Nhà nhà Hán Nôm, người người Hán Nôm
Tôi tìm đường sang "Bên kia sông Đuống", hỏi thăm về xã Hoài Thượng, Thuận Thành. Sau khi chỉ dẫn nhiệt tình, người dân nơi đây không quên hỏi tôi, về học chữ Hán Nôm hả cháu? Quả thật, đất Hoài Thượng có truyền thống học chữ Hán Nôm từ lâu và đã đi vào nếp nghĩ của người dân Thuận Thành. Cứ hỏi về Hoài Thượng người ta nghĩ ngay đến chữ Hán Nôm, hoặc nếu muốn học chữ Hán Nôm thì người ta sẽ chỉ đường về xã Hoài Thượng.
Đại Mão là ngôi làng được mệnh danh có truyền thống học Hán Nôm mạnh nhất xã nằm dọc theo con sông Đuống thơ mộng. Sự trù phú của đời sống dân sinh thể hiện qua những ngôi nhà tầng hiện đại, kiểu dáng sang trọng. Giải đáp sự ngạc nhiên của tôi, Chủ tịch xã Hoài Thượng, ông Đỗ Duy Diệp (SN 1958) cho biết: "Ngoài nông nghiệp, người dân nơi đây sống bằng nghề thủ công nghiệp mà nổi bật là chế tác gỗ mỹ nghệ. Chính đặc điểm làng nghề đã làm nên diện mạo mới cho quê hương Đại Mão”. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là trong sự phát triển trù phú và hiện đại ấy, dưới mỗi nếp nhà tầng sang trọng kia, người dân từ già đến trẻ vẫn mặn mà với chữ Hán Nôm cổ.
Anh Nguyễn Phấn Hùng (SN 1985), trưởng ban Tư pháp xã cho biết: "Nhiều người cứ nghĩ chỉ có người già mới thích học chữ Hán Nôm. Nhưng ở đây, rất nhiều người trẻ như chúng tôi vẫn tìm thấy sự hấp dẫn sau mỗi nghiên mực. Có thể chúng tôi không trực tiếp tham gia các lớp học vì còn dành nhiều thời gian phấn đấu cho những công việc khác, nhưng đọc và dịch vài ba bức hoành phi câu đối để hiểu lịch sử cha ông thì chúng tôi cũng có thể đọc dich ngon lành. Đó là do các cụ đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ”. Được biết, bố anh Hùng là ông Nguyễn Phấn Thuật, bí thư chi bộ xã cũng là một trong những học trò xuất sắc của lớp học chữ Hán Nôm thôn Đại Mão.
Những lớp dạy và học chữ Hán Nôm là truyền thống đầy tự hào của quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ông Trịnh Hồng Tư (SN 1947), phó chủ tịch MTTQ đồng thời là chi hội trưởng chi hội Hán Nôm xã cho biết: "Ở Thuận Thành, phong trào học Hán Nôm phát triển tương đối mạnh nhưng mạnh nhất vẫn là ở Hoài Thượng. Riêng xã chúng tôi đã hình thành một chi hội, còn các chi hội khác trong huyện do nhiều xã hợp lại. Toàn xã hiện nay có 72 hội viên chia thành sáu lớp học với bốn thầy dạy chính. Trong số bốn thầy thì có hai thầy thuộc những lớp học đầu tiên mở cách đây mười năm, giờ đã đủ kinh nghiệm và trình độ để đứng lớp”.
Ở Hoài Thượng, không chỉ có người già mà thế hệ kế cận, thậm chí thanh niên cũng theo ông cha mày mò dịch chữ Hán Nôm. Những người như anh Hùng ở Hoài Thượng không phải là hiếm. Có thể không thông thạo, không trôi chảy, nhưng để hiểu được một văn bản bằng chữ Hán Nôm trên các văn bia cổ trong làng, xã, hay các bức hoành phi câu đối từ xưa kia thì lại là việc đơn giản trong tầm tay. Người trẻ ở Hoài Thượng quan niệm không phải cứ đến ngồi vào lớp học mỗi ngày và nghe thầy giảng dạy, viết viết, chép chép mới là học. Họ có thể học từ chính cha ông họ, hoặc các cụ bô lão trong làng. Có khi đứng giữa chợ quê mà hỏi thăm mấy cô mấy chị bán rau bán hoa, họ cũng biết đọc và biết dịch những câu chữ cơ bản. Đấy là một trong những điểm mạnh của Hoài Thượng so với phong trào học chữ Hán Nôm trên toàn huyện.
Anh Nguyễn Văn Vinh (SN 1978), một người dân trong thôn Đại Mão cho biết: "Tôi bận công việc suốt ngày, lo phát triển nghề để vững kinh tế nuôi gia đình. Nhưng cứ khi rảnh rỗi tôi lại xem bố tôi học và viết chữ Hán Nôm. Bây giờ, tôi cũng biết đọc kha khá. Đứa con gái lớn của tôi năm nay học lớp 5, cứ đi học về là cất sách vở xuống nhà xem ông viết chữ. Cháu chưa hiểu nhưng có vẻ cũng đã kế thừa sự say mê từ ông. Nếu lớn lên cháu có nguyện vọng chữ cổ này thì gia đình tôi cũng sẵn sàng ủng hộ”.
90 tuổi vẫn cắp sách tới đình học chữ Hán Nôm
Nếu như ở các thành phố lớn và nhiều nơi người ta quan niệm rằng không tinh thông lấy một thứ ngoại ngữ là lạc hậu so với thời cuộc thì ở Hoài Thượng này, không biết đôi ba câu tiếng Hán Nôm lại bị coi là tụt hậu, lạc lõng. Người già, người trẻ đều tìm đến chữ Hán Nôm, mong lưu giữ được những tinh hoa văn hóa dân tộc đúc kết suốt ngàn năm lịch sử.
Được sự giới thiệu của ông Tư, tôi tìm đến nhà thầy Lê Nho Bảo (SN 1932), người có công đầu tiên khởi xướng phong trào học Hán Nôm ở thôn Đại Mão. Tên tuổi thầy đã trở nên quá nổi tiếng ở mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng này. 81 tuổi, nhưng thầy Bảo còn khỏe và thanh niên tính lắm. Nghe tôi trình bày muốn tìm hiểu chữ Hán Nôm, thầy rất vui. Thầy đưa tôi vào căn phòng chừng 15m2 nhưng có đến hơn nửa diện tích dành để kê tủ đựng sách Hán Nôm các loại. Từ Tứ Thư, Ngũ Kinh cho đến những sách thuốc chữa bệnh, tất cả đều bằng chữ Hán Nôm. Được biết gia đình thầy có truyền thống bảy đời dạy học. Đến đời của thầy có tám người con thì tất cả đều theo nghiệp phấn trắng bảng đen. Thầy Bảo chia sẻ: "Cái lôi cuốn tôi đến với chữ Hán Nôm đơn giản bởi mọi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đều từ chữ Hán Nôm mà ra. Mọi tài liệu lịch sử quý báu hầu như đều được ghi chép bằng chữ Hán Nôm. Nếu mình không truyền dạy được cho đời sau thì tự thấy hổ thẹn với cha ông và thấy tiếc vô cùng. Rất nhiều giá trị lịch sử được mở ra từ việc giải mã chữ Hán Nôm. Bởi thế, tôi tự nguyện làm công việc này lúc tuổi hưu nhàn hạ".
Thầy Bảo cũng cho biết: "Hiện nay tôi phụ trách hai lớp học, mỗi lớp khoảng tám học sinh, học hai buổi một tuần. Để có được một buổi dạy chữ Hán Nôm thì bản thân tôi phải bỏ ra hai buổi để soạn giáo án. Bởi vậy mà tuổi già cũng trở nên vui thú hơn. Trong lớp học của tôi có cả bí thư chi bộ xã, trưởng thôn, đại đa số là tuổi trên 40. Trước đây cũng có khá nhiều thanh niên tìm đến học, nhưng vì công việc bận rộn nên các cháu không tham gia lớp học thường xuyên được. Đa số các cháu thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi, rồi hỏi tôi và hỏi những người lớn đã học thông thạo. Những dịp nghỉ hè thì số các cháu ít tuổi tìm đến lớp nhiều hơn".
Thầy Bảo nhớ lại: "Cách đây hai năm, tôi còn nhớ lớp học của tôi có cụ tên Miên, người làng bên, tuổi đã 90 nhưng không bỏ sót một buổi học nào. Sau này khi phong trào bên làng cụ cũng phát triển mạnh, cụ theo học lớp ở làng cho đỡ công đi lại vất vả, nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn đi bộ sang thăm tôi và lớp học bên này. Nhìn những người như cụ, chân đã chậm, mắt không được tinh anh nữa nhưng vẫn chăm chỉ rèn luyện như muốn nuốt lấy từng chữ mà tôi thấy ấm lòng và có thêm động lực tin rằng thế hệ trẻ sau chúng tôi sẽ không bao giờ quay lưng với lịch sử”.
Hàng năm, để phát huy truyền thống và để giữ gìn phong trào học chữ Hán Nôm, xã Hoài Thượng thường tổ chức những cuộc thi đọc chữ Hán Nôm vào dịp đầu xuân, lễ hội các làng và có phần thưởng hậu hĩnh cho người thắng cuộc. Thầy Bảo rất tự hào vì trong những cuộc thi như thế, người thắng cuộc thường là học trò trong lớp Hán Nôm của thầy. Qua mười năm kinh nghiệm dạy chữ Hán Nôm ở làng, cho đến bây giờ, mỗi dòng họ ở làng đều có ít nhất một người thông thạo Hán Nôm. Thầy Bảo rất tự hào vì như thế là thành công rất lớn rồi. Mỗi “hạt giống” ấy sẽ lại là một người thầy để truyền dạy cho con cháu mình không bao giờ đánh mất truyền thống văn hiến của quê nhà, của dân tộc.
Lớp học đặc biệt Ông Trịnh Hồng Tư cho biết: "Trên địa bàn xã, duy trì đều đặn và phát triển nhất vẫn là lớp học của thầy Lê Nho Bảo ở thôn Đại Mão, mười năm qua chưa hề bị gián đoạn lần nào. Thầy và trò đều là những người ở tuổi xế chiều, những giáo chức đã về hưu. Lớp học tổ chức ở đình làng, học sinh đi học không phải đóng phí, thầy giáo không hề nhận được khoản phụ cấp nào. Phần thưởng cho cả thầy và trò là cùng nhau thông thạo chữ Hán Nôm và có thể truyền dạy cho con cháu mình sau này”. |
Dương Thu