Văn hóa giao thông thực sự là một diện mạo rất đáng phải chỉnh trang từ những điều cụ thể nhất chứ đâu phải chỉ cần "make up" bằng tháng cao điểm về một an toàn nào đó. Nhìn cách người Việt điều khiển ghi đông, vô lăng, nhấn ga, đạp phanh cũng đủ hiểu sự lựa chọn, ứng xử của họ với cộng đồng và bộc lộ những toan tính như thế nào.
Nhưng, đã nói về văn hóa giao thông thì không thể không nhắc đến thứ siêu ngôn ngữ trong giao tiếp, ấy là tiếng còi xe. Âm thanh từng làm xốn xang tâm hồn tuổi thơ những năm đất nước mới mở cửa, hứa hẹn một tương lai mới mẻ giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh ồn ã, bế tắc và cáu kỉnh.
Người Việt vốn dĩ học lái xe theo kiểu tự phát, nắm luật giao thông mơ màng nên chuyện dùng còi xe như thế nào lại càng trở nên rắc rối và phiền toái.
Trong khi chúng ta đang mơ về những đô thị chỉ nháy đèn hiệu xi nhan trong khung giờ nghỉ ngơi, với một nề nếp di chuyển bình thản và đúng luật thì bản thân chúng ta cũng đang vô tình kéo xa khoảng cách ấy bằng những cái nhấn tay vào nút điều khiển hàng ngày đi làm hay tan sở mà không hay.
Chúng ta sử dụng âm thanh ấy để tranh giành bằng sự gắt gỏng, nhằm làm người khác phải sợ hãi mà tránh mình, để thị uy những phương tiện giao thông bé nhỏ hơn và tự huyễn hoặc mình bằng quan niệm: An toàn là trên hết, tốt cho cả hai bên. Trong khi, sự quyết đoán, ra oai ấy lại tao nên một tình huống rối ren, làm mất đi sự tỉnh táo cho người khác.
Bản thân tôi nhiều khi thấy mình bị người khác "xả" cho một tràng còi mà thực sự chả hiểu vì chuyện gì và họ muốn nhắc mình điều gì. Mọi tín hiệu phát ra đáng lẽ phải được khớp với một thông điệp như xin đường, cảnh báo, nhắc nhở... đằng này chỉ là một thứ vượt ẩu lấn làn đường hay trót dừng lại đợi đúng hiệu lệnh đèn xanh mới di chuyển.
Ở phía ngược lại, nhiều người khi tham gia giao thông đã tự tố cáo bản thân mìnhå kém hiểu biết về luật và tôn trọng lợi ích cộng đồng. Từ đường nhỏ, ngõ hẻm, họ phóng ra đường lớn như một mũi tên, chiếm làn đường trung tâm bằng mọi cách mà không cần chú ý đến những ai đang có mặt trên đường. Với họ, tất cả chỉ như khoảng sân nhà, nên hồn nhiên mặc kệ tiếng còi xe cảnh báo thất thanh của người khác.
Trong suy nghĩ của người Việt, còi xe còn là trò tiêu khiển của những người coi giao thông là thú chơi ngông và nhằm khẳng định bản thân. Đặc biệt, trong những dịp lễ tết, họ ra đường chỉ để lượn lờ chứ không có được một cái đích thực sự. Bởi thế, tiếng còi xe trong tay những người manh động như thể trở thành công cụ để tiêu khiển, trêu chọc, làm quen ai đó chứ đâu phải là một ngôn ngữ được mã hóa bằng tín hiệu.
Tiếng còi xe còn là một phiền toái cho những ai đã từng quan tâm đến nó khi tham gia giao thông trên đường của Việt Nam. Bởi lẽ, nhiều người lại quá cẩu thả khi không thèm dùng đến nó mà ngang nhiên băng qua, vượt lên hay lao vào những con ngõ hẹp.
Đơn giản, với họ mọi âm thanh kia chỉ là hình thức, tựa như lời cảm ơn, thưa gửi hàng ngày mà họ vẫn thường không cần đến trong khi giao tiếp. Vậy là từ thái cực này đến thái cực khác, với muôn hình vạn trạng các kiểu loại, tiếng còi xe của người Việt đang xa lạ với những người bạn được sinh ra ở những đô thị văn minh và lại thật gần gũi với những ai sinh ra đã phải sống chung với tiếng còi xe trong các đô thị ở Việt Nam.
Nó hoàn toàn là trình độ điều khiển phương tiện, là thói quen, tật xấu, là hành vi không tốt đẹp?! Không hẳn, đó còn là tư duy manh mún thiếu ý thức khi có vật cản gây ách tắc giao thông sẽ nháo nhác, hoang mang những tiếng còi và cáu kỉnh cũng được toát lên từ chuỗi âm thanh ấy.
Chỉ khi nào chúng ta thực sự cảm thấy giao thông cũng cần được mạch lạc bằng tư duy, thay cho sự bế tắc, rối rắm thì khi đó giao thông Việt Nam mới thực sự khai sáng, những tiếng còi kia mới thực sự có lí, có nghĩa bởi một thông điệp để bảo về sự sống, tính mạng của con người.
Bảo Vy