổ biến. Không phải ai gặp "nạn" cũng biết đường mà trình báo. Ða số không báo lên vì cái chậc lưỡi cho qua hoặc không có điều kiện để trình báo thì họ sẽ âm thầm chịu đựng sự thiệt thòi vô lý kia. Ði cùng với đó là những ấn tượng rất xấu về đất nước và con người Việt Nam. Khi đó mọi cố gắng để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của ngành du lịch trong nhiều năm qua đều trở thành công cốc và đổ xuống sông xuống biển.
Trước sự cố của du khách, nhiều chuyên gia có đề xuất nên chăng thành lập cảnh sát du lịch, một cơ quan chuyên trách đảm nhận việc bảo vệ, giải quyết các vấn đề liên quan tới khách du lịch nói chung, không riêng gì khách du lịch nước ngoài. Phản ứng xã hội trước đề xuất này khá tốt. Song, lẽ ra việc này phải được thực thi từ lâu khi mà trong con mắt và trải nghiệm của nhiều du khách nước ngoài, hình ảnh Việt Nam đang xấu đi bởi những "trò mèo" chặt chém, cướp giật, dọa nạt, chèo kéo... Và lẽ ra, chúng ta nên chuyên nghiệp hơn khi xác định đây là ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Văn hóa du lịch là tổng hòa tất cả những mối quan hệ liên quan tới vấn đề du lịch, mà ở đó từ trên xuống dưới đều ý thức được trách nhiệm xã hội của mình. Văn hóa đó phải bắt nguồn từ cội rễ yêu thương và tôn trọng con người. Liệu đó có phải là bí quyết?
Theo Nhân dân